Cái giá phải trả cho việc yêu Chúa
Nội dung

Cái giá phải trả cho việc yêu Chúa

 

Chúng ta là những thụ tạo kỳ lạ và không nhất quán. Lấy ví dụ trong vấn đề mua bán, chúng ta biết rõ rằng khi muốn mua bất cứ thứ gì, chúng ta sẽ phải trả giá rồi mới được sở hữu. Trên thực tế, nếu không trả giá và chiếm đoạt của người khác, chúng ta sẽ bị gọi là kẻ ăn cắp. Trong đời sống thường ngày, mặc dù hay phàn nàn về tình trạng giá cả leo thang và tham khảo khắp nơi để mua cho được hàng hóa với chi phí thấp nhất, nhưng khi đã quyết định mua, chúng ta chấp nhận một điều hiển nhiên mà không cần nghĩ lại: để có được thứ mình cần hay muốn, chúng ta phải trả cho người bán bất cứ giá nào mà người ấy ấn định.

Sau đó, hãy chuyển sang đời sống thiêng liêng, thế giới siêu nhiên và ân sủng của Thiên Chúa. Đột nhiên, chúng ta dường như thay đổi suy nghĩ, mặc dù hiểu về nó tốt hơn những sự thế gian. Chúng ta phải đấu tranh để vượt qua ý tưởng kỳ lạ rằng: ở nơi nào Chúa quan phòng, Người nợ chúng ta những gì ta cần và bằng cách nào đó, chúng ta có quyền trên những gì Người ban mà không cần bận tâm đến việc phải trả giá cho những gì mình muốn. Như vậy liệu có hợp lý không? Quả là mâu thuẫn! Có câu “Bạn chẳng nhận được gì nếu chẳng có gì.” Tại sao một số người lại có quan niệm khác về Chúa? Họ dường như mong đợi được Người ban cho tất cả.

Chúng ta có thể đưa ra một số cơ sở cho thái độ kỳ lạ này. Rốt cuộc, Thiên Chúa tạo dựng chúng ta từ hư vô mà không đòi chúng ta phải trả bất kỳ khoản chi phí nào; đồng thời, chúng ta không có khả năng đóng góp được gì trong đặc ân cao trọng ấy. Vì mục đích tốt lành, Chúa cũng không cần chúng ta phải quanh quẩn cả đời với việc lo trả nợ cho sự tồn tại ngày mai. Có rất nhiều thứ Người ban, chúng ta được quyền sở hữu và tận hưởng mà không mất quá nhiều giờ lao động hay nỗ lực để đổi lấy.

Chính vì thế, sự tốt lành của Thiên Chúa xem ra là điều hiển nhiên; đồng thời, chúng ta cũng quen với suy nghĩ rằng: với những gì mình nhận được, chúng ta toàn quyền sử dụng; với những gì mình thích, chúng ta có quyền yêu cầu. Từ đó, chúng ta có thể lầm tưởng rằng: vì Chúa đã ban cho chúng ta rất nhiều mà không hề đòi hỏi, nên Người sẽ chỉ cho, tiếp tục cho, cho đúng lúc và cho luôn mãi mà không cần con người phải nỗ lực làm bất cứ việc gì.

Đức tin và lý trí cho chúng ta biết điều này là không đúng. Không nghi ngờ gì nữa, Thiên Chúa là Đấng yêu thương, và thực tế, danh Người là Tình Yêu. Nhưng chính Thiên Chúa yêu thương ấy cũng là Đấng công bình. Tình yêu tràn đầy của Người – thứ chúng ta mong đợi – sẽ đòi hỏi một số yêu cầu cần được đáp ứng từ phía chúng ta. Chúng ta không phải là rô-bốt hay ma-nơ-canh, cũng không phải là hoa cỏ hay loài vật vô tri, chúng ta là những con người với ý chí tự do. Và ý chí tự do Chúa ban có ý nghĩa gì, nếu chúng ta không đem nó ra sử dụng? Sự tự do đó sẽ là tuyệt vời nếu chúng ta biết dùng để nói “vâng” với Chúa, nhưng cũng sẽ thật khủng khiếp khi lấy nó để nói “không” với Người. Thiên Chúa muốn chúng ta sử dụng khả năng tự do này, và như Kinh Thánh đã chỉ rõ, tùy thuộc vào cách chúng ta sử dụng nó, mà cuối cùng, chúng ta sẽ được cứu hay phải hư mất đời đời.

Trong bài viết này, thay vì rộng bàn tới nhiều vấn đề, chúng ta sẽ chỉ tập trung vào một khía cạnh trong những điều mà Thiên Chúa kỳ vọng ở con người tự do của chúng ta, đó là, nếu chúng ta muốn yêu Chúa như Người mong muốn, và qua đó, đền đáp lại tình yêu phong nhiêu của Người, chúng ta phải trả cái giá mà tình yêu này đòi hỏi.

Ngay cả giữa người với người, chúng ta cũng biết rằng tình yêu đích thực là đòi hỏi. Ở nơi người mình yêu và người yêu mình, chúng ta mong đợi và được đối phương mong đợi nhiều. Khi đang yêu, người ta đòi hỏi ở nhau những điều mà họ không bao giờ nghĩ đến khi đòi hỏi nơi một người xa lạ. Điều gì đúng theo trật tự tự nhiên cũng thường đúng và đặc biệt đúng trong trật tự ân sủng. Chính vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta rất nhiều, nên Người muốn chúng ta dùng tình yêu để đáp lại. Và cái giá của việc được Đấng Toàn Năng yêu là rất đắt, cũng như cái giá của việc lớn lên trong tình yêu thương của Người. Dĩ nhiên rồi, thứ gì càng quý giá thì giá sẽ càng cao; đối với chúng ta, thứ quý giá nhất được sở hữu trong cuộc đời này chính là tình yêu dành cho Chúa.

Vậy rõ ràng hơn, rốt cuộc Thiên Chúa mong đợi điều gì ở chúng ta, những người tuyên bố rằng mình yêu Người và muốn đem tình yêu đó để đền đáp Người, hay có thể nói, để được Người trả công nhiều hơn trong Ngày phán xét? Sau tất cả, Người mong đợi hai điều: Thứ nhất, chúng ta sẵn lòng từ bỏ bất cứ điều gì dễ chịu mà Người có thể muốn chúng ta từ bỏ; và thứ hai, chúng ta sẵn lòng đón nhận bất cứ điều gì đau khổ mà Người có thể muốn gửi đến cho ta.

Khoảng giữa hai điều này, từ bỏ và đau khổ, hay như tôi thích, hy sinh và thập giá, là toàn bộ phạm vi cái giá phải trả cho việc yêu Chúa. Hãy đi bất cứ đâu, tìm bất cứ thứ gì, hay hỏi bất cứ ai bạn muốn; hãy cầu nguyện, đọc sách, xem xét và suy ngẫm thật nhiều, tôi tin rằng bạn sẽ luôn quay trở lại với thực tế này của đời sống thiêng liêng mà không có ngoại lệ. Tình yêu dành cho Chúa đã được trả giá như Chúa Ki-tô đã trả cho tình yêu đối với Chúa Cha, bằng cái chết đau thương của Người trên thập giá. Khi còn trẻ, có lẽ tôi nghĩ rằng, nếu thông minh hơn, mình không nên nói chuyện theo cách này. Nhưng kinh nghiệm là một thầy dạy tuyệt vời đối với tôi, mặc dù tốn kém.

Cái giá phải trả cho việc yêu Chúa

Hy sinh

Mặc dù có nhiều điểm chung, sự hy sinh không hoàn toàn giống như thập giá. Khi chịu đựng thập giá, tôi sẵn sàng chấp nhận bất cứ điều gì khó chịu mà Thiên Chúa, trong tình yêu của Người, gửi đến cho tôi. Những thập giá này có thể mang dáng vẻ kỳ lạ và đôi khi, chúng ta nghĩ phải có trí tưởng tượng thần thánh để gợi ra trong tâm trí những cây thánh giá, với kích thước đủ loại và hình dạng khác nhau. Còn khi hy sinh, tôi muốn từ bỏ những điều dễ chịu mà tôi đã tận hưởng.

Những điều dễ chịu này, những điều mà tình yêu Thiên Chúa có thể yêu cầu tôi từ bỏ, là tất cả, không có giới hạn nào. Chúng khác nhau đối với những người khác nhau, và đa số, phụ thuộc vào những gì chúng ta đã có trong tư cách cá nhân của mình. Đối với một số người, đó là tiền. Đối với những người khác, đó là được nhàn rỗi, được riêng tư, độc lập; hay làm ăn phát đạt, công việc thuận lợi, hay bất kỳ thứ gì trong số hàng ngàn điều thuận tiện mà không ai tự nhiên muốn từ bỏ. Và điều kỳ lạ của việc không muốn từ bỏ là ngay cả khi đã được thuyết phục bằng lý trí rằng “Đây không phải là điều tốt”, giống như hút thuốc hay uống rượu, nhưng một khi để thứ gì trở thành một phần của mình, việc từ bỏ nó đối với chúng ta quả không dễ dàng gì, giống như việc phải chặt đứt một cánh tay vậy.

Mặc dù những điều dễ chịu của chúng ta có muôn hình vạn trạng, nhưng có một số thứ mà mọi người đều coi là quý giá, bất kể già hay trẻ, giàu hay nghèo, giám mục, linh mục, tu sĩ hay giáo dân. Những điều này là nguồn chung của sự hy sinh mà chắc chắn Thiên Chúa sẽ đòi hỏi ở tất cả chúng ta, để chứng minh rằng chúng ta yêu Người. Đó là: thời gian, tiện nghi, những thói quen, ý kiến ​​cá nhân và cách làm việc mà chúng ta ưa thích.

Nếu chúng ta yêu Chúa theo cách Người muốn, chúng ta phải sẵn sàng hy sinh thời gian của mình. Chúng ta cần có thời gian để cầu nguyện, để đọc sách thiêng liêng mỗi ngày, để thăm người bệnh hay người tàn tật, để giúp một số người già đi mua sắm hay dọn dẹp nhà cửa, để lắng nghe một người kể câu chuyện bất hạnh của anh ta,… Thư ký của tôi ở New York, một người sắp qua đời vì bệnh ung thư giai đoạn cuối, rất khó để tìm được ai giúp cô ấy nấu các bữa ăn, và cô ấy sẵn sàng trả tiền để được giúp đỡ. Mọi người chỉ đơn giản là không có thời gian.

Nếu chúng ta yêu Chúa theo cách Người muốn, chúng ta phải sẵn sàng hy sinh những tiện nghi của mình. Thật không tiện khi dậy sớm vào buổi sáng để tham dự Thánh lễ và rước Thánh Thể. Thật không tiện để ra ngoài và thực hiện một số công việc mà tôi biết là đáng giá. Thật không tiện để bỏ lỡ một cuộc hẹn hay bữa trưa với một người để có mặt ở nơi có người cần tôi hơn. [Và việc chấp nhận sử dụng một món đồ bình dân vừa với nhu cầu, để dành tiền cho những người thiếu thốn xung quanh, xem ra cũng là điều không tiện.] Nhưng trong những tình huống như vậy, Chúa muốn chúng ta phải hy sinh.

Nếu chúng ta yêu Chúa theo cách Người muốn, chúng ta phải sẵn sàng hy sinh những thói quen của mình. Cách sống và làm việc trong nhiều năm có thể khiến chúng ta bị nghiện những khuôn mẫu mà nhiều lần, để phụng sự Chúa và yêu mến Người, chúng ta có thể phải phá vỡ. Tôi tin rằng đây là một trong những lý do khiến rất nhiều cuộc hôn nhân đi tới đổ vỡ: Vợ hoặc chồng, hoặc cả hai chỉ đơn giản là không muốn từ bỏ những cách cư xử theo thói quen của mình trước khi kết hôn. Cô ấy muốn sự tự do và anh ấy cũng vậy, loại tự do mà họ đã có, khi vẫn còn độc thân. Không có cuộc hôn nhân nào có thể thành công với những đòi hỏi bất khả thi này.

Nếu chúng ta yêu Chúa theo cách Người muốn, chúng ta phải sẵn sàng hy sinh ý kiến, ý tưởng cá nhân và cách làm việc của mình. Tại sao mọi người lại tranh cãi? Trong hầu hết các trường hợp, bởi vì một hoặc cả hai bên trong cuộc tranh luận đã đưa vào đó những phán quyết của riêng mình. Họ không muốn nhượng bộ trong đối thoại, trong công việc được giao, hay như tôi biết nơi các tôn giáo, trong nghĩa vụ phải vâng phục bề trên của mình. “Tôi đã làm việc này mười lăm năm rồi. Chị ta chẳng hiểu mình đang nói gì cả.” Có lẽ chị ta không hiểu, nên tôi phản biện. Nhưng chị ta cứ khăng khăng, vậy tôi phải làm gì? Tất cả phụ thuộc vào việc tôi yêu Chúa phía sau bao nhiêu, Đấng mà đức tin nói với tôi rằng chính Người đang cho tôi cơ hội để chứng minh tình yêu của mình.

Có thể nói rằng sự hy sinh những ý tưởng riêng và lời mời gọi sống trong sự khiêm nhường chỉ là nhằm tái tạo những gì được coi là hình ảnh của các thiên thần. Thẩm quyền của Giáo Hội yêu cầu các tín hữu chấp nhận giáo huấn và các chỉ thị về đời sống khiết tịnh trước hôn nhân, về đời sống độc thân của hàng linh mục, về giá trị của việc xưng tội đối với trẻ em, về những điều kiện nghiêm ngặt và hãn hữu cho việc giải tội tập thể, về lễ phục mà một linh mục phải mặc trong Thánh lễ,… cũng nhằm mục đích như vậy. Tôi không hoàn toàn biết mình đang nói gì, nhưng tôi chắc chắn rằng các thiên thần sẽ phải khóc vì sự thiếu khiêm nhường của những người được Chúa kêu gọi, ngay cả với sự tha thiết nhất của Người, nhưng đã không đáp lại. Họ đảo ngược lời cầu nguyện của Chúa Giê-su trong vườn Ghết-sê-ma-ni: “xin đừng làm theo ý Cha, mà làm theo ý con” – và họ thực sự có chủ ý như vậy. Tôi đã lý luận, đã lập luận, đã đưa ra mọi lý do có thể có để mọi người không khăng khăng về điều gì đó mà Giáo Hội cho là sai. “Bạn không thấy rằng Giáo Hội khẳng định: ‘Bạn không thể làm điều này, bạn không thể giảng dạy điều này’ sao?” Nhưng họ có lý do từ chủ ý của họ. Trong kinh sách của Xa-tan, câu đầu tiên viết: “Lúc khởi đầu đã có việc làm, việc làm trái ý Thiên Chúa, và Chúa ở lại để nhận lấy hậu quả ta đã gây ra.”

Thập giá

Thập giá, như chúng ta đã nói, theo nghĩa nào đó là một của lễ hy sinh, mọi hy lễ đều bao gồm thập giá. Nhưng đúng ra, thập giá là một cái gì đó khác. Khi tình yêu Thiên Chúa gửi đến cho chúng ta thập giá, Người bước vào cuộc đời chúng ta, như nó vốn có, một cách hoàn toàn tự ý. Người làm những điều mà chúng ta không thích một cách tự nhiên, gây ra cho chúng ta một số nỗi đau và như bạn biết đấy, nỗi đau là bất cứ điều gì chúng ta không thích. Và rồi Chúa quan sát cách chúng ta chấp nhận những đau khổ mà thập giá mang lại.

Đó có thể là nỗi đau thể xác, giống như một số bệnh tật, thậm chí là hiểm nghèo. Đó có thể là nỗi đau mang tính xã hội, như sự ghẻ lạnh của người mà chúng ta thực sự yêu thương; đó có thể là cảm xúc, giống như một lời buộc tội vô căn cứ không bao giờ được người nói rút lại hay cải chính, hay những lời chỉ trích quá đáng đối với một việc mà chúng ta đã làm; có thể chúng ta đau đớn về tâm lý, khô héo về tinh thần, tâm trí hoang mang hay nặng trĩu một sự chán nản dường như không thể nào rũ bỏ; đó có thể là nỗi đau về tâm linh, như bóng tối mịt mù khi cầu nguyện, hay sự bủa vây của chuyện vụn vặt thế gian, hay việc mất đi sự trong sáng của đức tin mà chúng ta từng có. Không sao cả! Vì Thiên Chúa là chủ nhân của các ân huệ mà Người có quyền lấy đi. Người có thể thu hồi những điều quý giá hay áp đặt những nỗi khổ đau. Nhưng hãy nhớ, giữa những đau khổ của cuộc đời, đừng bao giờ hành xử khác với ông Gióp. Khi bị thử thách với biết bao tai họa, ông vẫn sấp mình mà thưa lên cùng Chúa: “ĐỨC CHÚA đã ban cho, ĐỨC CHÚA lại lấy đi: xin chúc tụng danh ĐỨC CHÚA!”

Một số gợi ý

Khi nhìn lại những gì vừa nói về hy sinh và thập giá, chúng ta có thể sợ hãi và cảm thấy đôi chút băn khoăn! Rõ ràng, không ai trong chúng ta muốn từ bỏ những gì mình thích một cách tự nhiên, cũng không có ai muốn cuốn mình vào những đau khổ cả. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là sự khác biệt giữa tự nhiên và ân sủng. Những gì bản tính tự nhiên sợ hãi, thì ân sủng có thể giúp chúng ta học cách khát khao; và những gì bản tính tự nhiên chạy trốn, thì ân sủng – bạn có tin không – có thể khiến chúng ta kiếm tìm. Đây chính là nơi mà chúng ta cần đến sự khôn ngoan của các thánh.

Thánh Inhaxiô không viết gì nhiều về đời sống thiêng liêng. Vốn từ của ngài rất hạn chế, nhưng những gì ngài nói thì rất đáng được trích dẫn. Và tôi xin trích lời của cha tôi trong Chúa: “Nếu Thiên Chúa ban cho bạn một vụ mùa bội thu từ những thử thách, thì đó là dấu hiệu của sự thánh khiết cao cả mà Người muốn bạn đạt được. Bạn có muốn trở thành một vị thánh vĩ đại không? Hãy cầu xin Chúa ban cho bạn thật nhiều đau khổ. Ngọn lửa của tình yêu Thiên Chúa sẽ không bao giờ bốc cao hơn khi nó được thắp lên bằng gỗ từ cây thánh giá mà đức ái vô biên của Đấng Cứu Chuộc đã dùng để hoàn tất hy lễ của Người. Mọi thú vui thế gian không có gì sánh bằng vị ngọt trong mật và giấm đã được dâng cho Chúa Giê-su Ki-tô, đó là những khó khăn và đau khổ [mà chúng ta] đã chịu đựng cho Người và với Người. Sự đau khổ phải chịu đựng vì tình yêu của Người nên được coi là lợi ích lớn nhất mà Thiên Chúa [ban xuống cho chúng ta].”

Rắc rối với những trích dẫn thế này của các nhà thần bí là chúng ta có thể nghĩ rằng họ không giống chúng ta. Không phải vậy, đứng trước hy sinh và thập giá, họ cũng co mình lại nhiều như chúng ta từng làm. Nhưng đây chính xác là bí mật của việc nên thánh: Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, tình yêu chúng ta dành cho Người có thể đạt đến một cấp độ mà ở đó, chúng ta cảm nghiệm được niềm vui ngay cả trong những khổ đau. Đó thực sự là một hương vị của niềm vui mà Đấng Cứu Chuộc đã hứa ban cho tất cả những ai chân thành cố gắng trở nên giống như Người, bằng cách ôm lấy những gì Người đã ôm ấp – thập giá – vì tình yêu đối với Chúa Cha, và về phần chúng ta, vì tình yêu dành cho Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Chắc chắn rồi, yêu Chúa thì phải trả giá đắt, nhưng Chúa sẽ Vượt Qua, Người sẽ thưởng cho cái giá mà chúng ta trả bằng kinh nghiệm về sự hiện diện của Người, bằng cảm giác về sự gần gũi của Người, và bằng niềm vui mà các thánh nói với chúng ta, niềm vui đó ngọt ngào đến nỗi họ không chấp nhận đem khổ đau của mình để đổi lấy dù là mọi thú vui trên thế gian này.

Chúng ta hãy cầu xin Đấng Cứu Chuộc của chúng ta, để không chỉ lắng nghe những người đã học được cách yêu mến Chúa truyền lại, chúng ta còn được dạy từ kinh nghiệm đức tin rằng: sự khôn ngoan vĩ đại này là đúng.


Lược dịch từ bài viết cùng tên của Tôi tớ Chúa John Anthony Hardon SJ (1914-2000) trên tờ Strain Forward năm 1979.

Chi tiết