Bệnh Vô Cảm, nhìn từ Đức Ái Kitô giáo
Nội dung

Bệnh Vô Cảm, nhìn từ Đức Ái Kitô giáo

Xã hội Việt Nam chúng ta hiện nay có rất nhiều căn bệnh trầm kha, bệnh tham nhũng, bệnh thành tích, bệnh gian dối, bệnh sa đoạ…, nhưng có lẽ căn bệnh sâu xa và trầm kha hơn hết lại chính là bệnh vô cảm… Đây là căn bệnh trầm kha hơn cả vì, một cách nào đó, căn bệnh này không phải chỉ nằm trong một tầng lớp cá biệt nào, nhưng đã trở nên bệnh của quần chúng; và vì thứ bệnh này đã đụng vào những gì căn cốt nhất của phẩm chất làm người, phá huỷ chữ Nhân đối với Khổng Giáo, phá huỷ lòng từ bi đối với Phật giáo và phá huỷ lòng bác ái đối với Kitô giáo…

Chúng ta có thể kể ra một danh sách thật dài những chuyện vô cảm mà báo chí đã đăng tải và có thể kể ra một lô những bài phân tích hoặc lời cảnh báo về căn bệnh này. Ở đây, tôi xin đóng góp một lối nhìn từ đức Ái Kitô giáo.

1. Mầm bệnh sâu xa

Nếu trở lại lịch sử Kitô giáo, chúng ta sẽ thấy vấn đề mà chúng ta gọi là “vô cảm” đã là một vấn đề xa xưa. Kitô giáo khi loan báo Tin Mừng đến chư dân, đặc biệt là đến với người Hy Lạp, đã phải đối diện với vấn đề “vô cảm” như một thách đố căn bản.

Xin đọc lại bản văn thánh Phaolo viết trong thư 1 Corintho:

“22 Trong khi người Do-thái đòi hỏi những điềm thiêng dấu lạ, còn người Hy-lạp tìm kiếm lẽ khôn ngoan, 23 thì chúng tôi lại rao giảng một Đấng Ki-tô bị đóng đinh, điều mà người Do-thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. 24 Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do-thái hay Hy-lạp, Đấng ấy chính là Đức Ki-tô, sức mạnh và sự khôn ngoan của Thiên Chúa. 25 Vì cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người. (1 Cr 1, 22-25)

Để hiểu được hậu trường của bản này, chúng ta cần hiểu được bối cảnh văn hoá của người Hy Lạp. Đối với người Hy Lạp, Thượng Đế là Đấng hoàn toàn hạnh phúc. Hạnh phúc của Ngài hệ tại việc Ngài là nguyên lý của vũ trụ và muôn loài phải hướng về Ngài như mẫu mực; nhưng chính Ngài thì lại không cần quan tâm đến sự gì khác bên ngoài mình.

Từ quan niệm ấy, người Hy lạp đã sớm đồng nhất bản thân Thượng Đế với những qui luật, những quy luật đều đặn của vũ trụ. Thượng Đế bày tỏ mình trong một vũ trụ trật tự, được điều hành theo những quy luật đều đặn và trật tự, nhất là trong các tinh tú. Vì thế, các tinh tú cũng được tôn trọng như là thần thánh. Triết gia Anaxagore (khoảng 500-428 tcn) đã bị kết án là vô luân vì chủ trương rằng mặt trời chỉ là một khối đá cháy đỏ. Ngược lại, triết gia Socrate bị lên án vì ba tội, trong đó có tội du nhập thần mới, vì Socrate cho rằng ông có một vị thần hộ mệnh riêng, hướng dẫn và chỉ bảo cho ông trong những lúc khó khăn…

Nếu Thượng Đế đã bị giản lược thành quy luật, thì chính lý trí khôn ngoan là yếu tố căn bản để con người có thể hiểu và sống theo Thượng Đế. Do đó, trong xã hội Hy Lạp, chính triết gia, chứ không phải tầng lớp tăng lữ, là những người có khả năng sống giống như Thượng Đế hơn hết. Vai trò của triết gia, xét như là những người tìm biết chân lý và chỉ dẫn người ta đi tìm chân lý, là vai trò quan trọng nhất trong xã hội  Hy Lạp.

Từ đó, ta thấy xã hội Hy Lạp cổ xưa có một số giá trị căn bản, theo đó, những khái niệm Thượng Đế, thiên nhiên, khôn ngoan, hạnh phúc, nhân đức, và thanh thản (ataraxia)… có ý nghĩa liên lập và thông hiệp chặt chẽ với nhau. Thượng Đế tỏ hiện trong các quy luật điều hoà của vũ trụ, người khôn ngoan là người biết sử dụng lý trí để hiểu được Thượng Đế và biết sống hoà hợp với thiên nhiên để nên giống với Ngài. Sống nhân đức hoặc sống giống với Thượng Đế, chính là biết tìm thấy hạnh phúc trong tình trạng thanh thản ataraxia.

Chữ ataraxia được đề cao đặc biệt như là một lý tưởng sống của những trường phái triết học sau Aristote, nhưng đó không phải là một điều mới lạ, vì thực sự chủ trương này vẫn biểu lộ nét thống nhất của một tinh thần Hy Lạp nói chung trong suốt dòng lịch sử. Đối với người Hy Lạp nói chung, người khôn ngoan là người tránh được mọi xáo trộn, không bị đam mê lôi cuốn (Apathès)[1]. Người khôn ngoan là người biết cách sống làm sao để không đau khổ, không giận dữ, không bực mình, không bị trói buộc. Các triết gia “sau-Aristote” như các trường phái khoái lạc, hoài nghi, hoặc thần bí sau đó đều thiết tha tìm phương thức sống đạo đức trong tinh thần khôn ngoan ấy. Có lẽ Démocrite (khoảng 460 tcn) là người đầu tiên đã tìm cách diễn giải ý nghĩa của từ ataraxia, theo Stobée, ông nói rằng : “Ataraxia là tình trạng bình an, hoà điệu và cân bằng (nội tâm)[2]. Triết gia khoái lạc Épicure (341-270) thì cho rằng ataraxia hệ tại “được giải thoát khỏi mọi sợ hãi”. Tuy nhiên, chính các triết gia Khắc Kỷ mới là những người hết lòng ca ngợi phẩm chất của ataraxia hơn cả. Trong tình trạng có được ataraxia, người khôn ngoan không bị lay chuyển[3], thản nhiên  đối với những gì đến từ bên ngoài[4]; người khôn ngoan không bị xáo trộn trong tâm hồn[5]. Lý tưởng sống của triết gia khắc kỷ được phát biểu : nếu anh có một người bạn đau khổ, anh hãy tỏ vẻ cảm thông, nhưng lòng anh đừng rúng động. Điều đó có nghĩa là, mặc dù tỏ vẻ cảm thông, anh vẫn có thể ăn ngon, ngủ ngon và giữ được tình trạng thanh thản của chính mình. Lý trí khôn ngoan phải hướng dẫn để người ta biết cách dung hoà giữa trạng thái an ổn trong lòng và những biến động bên ngoài. Người Hy Lạp khôn ngoan phải biết giữ gìn sự thanh thản cho bản thân mình như yếu tố căn bản, rồi sau đó tìm phương thế diễn tả mối tương quan của mình với tha nhân, diễn tả cách nào đó để không rơi vào tình trạng sai lạc hoặc ác độc. Thật ra, lý tưởng khôn ngoan Hy Lạp, cách thức sống cao cả theo khuôn mẫu của một Thượng Đế thanh thản như thế, tự bản chất đã là một thái độ vô cảm, và ataraxia ở đây có thể hiểu là một sự thanh thản, hoặc là “vô cảm siêu thoát”.

Dựa theo tiêu chuẩn giá trị về sự khôn ngoan theo kiểu ataraxia như thế, người Hy Lạp cho rằng thập giá là sự điên rồ. Một Thiên Chúa yêu thương đến độ nhập thể làm người, hy sinh chịu chết khổ đau vì yêu thương… đó là điều chẳng những không khôn ngoan mà còn trái ngược hẳn với sự khôn ngoan, đó là sự điên rồ :

Đây không phải chỉ là một sự khác biệt văn hoá, không phải là một sự đa dạng làm cho phong phú kho tàng văn hoá của con người, nhưng là một sự đối nghịch căn bản và sâu xa về giá trị, khiến cho điều tốt của bên này lại chính là sự sa đoạ của bên kia.

Kinh Thánh Do Thái Kitô giáo cho thấy một Thiên Chúa khác hẳn với hình ảnh Thượng Đế của người Hy Lạp. Thiên Chúa của Kinh Thánh không an vị, thanh thản trong thế giới hạnh phúc của Ngài, nhưng Ngài dính dáng vào thụ tạo, đặc biệt là con người. Ngài sáng tạo con người trong yêu thương, Ngài tuyển chọn Dân riêng và đem lòng quyến luyến với Dân :

“ĐỨC CHÚA đã đem lòng quyến luyến và chọn anh em, không phải vì anh em đông hơn mọi dân, thật ra anh em là dân nhỏ nhất trong các dân”. (Dnl 7,7; xc. Dnl 10,15…)

Thiên Chúa nhất quyết giành lấy Dân riêng cho mình, không muốn chia phần cho bất cứ ai khác :

”Vậy ngươi không được phủ phục trước một thần nào khác, vì ĐỨC CHÚA mang danh là Đấng ghen tương, Người là một Vị Thần ghen tương”. (Xh 34,14; xc. Dnl 4,24…)

Thiên Chúa tự buộc mình trong lời hứa (St 3,15…), và đặc biệt trong Giao ước (Xc. Xh 24, 1-18); rồi Thiên Chúa thể hiện phẩm chất trung tín của Ngài trong lời hứa và giao ước :

“Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình”. (2Tm 2,13)

Mối thâm tình của Thiên Chúa với Dân của Ngài không phải là một sự “ích kỷ”, mà là sự “rung động” của tình thương. Truyền thống Kinh Thánh đề cao phẩm chất cao cả nhất của Giavê Thiên Chúa là lòng từ bi thương xót :

- CHÚA là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. (Tv 145,8)

- ĐỨC CHÚA đi qua trước mặt ông và xướng : "ĐỨC CHÚA ! ĐỨC CHÚA ! Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6)

Trong Tân Ước, đức Giêsu cũng khẳng định phẩm chất từ bi thương xót như thế trong sứ vụ của Ngài. Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng những lời đã được tiên báo trong ngôn sứ Isaia:

“Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh.  Rồi Đức Giê-su đến Na-da-rét, là nơi Người sinh trưởng. Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng : Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa. (Lc 4, 14-19)

Khi Tân Ước nói Chúa Giêsu chạnh lòng thương, thì điều đó không chỉ tỏ bày một phẩm chất đạo đức luân lý, nhưng còn hàm nghĩa Chúa Giêsu chính là Đấng tỏ lòng nhân hậu của Giavê Thiên Chúa.

Mt 9,36 : Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt.

Mt 14,14: Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.

Mt 15,32: Đức Giê-su gọi các môn đệ lại mà nói : "Thầy chạnh lòng thương đám đông, vì họ ở luôn với Thầy đã ba ngày rồi và họ không có gì ăn. Thầy không muốn giải tán họ, để họ nhịn đói mà về, sợ rằng họ bị xỉu dọc đường."

Lc 7,13: Trông thấy bà, Chúa chạnh lòng thương và nói : "Bà đừng khóc nữa !"

Lòng từ bi thương xót chính là dấu hiệu căn bản để nhận ra Đấng Mêsia. Do đó, những ai không đi vào mạch nguồn của Kinh Thánh sẽ có nguy cơ không nhận ra và không tin vào đức Giêsu :

“Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng :  "Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác ?" Đức Giê-su trả lời : "Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe : Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi." (Mt 11, 2-6)

Chúa Giêsu đã thể hiện đến cùng lòng “yêu thương điên rồ” của Thiên Chúa khi chấp nhận đường lối cứu độ bằng cách trao ban chính bản thân và cả cuộc đời mình cho nhân loại (trao thân gửi phận). Thập giá và bí tích Thánh Thể là thứ tình yêu “điên rồ” như vậy.

Ta có thể thấy từ ngữ Hy Lạp ataraxia chính là phản nghĩa với các từ ngữ được Kinh Thánh dùng để chỉ tấm lòng của Thiên Chúa : - Splagchnizomai (chạnh lòng thương); hoặc từ rahamim {lòng yêu thương bắt nguồn nơi tấm lòng người mẹ (rekhem) hoặc nơi tâm can (rakhamim) của người cha}…

Có thể nói được tinh thần của Kinh Thánh chính là điều gọi là sống-với. Ý nghĩa sống-với là ý nghĩa xuyên suốt trong tinh thần Kinh Thánh và đạo lý Giáo Hội. Sống-với không phải chỉ là Ta có thể tóm tắt ý nghĩa sống với đó trong hai đoạn văn tiêu biểu:

1) Ý nghĩa căn bản của phẩm giá con người trong Kinh Thánh : “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ”. (St 1,27), mà ý nghĩa trọn vẹn nhất phải hiểu là con người chỉ có thể sống trọn bản chất của mình khi sống hiệp thông với Chúa và với nhau[6].

2) Trong Tin Mừng Gioan, cho chữ “như” có nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, ý nghĩa căn bản, ý nghĩa thần học của từ “như” phải được hiểu, không phải chỉ là một sự tương tự trong so sánh, nhưng có nghĩa là “nền tảng”, “nguồn gốc”, “phát sinh”. Chẳng hạn :

“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy.(…) Đây là điều răn của Thầy : anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.  (Ga 15,9.12)

Ở đây, không phải là tình yêu của Chúa Giêsu đối với các môn đệ dựa theo khuôn mẫu tình yêu của Chúa Cha với Đức Giêsu; và cũng không phải là tình yêu của con môn đệ với nhau dựa theo khuôn mẫu của tình yêu Chúa Chúa Giêsu với môn đệ. Nhưng tình yêu của Chúa Cha đổ tràn trên đức Giêsu chính là “nền tảng”, “nguồn gốc”, “phát sinh” ra tình yêu của Đức Giêsu với môn đệ; và tình yêu của Chúa Giêsu với các môn đệ là “nền tảng”, “nguồn gốc”, “phát sinh” ra tình yêu của các môn đệ với nhau[7].

Sống-với nghĩa là để cho cuộc đời mình, tấm lòng của mình được dính dáng, được liên luỵ, được hiệp thông với những vui buồn sướng khổ của ai khác. Trong thái độ sống-với, điều quan trọng không phải là làm cái gì, không phải làm cho đúng với một khuôn mẫu nào, mà là tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời mình là vì ai, cho ai với ai. Chính vì thế, trong tinh thần tôn giáo chân chính của truyền thống Do Thái Kitô giáo, được các ngôn sứ công bố, điều nguy hiểm nhất không phải là không giữ luật nhưng là giữ luật chỉ để hoàn thiện chính mình; không phải là không làm việc phượng tự mà là dâng lễ vật phượng tự chỉ để tìm sự thanh thoả cho mình. Khi người Biệt Phái giữ luật, cho dù là giữ luật tỷ mỷ, kỹ lưỡng, nhưng chính yếu chỉ là để hoàn thiện con người mình mà thôi, thì đó là sự hư hoại của lề luật. Khi người Sa đốc chăm chú vào nghi lễ phượng tự, nhưng phượng tự chỉ là thứ trao đổi “hàng hoá” để bảo vệ sự công chính cho mình thì đó là sự hư hoại của phượng tự…

Như thế, chúng ta thấy bệnh vô cảm, một cách nào đó, chính là điều trái ngược một cách căn bản với tinh thần Kinh Thánh, trái ngược một cách căn bản với Tin Mừng của Chúa Giêsu.

2. Siêu âm tìm căn nguyên

Thật sự ra, trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng có thể thấy nhiều “triệu chứng” của bệnh vô cảm. Chẳng hạn khi ta mừng sinh nhật một người bạn, và ta tìm một món quà để tặng. Có ba tiêu chuẩn :

- tìm món quà sang trọng.

- tìm món quà xứng đáng với địa vị của người tặng quà.

- tìm món quà nào mà người nhận quà cần và thích nhất.

Ở đây, ta đã có thể nhận ra những giá trị ưu tiên khác nhau, biểu lộ những cảm thức khác nhau : - Người tìm món quà sang trọng, đó là con người bám cứng vào sự hợp lý, nhất thiết phải thực hiện với sự đúng đắn nghiêm cẩn của phương cách diễn tả; - Người tìm món quà xứng đáng với địa vị của mình, đó là người con người quá “tự trọng”, luôn bảo vệ “tư cách” của mình và tìm khẳng định chính mình trong mọi tình huống; - Người tìm món quà thích hợp cho người bạn nhận quà, đây lại là người nhậy cảm, có nhiều khả năng thông hiệp, thấu cảm vui buồn với ai khác. Trong thái độ của hai mẫu người thứ nhất và thứ hai, chúng ta có thể thấy mầm mống của một thứ vô cảm.

Khi người mẹ cho con cái bánh, thì sự trao ban ấy không phải để chứng tỏ bản thân mình, mà chính vì tình thương đối với đứa con. Tình thương của mẹ mời gọi đứa con, không phải chỉ nhận cái bánh vì cái bánh ngon mà thôi, nhưng nhận ra tấm lòng của mẹ. Đứa con nào chỉ vui thích hay buồn phiền vì cái bánh, đứa con ấy có nguy cơ không sống nên người, vì có thể, trong suốt cả cuộc đời, nó chỉ làm, chỉ học, chỉ hưởng thụ vì những thứ đồ vật, những thứ qui về cho bản thân mình. Ngược lại, nếu đưa con vui mừng vì tình thương của mẹ, đứa con đó có cơ may biết sống, biết làm việc, biết vui buồn vì ai khác…

Cũng thế, khi Chúa ban một ơn nào cho con người, thì điều quan trọng là Chúa mặc khải tình thương của Chúa. Nhưng người nào chỉ biết đón nhận ân huệ mà không biết tìm đến nguồn mạch của ơn huệ là chính Chúa, thì người ấy bỏ mất nguồn mạch chính yếu của ân sủng, tức là đón nhận “ân sủng bất thụ tạo”[8].

Con người sống trong thân xác, đón nhận mọi sự việc qua kinh nghiệm giác quan, nên cần diễn tả hoặc đón nhận mối tương quan của mình với tha nhân qua trung gian của những sự vật cụ thể. Nhưng con người không phải chỉ có thân xác, phẩm chất con người không phải là duy-vật, con người không được quy tất cả ý nghĩa đời mình vào việc chiếm hữu hoặc hưởng thụ sự vật. Hơn nữa, con người không phải chỉ là một hữu thể đơn độc có thể tự hoàn thành ý nghĩa đời mình trong những phẩm chất đạo đức của chính mình, nên con người cũng phải vượt qua cả những thứ trung gian mang tính sự-vật (vật chất). Sự vật trung gian đó có thể là những lợi lộc vật chất, nhưng cũng có thể là những thứ phẩm chất “tinh thần” như danh giá, luật pháp, giá trị luân lý, … Do đó, trong ánh sáng đức Ái Kitô giáo, cần phải nhận ra rằng con người còn phải vượt qua mọi thứ mang tính sự vật, vì phẩm chất căn bản của con người cũng không phải là duy-sự-vật. Sự vật là tất cả những gì khác với bản-thân của một ngôi vị; sự vật có thể là sắc đẹp, tài năng, và cả đức độ nữa.

Con người được sáng tạo trong tình thương. Phẩm chất chính yếu của con người yêu thương là có khả năng và khao khát dính dáng đến ai-khác. Ơn gọi và sứ mạng cao quý của con người là được sống trong tình yêu của Chúa và tình yêu thương của nhân loại. Điều đó có nghĩa là con người luôn phải vượt qua sự vật trung gian (vượt qua thái độ vô cảm) để đụng chạm được đến cõi lòng của ai khác. Có thể nói, đóng góp đặc sắc của truyền thống Do Thái Kitô giáo chính là mối tương giao ngã vị, được thanh lọc tinh tuyền và được nâng lên tới tầm mức tuyệt đối, gần giống như một thứ “trao thân gửi phận” cho nhau (trao tặng bản thân và đồng hành trọn cả cuộc đời).

Khi người ta, từ cái tôi của mình, vượt qua sự vật trung gian, đạt đến ai khác, thì đó là một sự nhậy cảm có khả năng thông hiệp. Ngược lại, khi người ta vẫn qui về mình, hoặc chỉ đạt đến sự vật trung gian, thì đó đã là dấu hiệu biểu lộ sự vô cảm. Có thể nói, khi tâm hồn một ai đó đặt trọng tâm vào sự vật trung gian, vào phương thức diễn tả cho đúng đắn thì đó đã là một thứ vô cảm, những thứ “vô cảm lịch sự”, “vô cảm đức độ”, hoặc “vô cảm siêu thoát”. Nhưng khi người ta, chẳng những không động lòng về sự khổ đau của người khác, mà cũng không có được một thái độ, một hành vi đúng đắn, nhưng lại còn lợi dụng tai hoạ của người khác để kiếm lợi cho bản thân mình, thì đây là một thứ “vô cảm thấp hèn” đang lan rộng trong đất nước chúng ta.

* Nói như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn : sống trong đời sống, cần có một tấm lòng… để làm gì em biết không ? Để gió cuốn đi.

Nói rằng “sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, đó là điều mà mọi tôn giáo, các học thuyết đạo đức luôn đồng ý với nhau. Nhưng có tấm lòng đến độ chịu “để gió cuốn đi”, thì đây lại là một phẩm chất đặc biệt của Kinh Thánh, của Kitô giáo. Bệnh vô cảm xuất phát từ thái độ không để cho những khổ đau của người khác đụng chạm được đến lòng của mình, vì sợ rằng mình sẽ bị lôi kéo vào những chuyện làm mất bình an, mất ổn định, mất sự thanh thản.

3. Bệnh trạng của xã hội Việt Nam hiện nay

Làm sao xã hội Việt Nam lại nẩy sinh ra bệnh vô cảm trầm trọng như hiện nay ? Có lẽ có nhiều nguyên nhân tương tác lẫn nhau. Chúng ta thử truy tìm một số nguyên nhân :

3.1 Xã hội hiện đại

Người ta thấy rằng, cuộc sống càng văn minh, người ta càng muốn giải quyết mọi vấn đề một cách hợp lý, và một cách nào đó, cái lý dần dần lấn át cái tình. Xã hội văn minh, để tránh những sai phạm, ngày càng chuẩn hoá hành vi lối sống của con người với nhau, sự chuẩn hoá được xác định qua luật pháp. Điều đó khiến cho con người, từ chỗ sợ những hành vi sai luật, đến chỗ tìm sự an toàn cho mình, tránh dính dáng đến người khác. Khi gặp một đứa bé bị tai nạn, người ta gọi cấp cứu chứ không dại gì dính tay vào. Hình thức vô cảm này phát triển mạnh ở những nước văn minh.

3.2 Xã hội nhiễu nhương

Khi xã hội nhiễu nhương, luật pháp không nghiêm minh, cá nhân mỗi người không còn dám tin vào ai hay tin vào cái gì, con người không cảm thấy an toàn, và người ta phải lo bảo vệ chính mình, thì bệnh vô cảm gia tăng nhiều.…. Ta có thể chẩn đoán căn bệnh này khi thấy bầu khí xã hội tạo nên một thái độ căn băn của cá nhân mỗi người, thái độ đối phó.

Khi cuộc sống chung quanh có nhiều sự dòm ngó, dò xét và khi thấy sự hiện diện cũng như công việc của mình có thể bị đe doạ, thì cá nhân mỗi người hình thành nên một thứ phản ứng gọi là bản lĩnh đối phó. Ngược lại, khi cá nhân được hỗ trợ, được chấp nhận và khuyến khích, thì người ta sẽ có được thứ bản lãnh sáng tạo. Chúng ta có thể thấy thứ bản lĩnh đối phó phát triển quá mức trong guồng máy xã hội Việt Nam hiện nay, tạo nên thứ khôn vặt, những biện pháp giải quyết nửa mùa chỉ mang tính đối phó với tình huống trước mắt chứ không phải là một sự trân trọng những giá trị căn bản, những giá trị “thiêng liêng” trong tâm hồn.

Con người sống trong bầu khí xã hội nhiễu nhương phải chụp giựt, cướp thời cơ, bon chen, mánh khoé, chà đạp lên mọi lẽ phải, mọi thứ luân thường đạo lý, và nếu cần thì chà đạp cả người khác… để giành lấy sự sống cho mình. Điều đó đương nhiên tạo nên và nuôi dưỡng căn bệnh vô cảm.

3.3 Xã hội nhiễm độc

Nếu tình trạng xã hội nhiễu nhương, là khi không có một trật tự bên ngoài đúng đắn, và cá nhân bộc lộ những khuynh hướng ích kỷ vốn tiềm tàng trong mỗi con người; thì tình trạng nhiễm độc lại là tình trạng chính cơ chế và tưởng hướng dẫn trong xã hội lại góp phần làm tăng thêm sự hư hoại trong bản chất người.

Mạnh Tử nói rằng khi người ta thấy một đứa bé sắp rơi xuống giếng, thì ai cũng xót thương mà ra tay cứu vớt. Hành vi tốt này không do tính toán tư lợi hay tìm kiếm công danh, nhưng là tình cảm trắc ẩn mà bình thường trong con người ai cũng có. Đó chính là nền tảng tính thiện của con người. Từ tâm tình tối thiểu và căn bản ấy, nếu người nào biết phát triển rộng lớn thì đều có thể trở thành thánh nhân; hoặc nếu làm cho nó tiêu tán thì trở nên chẳng khác gì con vật[9].

Làm tiêu tán tính thiện là thế nào ?

Trước tiên, ta thấy một hệ quả đương nhiên của chủ trương vô thần là phải chọn nguyên tắc sống : bạn ra bạn, thù ra thù. Nguyên tắc ấy được nhấn mạnh, được nâng lên thành đường lối giáo dục, được tuyên truyền trong một bầu không khí chính trị hoá toàn bộ cuộc sống con người. Hệ quả đương nhiên là, từ lúc thơ ấu, những đứa trẻ đã được nhồi nhét tư tưởng chính trị để biết căm thù, để biết nhìn với con mắt “mang hình viên đạn”… và điều đó chắc chắn là tiêu tan mối thương cảm tự nhiên giữa người với người. Chúng ta từng thấy trong phim ảnh những đứa bé “kim Đồng”, bắn chết “thằng Mỹ” và nhẩy lên vỗ tay reo hò khoái trá[10]

Xã hội nhiễm độc làm gia tăng sự vô cảm từ hai nguyên nhân nói trên, và đưa đến những hệ quả đau lòng của căn bệnh vô cảm hiện nay.

4. Đâu là thuốc chữa ?

4.1. Tương quan nhân thân

Khi thấy có những tội phạm ra trước toà tỏ vẻ ăn năn sám hối, người ta nói rằng : họ chỉ sám hối khi không có điều kiện phạm tội nữa. Điều đó có lẽ có nhiều phần đúng. Nhưng người ta cũng có thể nói : những người chưa phạm tội, chẳng qua vì họ chưa có điều kiện phạm tội đấy thôi. Quả thật, cuộc sống đầy rẫy những quy luật nghiệt ngã của thế giới, của những áp lực xã hội, của những tương tác chính trị chi phối. Qui luật ấy có vẻ lấn áp, lôi kéo, xô đẩy con người như một sức mạnh lớn hơn tự do, lớn hơn lương tâm, lơn hơn lòng ao ước sự thiện của con người.

Ta cũng thấy điều đó trong cuộc đời đức Giêsu, đặc biệt trong cuộc thương khó của Chúa:

- Qui luật xã hội khiến những người vừa hoan hô Chúa mấy ngày trước, thì sau đó lại hò hét đòi đóng đinh Chúa vào thập giá;

- Qui luật chính trị khiến cho Philatô, mặc dầu biết Đức Giêsu vô tội, cũng đã phải trao đức Giêsu cho người Do Thái đem đi đóng đinh; và qui luật chính trị cũng thúc đẩy Caipha nói rằng thà một người chết thay cho toàn dân (Xc. Ga 11,49; 18,13-14)…

- Áp lực của xã hội khiến cho Phêrô và các môn đệ, trước đó tuyên bố sống chết với Thầy, rồi chẳng bao lâu sau đó thì bỏ trốn hết, và Phêro thì chối Thầy đến ba lần.

……………………….

Thế nhưng, trong trình thuật Thương Khó, ta có thấy được một sức mạnh nào khác có thể đối đầu với những áp lực xô đẩy nghiệt ngã của cuộc đời không ?

Có chứ !!!

- Phêrô oà lên khóc, Phêrô thoát ra khỏi áp lực đang xô đẩy ông chối Thầy, khi nhớ lại lời Chúa đã nói : “Ngay lúc đó, gà gáy lần thứ hai. Ông Phê-rô sực nhớ điều Đức Giê-su đã nói với mình : "Gà chưa kịp gáy hai lần, thì anh đã chối Thầy đến ba lần." Thế là ông oà lên khóc.” (Mc 14,72).

- Đặc biệt nhất là Chúa Giêsu, trong vườn Cây Dầu, đã thốt lên lời Abba, Cha ơi… Chính trong mối tương quan cá vị,  mối tương quan nhân thân thâm sâu ấy đã giúp Đức Giêsu tìm được sức mạnh để không bị xô đẩy bởi áp lực bên ngoài, nhưng thiết tha tìm thực hiện ý Cha :

Người nói : "Áp-ba, Cha ơi, Cha làm được mọi sự, xin cất chén này xa con. Nhưng xin đừng làm điều con muốn, mà làm điều Cha muốn." (Mc 14,36)

Chỉ có một mối tương quan nhân thân (mối tình thân cụ thể của ai đó), nghĩa là thoát khỏi thái độ ataraxia, mới có thể tạo nên sức mạnh giúp con người tìm lại bản chất người trong tự do, tìm lại được thái độ đúng đắn như một con người biết yêu thương.

4.2. Tìm lại ý nghĩa lòng từ bi thương xót

Người ta nói nhiều, nói quá nhiều về tình yêu… nhưng có lẽ cũng chẳng có gì hàm hồ cho bằng tình yêu. Mỗi người hiểu và sống tình yêu một kiểu, thể hiện tình yêu một kiểu…và với nhãn hiệu tình yêu, đôi khi người ta làm những chuyện hết sức tàn ác. Cha ông chúng ta đã từng nói : yêu nhau lắm, cắn nhau đau…

Đức Gioan Phaolô II, trong thông điệp Thiên Chúa Giầu Lòng Từ Bi Thương Xót, nói rằng : có một danh hiệu thứ hai của Tình yêu, đó là lòng nhân hậu (từ bi thương xót).

“Vì lòng nhân từ là chiều kích không thể thiếu của tình yêu; nó như là danh hiệu thứ hai của tình yêu”[11].

Chúng ta hiểu rằng điều căn cốt của vận hành yêu thương trong Kitô giáo là : mối tương quan con người với nhau phải được đặt trong thế tay ba. Có Thiên Chúa ở đó; và tình yêu con người với nhau chỉ có thể vững bền, quảng đại khi được nối kết vào nguồn mạch tình thương nhân hậu của Thiên Chúa. Khi nói “tôi yêu anh”, thì trong niềm tin Kitô giáo, điều đó có nghĩa là : từ căn nguyên, tôi và anh đều “đáng thương” trước mặt Chúa. Phẩm chất căn bản của tình nghĩa “tôi thương anh” hay “anh thương tôi” thì cũng đều xuất phát từ phẩm chất lòng nhân hậu, lòng từ bi thương xót của Chúa.

Tạm kết

Thật ra, căn bệnh vô cảm không phải chỉ là chuyện của ngày hôm nay và cũng không phải chỉ là chuyện của thời đầu Kitô giáo. Vô cảm là chuyện của con người mọi thời và mọi nơi. Vô cảm có mầm mống trong tội tổ tông. Khi nguyên tổ loài người từ chối một hành trình cuộc sống được kết dệt bằng sống với, sống thân tình với Chúa và trở nên “một xương một thịt” với nhau (Xc. St 2,24), thì đã chọn phương thức để hoàn thành cuộc đời mình bằng một “trái cấm”. Nguyên tổ chọn trái cấm để trở nên như thần thánh:

“…ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác. (St 3,5)

Đằng sau trái cấm không có ai khác. Chọn trái cấm là chọn phương thức sống cho mình, vì mình, để hoàn thành cuộc đời mình.

Vô cảm là cám dỗ sâu xa nhất của cuộc đời con người. Khi người ta ngại sống với ai khác; khi người ta sợ bị thua lỗ mất mát khi phải sống vì ai khác; khi người ta từ chối con đường yêu th

ương, khởi từ thái độ để cho lòng mình được rung cảm vì ai khác, thì mầm mống sự ác đã tìm thấy kẽ hở để có thể thoát ra và hoành hành trong cuộc sống nhân sinh.

Nguyễn Trọng Viễn O.P.

 

[1] Épictète, Entretiens, III, XIII, 11. Trích lại trong Ivan Gobry, Le Vocabulaire grec de la philosophie, ellipses, 2002

[2] Stobée, Éclogues, II, VII, nt.

[3] Diogène Laerce, Vies, doctrines et sentences des philosophes illustres, VII, 117. nt.

[4] Marc Aurèle, IX,31, nt.

[5] Épictète, Manuel, XXIX,7; Cicéron, Tusculanes. V,VII,17, nt.

[6] Xc. Văn kiện Hiệp thông nhân vị và quản lý tạo vật, Uỷ Ban Thần Học Quốc Tế, 2002.

[7] Xc. Giuse Lê Minh Thông, O.P. Tình Yêu và Tình Bạn trong Ga 15,9-17,Trung Tâm Học Vấn Đa Minh,  2009, trang 129-148.

[8] Thần học phân biệt “ân sủng bất thụ tạo”, tức là chính Chúa; và “ân sủng thụ tạo”, tức là những ân huệ khác với chính bản thân Chúa. Khi lãnh nhận ân sủng, dù là ân sủng thụ tạo, người tín hữu được nhắc nhở phải biết tìm trở về với ân sủng bất thụ tạo…

[9] Xc. Nguyễn Trọng Viễn, Hiện Tình Đất Nước, nhìn từ một vài yêu tố cơ bản của văn hoá Á Châu, Nội san Chia Sẻ liên tu sĩ thành phố, số 65, trang53-70.

[10] Ta còn có thể thấy nhiều phương tiện truyền thông đã cổ võ cho thái độ này, chẳng hạn phim “ Khi Mẹ Vắng Nhà”…

[11] T/đ Thiên Chúa giầu lòng từ bi thương xót, số 58. Một Danh Hiệu Khác Của Tình Yêu.

Chi tiết