Bát cơm mặn
Nội dung
Bát cơm mặn
Ai trong chúng ta cũng đều có một người mẹ. Dù người mẹ đó sinh ra và nuôi dưỡng chúng ta lớn lên bằng tình yêu hay chẳng thể, hoặc không muốn chăm sóc, thậm chí tệ bạc với chúng ta… Nhưng dù thế nào thì đó vẫn là mẹ, người đã sinh ra và cho chúng ta một cuộc đời, dẫu đôi khi chẳng như ý. Tình mẫu tử luôn là một thực tại thiêng liêng, mà mỗi khi nhắc tới, hay diễn tả dưới bất cứ một hình thức nghệ thuật hay văn chương nào, hoặc qua những thực tại trong cuộc sống hằng ngày, đều làm bất cứ ai, dù cứng cỏi bao nhiêu vẫn có thể xúc động và bật khóc. Dù là chúng ta là ai, kẻ vô danh hay các bậc vĩ nhân, cũng đều có một gốc tích, một người mẹ: Đức Phật, Mohamed, Einstein… hay bất cứ ai, đã hiện hữu đều có một người mẹ, vì chẳng ai từ gốc chuối chui lên, cũng chẳng có ai trong chúng ta là “Tôn Ngộ Không” hay Adam, Eva... Ngay Đức Giê-su, dù là con Thiên Chúa, và là Thiên Chúa, Đấng hiện hữu từ trước muôn đời, nhưng khi chấp nhận xuống thế làm người, thì dù được thụ thai bởi phép Chúa Thánh Thần, Ngài vẫn được sinh ra bởi một người mẹ là Đức Maria, một người mẹ như bao người mẹ trần gian khác. Tin Mừng mạc khải cho chúng ta Ngài vẫn có một gia đình, một dân tộc, một gia phả như bao người (x. Mt 1,1-17).
Trong cuộc sống, chúng ta biết rằng không phải ai cũng may mắn được sinh ra, dưỡng dục và lớn lên trong bàn tay ấu yếm của mẹ hiền, hay sự chăm sóc yêu thương của mọi người trong một mái ấm một gia đình viên mãn. Quả thật, bên cạnh những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong sự yêu thương của cha mẹ, gia đình, vẫn còn đó muôn hình muôn vẻ những cảnh đời bất hạnh kém may mắn. Vẫn còn đó những đứa trẻ được sinh ra bởi người mẹ vô tâm, sẵn sàng bỏ rơi con mình, thậm chí ngay khi con còn trong bụng mẹ chỉ vì ích kỉ hoặc do đó là hậu quả không mong muốn của một cuộc tình ngang trái; vẫn còn đó những đứa trẻ, dù được sinh ra và lớn lên trong một gia đình, nhưng thiếu hơi ấm yêu thương của người mẹ vì cha mẹ mất sớm hoặc bị ngược đãi… và còn nhiều cảnh huống khác nữa. Chúng ta đồng cảm với những cảnh đời bất hạnh ấy. Tuy nhiên, rất nhiều người trong chúng ta được sinh ra, được chăm sóc và lớn lên trong bàn tay yêu thương của cha mẹ và bao người. Đó thật là điều quý giá mà trong cuộc sống, trong ca dao tục ngữ hay văn chương, tình mẫu tử luôn là một thứ thật thiêng liêng, dù đôi lúc trong cuộc đời vẫn còn đó những “bát cơm mặn” của con hay của mẹ.
Thật thế, được sinh ra và lớn lên dưới sự chăm sóc của cha mẹ dưới mái ấm gia đình, cũng như khi lớn lên và trở thành những người cha, người mẹ, có lẽ ai trong chúng ta cũng không ít lần trải qua những kinh nghiệm, những hồi ức về những bát cơm mặn. Đó là những bữa cơm mà chúng ta phải ăn trong nước mắt dù trong tư cách là con cái hay cha mẹ.
Trước hết, trong tư cách là những người con, có lẽ tuổi thơ và quá trình trưởng thành của nhiều người chúng ta đã trải qua không ít lần phải ăn những bát cơm mặn khi cha mẹ làm chúng ta phải khóc. Ca sĩ Ong Bây Bi đã thật tài tình và sâu sắc khi khắc họa qua bài hát “Bát cơm mặn”[1] một mảnh nào đó những bát cơm mặn trong cuộc đời của phận làm con, mà đâu đó thấp thoáng hình bóng của mỗi chúng ta, những người đã từng hay đang là những người con trong gia đình.
Theo tiến trình sinh ra và lớn lên của một con người, lời bài hát “bát cơm mặn” đã vẽ lên trước mắt người nghe bức tranh đầy xúc động hình ảnh những bát cơm mặn mà vì bị đánh đòn, vì mẹ chẳng hiểu con và cao điểm là bát cơm mặn vì mẹ chẳng còn. Từ đó, bài hát lay động nhiều con tim khi gợi lại trong tâm trí hàng triệu người con, và ngay cả những người đã làm cha làm mẹ hồi ức đa sắc của chính mình.
Theo đó, bát cơm mặn lúc thơ bé là những bát cơm mặn vì bị mẹ đánh đòn. Tuổi thơ ai cũng có, và đó là cái tuổi hồn nhiên vô tư chẳng biết nghĩ suy, chỉ biết rong chơi. Tuổi thơ có lẽ là cái tuổi mà những mường tượng về sự vất vả, nhọc nhằn của cha mẹ là cái gì đó rất mơ hồ. Để rồi, lúc ấy, mấy ai trong chúng ta biết nghĩ suу thấu đáo. Trái lại, tuổi thơ chỉ bận rong chơi chẳng muốn về nhà vì những niềm vui nằm ở phía xa những nơi xa lạ. Khi ấy bữa cơm nóng mẹ làm sẵn đó không thể ngon bằng viên kẹo đường cuối ngõ, hay thú vị bằng những trò chơi bên chúng bạn mặc cho lời mẹ mắng và tiếng thở dài chẳng quên[2]. Thật thế, được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có cha có mẹ, có gia đình luôn là một điều may mắn và vinh dự của bất cứ ai. Thế nhưng, để lớn lên và trưởng thành hơn mỗi ngày, nhất là trong cách giáo dục của cha mẹ, có lẽ trong cuộc đời thật khó ai trong chúng ta không phải là nạn nhân của những trận đòn mà bố mẹ dùng để dạy dỗ, cảnh cáo hay trừng phạt sau những lần mải chơi hay mắc lỗi. Dẫu biết rằng, có những lúc thấy con ham chơi, nên phần vì mệt nhọc, nhưng trên hết là vì yêu và muốn con ngoan hơn, trưởng thành hơn, mà bố mẹ chúng ta phải đánh đòn hay đôi khi có chút nặng lời. Nhưng những lúc ấy, với trí khôn còn nông cạn và vì sự ương bướng và ham chơi, mà đôi khi những giọt nước mắt lã chã rơi trong sự uất hận, nhục nhã và đau đớn vì bị đánh đòn. Đó là những bát cơm mặn dệt lên kí ức đẹp của cái tuổi thơ hồn nhiên nơi bao người…
Cũng trong dòng chảy cuộc đời, khi lớn lên, dù trưởng thành hơn mỗi ngày, nhưng rồi ở cái tuổi dở dở ương ương, hay chưa có kinh nghiệm và trải đời, hoặc sau những lần vấp ngã thưa thớt, những thất bại cay đắng, thì sự nhắc nhở, hay động viên của người thân nhất là của mẹ đôi khi trở thành cái gì đó thật khó nghe, nhàm chán, cổ hủ, thậm chí vớ vẩn. Để rồi, khi thấy dường như chẳng ai hiểu mình, chúng ta phải trải qua những bát cơm mặn trong sự cô đơn và nước mắt. Thật ra, khi ấy vì chúng ta còn chưa nhìn ra đúng sai, nhưng đã vội nghĩ thế giới không hiểu được mình. Những lúc bôn ba, rong ruổi trên con đường tham vọng của học tập hay công việc, đôi khi hay nhiều lúc chúng ta vô tình hay cố ý quên mất gia đình, quên mất người cha người mẹ già đang vò võ chờ con về bên những bữa cơm. Cùng với đó là những cuộc gọi về nhà thưa thớt hơn, cùng những phút im lặng lớn hơn đan xen bao lần gặp là lần cãi vã mà hậu quả là chúng ta vội buông lời như ngọn dao buốt giá mặc cho mẹ chẳng nói được gì chỉ còn lại đôi mắt như muốn vỡ oà…[3] Những bát cơm mặn mà khi ấy chúng ta cho rằng mình là trung tâm của vũ trụ, rằng mình luôn đúng và chẳng ai hiểu mình kể cả cha mẹ chúng ta…
Để rồi cuối cùng, biết đâu ai đó trong chúng ta phải bát cơm mặn, thật sự rất mặn vì mẹ chẳng còn. Thật vậy, mấy ai làm cha làm mẹ mà không muốn con mình thành công và hạnh phúc. Thế nhưng, tiếc thaу con nào có biết mẹ luôn muốn đời con tốt hơn, ít ra cũng tốt hơn đời mẹ đã khốn khó vì tuổi xuân của mẹ trôi theo dòng sông của bộn bề tháng ngàу mà ở trên đoạn đường rong chơi con chẳng có thấу. Bởi vì, cha mẹ chỉ mong thấу con luôn уên bình. Nhưng rồi khi nhận ra chẳng có thứ gì quý hơn là có gia đình thì nhiều người đã vụt mất thực tại ấy. Cuộc đời vốn được đan kết bởi những nụ cười và nước mắt, bởi đau khổ và hạnh phúc, nhưng tất cả sẽ trôi qua. Thậm chí, nụ cười và nước mắt trôi rất nhanh. Cuộc đời là những ký ức mỏng manh. Mùa xuân chiếc lá vẫn xanh, nhưng tóc bạc chẳng thể... Có bao giờ chúng ta ngẩng đầu lên tự hỏi trời cao bao tình yêu con chưa kịp trao, phải chi con yêu thương mẹ hơn, phải chi con nhận ra sớm hơn tình yêu thương của cha mẹ để mà đáp đền cho cân xứng. Để rồi, bát cơm hôm nay mặn vì mẹ chẳng còn…[4] Bát cơm khi cha mẹ chẳng còn sẽ bớt mặn hơn nếu chúng ta đã sống đúng bổn phận làm con. Trái lại, những bát cơm mặn hơn, đắng cay hơn nếu chúng ta là những đứa con bất hiếu, vô ơn, thậm chí tệ bạc với đấng bậc sinh thành.
Tiếp đến, trong tư cách là cha mẹ, có lẽ không ít bậc cha mẹ cũng phải trải qua những bát cơm mặn, những bữa cơm đầy nước mắt bởi sự lo lắng, những nỗi buồn, nỗi sợ và nhất là sự đau đơn đến đứt ruột vì con chẳng còn hay vì sự bất hiếu của con mình…
Thật vậy, ngay trước và cả lúc mang thai, nhiều bậc cha mẹ đã phải bôn ba, tần tảo để lo cho tương lai của đứa con có cái ăn, cái mặc hay xa hơn là cái chữ. Những lúc đó, không thiếu những bát cơm mặn của cuộc sống mưu sinh bởi không ít lần cha mẹ phải đổ mồ hôi hay rơi lệ vì miếng cơm manh áo hay vì sự tủi nhục của kiếp nhân sinh. Cũng vậy, dù sinh con ra trong bao nhiêu khó nhọc và yêu con hơn yêu cuộc sống, mong cho con luôn ngoan hiền, sống vui tươi, cũng như được khỏe mạnh và nên người, nhưng cha mẹ có lẽ cũng không ít lần phải chứng kiến những đứa con của mình đau yếu, bệnh tật, khó khăn, đau khổ hay thất bại… Đó là những bát cơm mặn của những đêm thức trắng, những tiếng thở dài, của sự lắng lo, sự sợ hãi và cả nỗi đau, đôi khi rất âm thầm mà những người con chưa thể hay không thể cảm hay chứng kiến.
Tệ hơn nữa, cũng còn đó những bát cơm mặn chát mà cha mẹ phải ăn, thậm chí không thể nuốt nổi bởi sự ương bướng, nổi loạn, vô ơn, độc ác và tệ bạc của sự bất hiếu, bất trung, bất nghĩa nơi chính những người con mà mình đặt trọn tình yêu và niềm hy vọng… Và còn bát cơm nào mặn hơn khi kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh. Dù đó là một đứa con ngoan hay một kẻ chẳng ra gì, thậm chí bất hiếu, nhưng khi con chẳng còn thì có lẽ thật khó có người cha người mẹ nào nhẫn tâm trơ mắt tiễn biệt đứa con của mình… Đó chính là tình yêu mà không một lời nào có thể diễn tả. Hình ảnh những người cha, người mẹ phải khóc vì con mỗi ngày vẫn hiển hiện nơi này hay nơi khác, có khi ngay bên cạnh chúng ta và trong chính gia đình của chúng ta…
Đứng trước những bát cơm mặn sẽ là những phản ứng khác nhau và từ đó có thể tạo nên những lối rẽ cho một kiếp người. Có những bát cơm mặn khiến những người con trưởng thành và thành công, nhưng cũng có những bát cơm mặn đắng khiến cuộc đời một người hoàn toàn sụp đổ, thất bại và tuyệt vọng dù đó là con hay là cha mẹ. Tùy thuộc vào thái độ, mức độ và mật độ mà bát cơm mặn mang đến cho mỗi người trong tư cách là con cái hay cha mẹ những cách phản ứng và số phận khác nhau…
Tắt một lời, là người con trong gia đình, ước chi chúng ta sớm nhận ra tình yêu mà cha mẹ dành cho mình để sống tròn phận làm con, để yêu thương hơn, cũng như luôn đền đáp công ơn trời bể của cha mẹ. Cũng vậy, những bậc làm cha làm mẹ, nhất là trong xã hội ngày nay, cũng luôn biết quý trọng, nâng niu chăm sóc con cái mình với trách nhiệm và tình yêu… Nhờ đó, trong cuộc sống, những người con hay người cha người mẹ, dù vẫn còn đó những bát cơm mặn, nhưng sau những bát cơm mặn ấy không phải là cảnh nhà tan cửa nát hay sự bất hạnh mà trái lại, sau tất cả là những bát cơm lành, ngon ngọt của niềm vui, của tình yêu, của sự thấu hiểu, của sự thứ tha, của chữ hiếu và nhất là của hạnh phúc viên mãn nơi mái ấm gia đình. Nhờ đó, xã hội và nhất là gia đình Giáo hội mỗi ngày được tăng triển, khi tình yêu thương nơi gia đình giữa cha mẹ và con cái được lan tỏa khắp nơi trong con người và thế giới hôm nay…
[1] https://www.youtube.com/watch?v=JzQILwwRvnQ Bài hát Bát cơm mặn, ca sĩ Ong Bây Bi, Bài viết sử dụng một số lời bài hát nhưng có chút thay đổi cho hợp với mạch văn
[2] Ibid.,
[3] Ibid.,
[4] Ibid.,
Thất Nguyễn
Chi tiết
- Ngày: 18/09/2024
- Tác giả: Lm. Anmai