BẠN ĐÃ LÀM GÌ VỚI PHÉP RỬA CỦA MÌNH?
Nội dung
Trong đêm Vọng Phục Sinh, một trích đoạn trong thư Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Rôma (Rm 6, 3-11) được đọc sau bảy bài đọc Cựu Ước và trước bài Tin Mừng, như dấu gạch nối hoặc một lời mời gọi kết nối. Ở đây Thánh Phaolô tập trung vào phép rửa, được dìm xuống và đưa lên cùng với Chúa Kitô, chiến thắng tội lỗi và cái chết cũng như kinh nghiệm giải phóng cá nhân lẫn tập thể.
Phaolô thường viết thư cho các cộng đoàn mà ông đã thành lập, nơi ông đã từng đến, những cộng đoàn mà ông biết rõ những thách đố về tinh thần và đạo đức trong cộng đoàn ấy. Ông viết thư cho họ để soi sáng và khuyên nhủ, đưa tin, củng cố sự hiệp thông giữa các thành viên và với các giáo hội khác. Ông biết điểm mạnh yếu của họ từ trong nội bộ. Thư gửi các tín hữu Rôma rất khác biệt, độc đáo. Vào khoảng năm 55-57, từ Côrintô, để chuẩn bị cho chuyến hành trình tới Rôma trong tương lai, Phaolô đã viết thư cho một cộng đoàn mà ông chưa từng đến và chưa thành lập; ông biết một vài thành viên ở đó. Và ông đưa ra những suy tư khá phức tạp về các chủ đề lớn của thần học: Đức tin, công lý, sự chết, sự sống. Đề cập của ông ít cụ thể và ít có ngữ cảnh hơn so với những bức thư khác. Có lẽ đó là lý do tại sao nó dài nhất! Ông cho phép mình triển khai những điều mà người Côrintô ít chấp nhận hơn!
Một trải nghiệm và suy tư
Bất chấp những ngữ cảnh này, Phaolô không nói mông lung. Thần học của ông bắt nguồn từ kinh nghiệm Kitô giáo được chia sẻ, tập trung vào Tin Mừng, đức tin vào Chúa Kitô và đời sống huynh đệ. Điều này được thể hiện như thế nào? Bằng nhiều cách. Đầu tiên là giữa “chúng ta” và “các anh em”. Phaolô bắt đầu bằng “các anh em” (c. 3a, “Anh em không biết rằng”, từ này bị bỏ đi trong bản dịch phụng vụ), sau đó chuyển sang “chúng ta” (c. 3b, “khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy”). Nó đề cập đến một kinh nghiệm ghi dấu trên tất cả những người tin vào Đức Giêsu Kitô mà người Rôma là một phần trong đó: Phép rửa và ý nghĩa Phục Sinh. Cuối cùng, ông chuyển sang “các anh em” (c. 11, “Anh em cũng vậy”) để mời gọi độc giả tự mình xem trải nghiệm cơ bản này ảnh hưởng đến họ như thế nào.
Những lời của Thánh Phaolô mời gọi chúng ta dành thời gian suy ngẫm. Nó không nhằm mục đích thay đổi tinh thần hay đạo đức mà là nhằm mục đích nhận thức lại mình. Nó bắt đầu bằng việc “anh em không biết rằng” (c. 3a), sau đó “chúng ta hiểu rằng” (c. 6), “chúng ta biết rằng” (c. 9) và cuối cùng “Anh em cũng vậy, hãy coi mình” (c. 11). Vốn từ vựng về nhận thức được triển khai và khác biệt. Đó cũng là vấn đề về đức tin được chia sẻ: Chúng ta tin (c. 8), liên quan đến những gì sắp xảy ra và vượt quá hiện tại.
Được rửa tội trong Đức Kitô
Sự hiệp thông với Đức Kitô này khiến chúng ta thoát khỏi những thế lực mà Ngài đã đánh bại và những thế lực liên kết với nhau: Tội lỗi và sự chết (c. 7-9). Quyền lực của chúng, đế chế của chúng bị phá vỡ, quá trình biến đổi của con người cũ (c. 6) diễn biến trong chúng ta. Có một sự năng động hiện tại và tương lai của ơn cứu rỗi (c. 5.8). Đây không phải là chuyện tầm thường. Đối với Thánh Phaolô, mầu nhiệm vượt qua là trung tâm của lịch sử và là chìa khóa để hiểu con người, số phận, ơn gọi của con người, trong sự liên đới với toàn thể tạo vật (Rm 8, 18-23[1]).
Phaolô sống trong một xã hội mà chế độ nô lệ (c. 6) và sự giải thoát (sự giải phóng) không phải là những hình ảnh đạo đức mời gọi chúng ta đến một cuộc sống tốt đẹp. Những thực tế này là một phần trong đời sống xã hội của các Kitô hữu mà Thánh Phaolô đang nói đến, họ là những người tự do, người đã được giải phóng hoặc nô lệ tùy theo hiện tình của họ. Trong Đức Kitô, chúng ta được giải thoát khỏi quyền lực của tội lỗi và sự chết (c. 7-9; 6, 18), để sống một cuộc sống mới (c. 4), nhờ tình yêu của Chúa Cha được mạc khải và ban tặng nơi Đức Giêsu Kitô. Có sự đi trước và đi sau. Có điều gì đó để cử hành và tham gia.
Những mối liên kết theo sau và đi trước
Trong những phần khác của bức thư, Thánh Phaolô khai triển những lời kêu gọi nảy sinh từ sự hiệp thông này với mầu nhiệm cái chết và sự phục sinh của Đức Kitô: Tình yêu huynh đệ, lòng thương xót, hiếu khách và sự tha thứ (Rm 12). Nhưng đời sống cộng đoàn và tông đồ, thiêng liêng và luân lý này không được tạo thành từ những mảnh rời rạc và tự trị. Mọi sự đều bắt nguồn và có ý nghĩa trong cuộc vượt qua của con người cũ sang cuộc sống mới, trong sự chôn vùi và chỗi dậy cùng với Đức Kitô. Việc thuộc về Đức Kitô, với ân sủng Thần Khí của Ngài (Rm 8, 2), thúc đẩy chúng ta sống như một tạo vật mới trong đường lối phục vụ và ân sủng. Đây là cách sự cứu rỗi đang hành động ngày nay.
Trong các thư khác của Thánh Phaolô, chúng ta cũng tìm thấy những yếu tố tương tự như trong Rm 6: Phép rửa (1 Cr 1,12-13; Gl 3,27-29), giải phóng khỏi ách nô lệ (Ga 4,3-7) và sự tạo dựng mới. (2 Cr 5, 17).
Có thể có nhiều liên kết khác nhau với các bài đọc khác trong Đêm Vọng Phục Sinh. Với Sáng Thế Ký và Xuất Hành: Tạo dựng và tái tạo dựng, cuộc vượt qua các dòng nước và thoát khỏi cảnh nô lệ. Với các Ngôn Sứ: Giao Ước, sự khôn ngoan, thần khí. Với Tin Mừng: Đấng chịu đóng đinh đã sống lại. Trong các thư của mình, chính Thánh Phaolô, được đào tạo về Kinh Thánh, đã đưa ra một số mối liên hệ giữa các nhân vật và sự kiện của hai Giao ước, người tín hữu Abraham là một nhân vật ưu tiên (Rm 4; Gl 3). Không tính sách Thánh Vịnh mà ngài thường trích dẫn.
Trong đêm thánh này, các dự tòng sống sự kết hợp này với Đức Kitô, với cái chết và sự phục sinh của Ngài, trong sự hiệp thông với anh chị em trong cộng đoàn. Chúng ta hãy chào đón những cử chỉ và lời nói của họ như một lời công bố sống động, hiện sinh, về những gì Thánh Phaolô đã nói với người Rôma. Cuộc vượt qua hướng tới ánh sáng và sự sống mới không bao giờ được thực hiện một mình. Chúng ta cùng vượt qua đó với những người mới được rửa tội này, “những người sống cho Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô”.
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Chuyển ngữ từ: Parabole, Mars 2018, Vol XXXIV, no 1, tr. 16-17
Nguồn: gpquinhon.org
[1] Thật vậy, tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa
Chi tiết
- Ngày: 07/08/2024
- Tác giả: Lm. Anmai