Bạn có muốn trở nên Người của Lòng Thương Xót ?
Nội dung
Bạn có muốn trở nên Người của Lòng Thương Xót ?
Người Samaritanô tốt lành. Julius Schnorr von Caralsfeld. 1833.
Viện Bảo Tàng Staedel, Frankfurt am Main. Đức Quốc.
Lm. GB. Nguyễn Ngọc Thế, SJ
Kitô hữu là ai?
Kitô hữu là người gieo mầm Kitô giáo vào thế giới.
Mầm Kitô giáo cụ thể là gì?
Mầm Kitô giáo luôn mang “chất” của Chúa Kitô, nghĩa là mặc lấy tinh thần và lối sống của Ngài. Cụ thể là sống điều Chúa dạy dỗ: “Anh em hãy có lòng thương xót, như Cha anh em là Đấng thương xót” (Lc 6,36). Lời mời gọi này của Chúa tương hợp với mối phúc mà Chúa đã rao giảng trên núi: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5,7).
Lời mời gọi và nhắn nhủ của Chúa Giêsu đưa lại vấn nạn nào cho bạn?
Bạn có muốn trở nên người của Lòng Thương Xót, trở nên giống Cha trên trời hay không?
Điều mà Chúa Giêsu mời gọi và mong ước người Kitô hữu sống đã được Ngài sống cách cụ thể qua chính hành trình dương thế của Ngài. Lật lại các trang Tin Mừng, ta luôn đọc được những câu chuyện thấm đậm tinh thần thương xót Chúa Giêsu tỏ lộ.
Câu chuyện đầu tiên là biến cố giáng sinh của Chúa. Trong khi con người đi tìm con đường đi lên thăng tiến đạt được quyền lực, danh vọng, tiền bạc và sung túc, Chúa Giêsu vì yêu thương nhân loại đã chọn con đường đi xuống. Ngài không chỉ chọn con đường đi xuống một lần, mà thật nhiều lần Ngài thực sự đi xuống, trở nên thấp hèn. Đặc biệt, trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, Ngài vẫn chọn con đường đi xuống, con đường đón nhận biết bao khổ đau.[1]
Con đường đi xuống của Đức Kitô khởi đi từ chính mầu nhiệm làm người của Ngài. Karl Rahner khi suy niệm về mầu nhiệm này đã thốt lên: “Nhưng Chúa đến như thế nào và Chúa đã làm gì rồi? Chúa đã mặc cho Chúa một thân phận làm người và làm cho thân phận của con người thành thân phận của Chúa, giống chúng con mọi đàng: sinh ra từ lòng một phụ nữ, chịu khổ đau dưới thời Pontiô Philatô, chịu đóng đinh, chịu chết và chịu mai táng. Chúa đón nhận những điều chúng con chối từ chạy trốn. Qua việc Chúa đến, Chúa đã bắt đầu với những điều, theo thiển ý của riêng con cần phải chấm dứt: đó là cuộc sống của chúng con, là sự bất lực, là sự giới hạn bên trong sâu xa nhất và là cái chết.”[2]
Con đường đi xuống của Đức Kitô thật là một con đường mầu nhiệm, một con đường của tình yêu vượt trên mọi biên giới, mọi khái niệm của ngôn ngữ, mọi lý luận của trí khôn. Ôi sự khôn ngoan của Thiên Chúa! Sự khôn ngoan làm cho Thiên Chúa thành nô lệ, thành người thực sự. Ngài đã tự ý ghi danh vào trong danh sách của nhân loại với một cái tên rõ ràng là Emmanuen, là Giêsu. Ngài đã nhẹ nhàng bước vào hàng lối của muôn người đang lê bước trên mặt đất này. Hơn nữa, Ngài là một Con Người Nô Lệ,[3] để qua đó Ngài giải thoát kiếp người khỏi cảnh nô lệ khổ đau.
Vâng, con đường đi xuống của Đức Kitô không ai có thể thấu hiểu, dù có đặt biết bao nhiêu câu hỏi và luận đề, có mày mò lý luận và dùng nhiều cách thức để tìm câu trả lời, thì vẫn phải đối diện với ngõ cụt.
Ở ngõ cụt này, ta cùng lặng yên ngắm nhìn Ngài, với toàn bộ con người kính cẩn thờ lạy Ngài, Đấng giàu lòng thương xót.
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Để nghe dưới đáy nước hồ reo.
Để nghe tơ liễu run trong gió,
Và để xem trời giải nghĩa yêu” (Hàn Mặc Tử, Đà Lạt trăng mờ).
Thiên Chúa giải nghĩa chữ yêu qua Chúa Giêsu thật cụ thể và sống động, và qua những cuộc gặp gỡ và lời giảng dạy của Chúa.
Chiêm ngắm Chúa Giêsu, chúng ta thấy Ngài là một Thầy dạy đúng nghĩa trọn vẹn, nên lời giảng của Chúa Giêsu luôn đi đôi với đời sống của Ngài. Lời và đời sống là một nơi Chúa Giêsu. Ngài đã sống tinh thần lòng thương xót của Thiên Chúa cách sống động, đã chữa lành cho người bị thần ô uế ám, đã thương nhìn đến và lắng tai nghe người đui mù hành khất kêu xin. Ngài đã tự mình mời người phụ nữ còng lưng đang nghe Ngài giảng trong hội đường ra giữa mọi người, để Ngài chữa lành cho bà, trả lại cho bà sự thẳng đứng của cuộc đời. Ngài đã cảm nhận được sự khổ đau tột bậc không chỉ của thân xác, mà cả tinh thần của người phong hủi, và đã đáp lời anh, khi anh lên tiếng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”. Đặc biệt, lòng thương xót được Chúa dành cho những người tội lỗi có lòng ăn năn hối cải: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2, 17).
Giakêu, một tay thu thuế tham lam, khi gặp Chúa và chính Ngài muốn đến nhà của ông, vì hôm nay ơn cứu độ và lòng thương xót của Chúa cần đến thăm ông, để tha thứ, để thánh hoá và để dọn cho ông một con đường mới.
Khi bước vào con đường Thương Khó, Chúa ôm trọn lòng thương xót. Với Phêrô chối Thầy đến ba lần, Chúa đã dõi mắt nhìn ông, ánh mắt của lòng thương xót đã thúc đẩy ông ăn năn thống hối (x.Lc 22,60-62).
Khi bị treo trên cây Thánh Giá, lòng thương xót của Chúa Giêsu vẫn không hề tắt. Chúa cầu xin Cha trên trời tha thứ cho kẻ đóng đinh Chúa (x.Lc 23,34). Chúa lên tiếng với kẻ tử tội có lòng thống hối ăn năn: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 23, 43).
Lòng thương xót của Chúa Giêsu với người trộm lành diễn tả mạnh mẽ lời của Chúa nói trong Phúc Âm của thánh Mátthêu: “Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: “Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (9,13).
Lời của Chúa Giêsu đưa ra cho ta một vấn nạn: Ta có muốn trở nên Người của lòng thương xót hay không? Lòng thương xót cần được thể hiện cụ thể ra sao?
Xót thương cần được biểu lộ rõ ràng trong cách hành xử của người với người, đặc biệt khi anh chị em rơi vào hoàn cảnh khó khăn bất hạnh. Với dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta sống tinh thần “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, và hết trí khôn ngươi, và yêu mến người thân cận như chính mình” (Lc 10,27).
Giới răn đầu tiên “yêu Chúa” mang tính cách tuyệt đối. Đó là cách đáp trả hoàn toàn của mỗi cá nhân với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng, Đấng quyền năng và giàu lòng thương xót. Yêu Chúa với toàn bộ con người là đặt Thiên Chúa trên hết tất cả. Sống vì Chúa và vâng phục thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh, bởi vì tất cả những gì con người có và cả sự hiện diện của con người đều thuộc về Chúa và đến từ Chúa. Yếu tính của con người chính là tình yêu mà Thiên Chúa dành cho họ. Triết gia Kierkegaard người Đan Mạch trong tác phẩm Kærlighedens gerninger – Hành động của tình yêu đã nói, con người được sinh ra trong tình yêu. Và tình yêu được cấy rễ thật sâu trong bản chất của con người.
Tuy nhiên, chỉ yêu Chúa mà không đoái hoài gì đến tha nhân, đến người bên cạnh mình, thì cuộc sống của Kitô hữu vẫn còn khập khễnh, chưa trọn vẹn.
Trong lá thư thứ nhất, thánh Gioan nêu bật sự thống nhất của hai giới răn này: “Anh em thân mến, nếu Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta như thế, chúng ta cũng phải yêu thương nhau” (1Ga 4,11) và “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,20-21).
Thánh tiến sĩ Têrêsa Avila trong tác phẩm Lâu Đài Nội Tâm có viết: “Sự hoàn thiện đích thật hệ tại ơn lòng mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân” (Têrêsa Avila. L Lâu Đài Nội Tâm I,20).
Một thánh nữ khác cũng là tiến sĩ Hội Thánh, thánh Thánh Catarina thành Siêna, để lại lời nhắn gởi của Chúa cho chúng ta: “Như linh hồn yêu Cha ở trong chân lý thế nào thì nó yêu tha nhân trong điều hữu ích như vậy; … và linh hồn càng yêu Cha bao nhiêu thì càng yêu tha nhân bấy nhiêu, bởi vì tình yêu đối với tha nhân xuất phát từ Cha. Đây là phương tiện mà Cha đã đặt trong các con để các con thi hành và tập luyện các nhân đức. Các con không thể làm điều gì có ích cho Cha được nên hãy làm điều đó cho tha nhân” (Thánh Catarina thành Siêna, Dialogus, c. 7).
Như thế, xót thương cần được biểu lộ rõ ràng trong cách hành xử của người với người, cụ thể qua giới răn thứ hai “yêu người như chính mình”. Giới răn này đòi hỏi người Ítraen có thái độ đối với người anh em, như là họ có thái độ đối với Thiên Chúa.
Qua đó, giới răn yêu Chúa và yêu người tạo nên một sự thống nhất. Hai giới răn này không thể tách rời nhau. Yêu Chúa và yêu thương anh chị em là cùng một chuyện. Không thể có điều này nếu không có điều kia. Ai yêu mến anh chị em, chứng tỏ người ấy đã tiếp nhận nơi chính mình lòng tốt của Thiên Chúa đối với con người.
Vì vậy, chúng ta được mời gọi mặc lấy tinh thần của người Samaritanô nhân hậu, tinh thần của Chúa Giêsu giàu lòng thương xót, để không chỉ chờ đợi Chúa xót thương bản thân mình, mà mình cần biết rao giảng lòng thương xót của Chúa, nhưng lời rao giảng cần phải đi vào hành động cụ thể, đến với anh chị em đang gặp nạn, dành thời gian cho họ, hết lòng chăm sóc họ, lắng nghe họ, băng bó vết thương cho họ, để họ tìm lại được bình an và hạnh phúc. Đó là con đường của lòng thương xót mà Chúa mời gọi bạn và tôi.
Cụ thể hơn, thương xót cần được biểu lộ rõ ràng hơn nữa trong cách hành xử của người với người, ngay trong ngày thường, như Tin Mừng Mátthêu hướng dẫn chúng ta cần có thái độ và hành động tràn đầy xót thương với anh chị em rơi vào hoàn cảnh khó khăn:
“Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn;
Ta khát, các ngươi đã cho uống;
Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước;
Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc;
Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng;
Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,35-36).
Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta sống tinh thần nhân hậu xót thương. Ngài muốn rằng, chúng ta với sức của mình phải dấn thân cho những anh chị em nghèo khổ và phải sống trong hoàn cảnh éo le. Những anh chị em đau khổ được kể trong danh sách ở trên đang cần đến sự chú ý và tấm lòng cùng bàn tay nhân hậu của chúng ta.
Như thế qua cuộc đời và lời giảng, Chúa Giêsu chỉ cho ta nhận ra “thương xót” chính là cốt lõi, là nền tảng của mầm sống và tinh thần Kitô Giáo. Đó cũng là bí quyết giúp ta sống Đức Tin mỗi ngày cách cụ thể nhất, là “chương trình sống vừa đòi hỏi vừa phong phú với niềm vui và bình an. Lệnh truyền của Chúa Giêsu hướng đến bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe tiếng nói của Ngài” (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 13).
Ngoài ra, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhắc nhở các tín hữu: “Lòng Thương Xót: là luật cơ bản ngự trị trong con tim của mỗi con người đang nhìn chân thành vào đôi mắt của anh chị em mình trên đường đời” (ĐTC. Phanxicô, Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 02).
“Chúa Giêsu khẳng định rằng lòng thương xót không chỉ là một hành động của Chúa Cha, nó trở thành một tiêu chuẩn để xác thực ai là con cái thật sự của Ngài. Nói vắn tắt, chúng ta được mời gọi để tỏ lòng thương xót vì lòng thương xót đã được thể hiện ra cho chúng ta trước” (số 09).
Lời nhắc nhớ của Vị Cha Chung tương hợp với lời kêu mời của Chúa trong Bài Giảng Trên Núi: “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48).
Nghiêm túc đón nhận và trung thành với lời dạy dỗ của Chúa Giêsu, Giáo Hội đã để lại lời kinh rất đẹp mở ra cho chúng ta con đường sống tinh thần lòng thương xót cách cụ thể. Đó là kinh thương người có 14 mối, thường được gọi là những công việc thương xót (opera misericordiae).
Kinh 14 Mối dựa vào Thánh Kinh, cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Theo truyền thống lời kinh này được các Giáo Phụ nhắc đến, đặc biệt thánh Augustinô đã chú ý đến. Thánh nhân viết: “Mọi người mong đợi được gặp Chúa Kitô ngự trên thiên đàng; nhưng hãy hướng nhìn Ngài, khi Ngài nằm ở ngoài cửa, hãy hướng nhìn Ngài, khi Ngài đang đói khổ; hãy hướng nhìn Ngài, khi Ngài đang lạnh lẽo run rẩy; hãy hướng nhìn Ngài, khi Ngài đang hiện diện trong những người nghèo khổ không sở hữu gì cả; hãy hướng nhìn Ngài, khi Ngài hiện diện sống động trong các ngoại kiều”.[4]
Thánh Augustinô còn phân biệt giữa việc tốt lành liên hệ đến việc thương yêu và giúp đỡ tha nhân trên phương diện thân xác (thương xác), và các việc tốt lành khác liên hệ đến đời sống tinh thần và linh hồn (thương linh hồn). Sự phân biệt này đã phát triển trong thời trung cổ thành hai phần rõ rệt là thương xót và thương linh hồn.
Sau đó, thánh Tôma Aquino đã đưa thương người có 14 mối vào trong các nhân đức của tình yêu.
Trong nghệ thuật thánh, tinh thần thương người có 14 mối được chú ý tới và được các nghệ nhân diễn tả rất sống động. Chúng ta có thể kể đến Rương đựng thánh tích của thánh nữ Elisabeth hiện ở tại thành phố Marburg, Đức Quốc.
Thánh Elisabeth là một vị thánh trong thời trung cổ và được coi là người sống lời răn dạy của Chúa Giêsu về bài giảng Cánh Chung (Mt 25) một cách sát sao. Trên rương đựng thánh tích của thánh nữ, ta nhận ra các tâm tình mời gọi ta sống thương xác 7 mối.
Với thời gian lời kinh này trở thành một lời kinh quan trọng. Phần đầu dựa vào chương 25 của Phúc Âm thánh Mátthêu – Thương xác bảy mối.
Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn
Thứ hai: Cho kẻ khát uống
Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc
Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc
Thứ năm: Cho khách đỗ nhà
Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi
Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết.
Phần đầu của kinh Mười Bốn Mối là thương xác bảy mối tương hợp với đoạn Thánh Kinh cuộc phán xét chung (x.Mt 25,31-36), với mối thứ bảy chôn xác kẻ chết do Giáo Phụ Lactantius (tk.3) bổ túc. Mối thứ bảy này liên hệ đến hình ảnh của Tobia trong Cựu Ước: “Cơm bánh của tôi, tôi cho người đói khát; quần áo của tôi, tôi cho kẻ trần truồng; nếu thấy ai trong số đồng bào tôi chết và bị quăng thây ra phía sau tường thành Ninivê, thì tôi chôn cất người đó” (Tb 1,17).[5]
Với thương xác bảy mối này, tín hữu được mời gọi chú ý và cảm thông với những người rơi vào những hoàn cảnh bất hạnh. Cũng như khi thực thi tinh thần thương xác bảy mối này, tín hữu bước ra khỏi cái tôi chai cứng và mù tối của mình, để hướng về người gặp khổ đau, và với tất cả thân xác và tinh thần giúp đỡ họ. Tinh thần của thương xác bảy mối cũng tương hợp với tinh thần của Cựu Ước mà người Do Thái luôn chú ý tới: “Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao: mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm? Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?” (Is 58,6-7).
Như thế, khi sống tinh thần xót thương và bác ái, thì trái tim chai cứng sẽ rời bỏ chốn an toàn và ích kỷ, để lên đường gặp gỡ những người bất hạnh đang đối diện với chúng ta trên đường. Khi chúng ta sống tinh thần xót thương và bác ái, thì chúng ta đang đón nhận lời nhắc nhớ của Vị Cha Chung: “Chính Chúa Kitô đang hiện diện trong mỗi ‘con người bé nhỏ’ này. Thân xác Ngài trở thành hữu hình trong xác thịt của những người bị tra tấn, những người bị chà đạp, những người bị đánh đòn, những người bị suy dinh dưỡng, và những người bị lưu đày… để được thừa nhận, vuốt ve, và chăm sóc bởi chúng ta. Chúng ta đừng quên những lời của thánh Gioan Thánh Giá: khi chúng ta lìa đời, chúng ta sẽ được phán xét trên cơ sở của tình yêu” (Tông sắc về năm Thánh lòng thương xót của Thiên Chúa, số 15).
Phần thứ hai là thương linh hồn 7 mối.
Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người
Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội
Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo
Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội
Thứ năm: Tha kẻ dể ta
Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta
Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết.
Lòng thương xót đi vào toàn bộ cuộc sống của con người, cụ thể đụng tới nhu cầu thể chất và tinh thần. Phần thương linh hồn bảy mối thu hút sự chú ý của chúng ta về sự nghèo nàn về trí tuệ và tinh thần mà nhiều người trong thời đại chúng ta đang đi tìm kiếm. Họ gặp nhiều đau khổ tinh thần, họ đứng trước những ngõ cụt của cuộc sống, họ cần có người lắng nghe, họ ao ước được chia sẻ, họ mong sao có được sự gần gũi cảm thông, và nếu được họ cũng chờ đợi những lời khuyên hữu ích.
Như thế, ít nhiều ta đã nhận ra giá trị của tinh thần sống XÓT THƯƠNG NHƯ CHÚA XÓT THƯƠNG.
Tóm lại, lòng thương xót có chiều rộng và chiều sâu như thế nào, và lòng thương xót có ý nghĩa gì cụ thể đối với người Kitô hữu, cũng như lòng thương xót cần được thực thi ra sao, thánh nữ Faustina đã diễn tả cách sâu sắc trong lời cầu nguyện viết vào năm 1937:
Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để đôi mắt con luôn nhân từ, và con không nghi ngờ hay kết án bất cứ ai qua giáng vẻ bề ngoài của họ, xin giúp con cảm nhận được những gì đẹp đẽ trong tâm hồn của anh chị em bên cạnh và luôn sẵn sàng nâng đỡ họ.
Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để đôi tai con luôn nhân từ, và con luôn chú ý đến nhu cầu của anh chị em bên cạnh, và đôi tai con không “dửng dưng” trước những nỗi đau và kêu than của anh chị em bên cạnh.
Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để miệng lưỡi con luôn nhân từ, và con không bao giờ nói xấu anh chị em bên cạnh, ngược lại mỗi lời con nói ra là lời an ủi và tha thứ cho mọi người.
Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để đôi tay con luôn nhân từ và tràn đầy những việc tốt lành, và đối với anh chị em bên cạnh con chỉ làm những điều tốt đẹp cho họ, phần con thì sẵn sàng đón nhận những gì khó khăn và lao nhọc.
Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để đôi chân con luôn nhân từ, và con luôn sẵn sàng đến và giúp đỡ anh chị em bên cạnh, và luôn làm chủ được sự nhọc nhằn và mệt mỏi của bản thân. Sự nghỉ ngơi đích thật của con nằm ở trong sự phục vụ anh chị em bên cạnh.
Lạy Chúa xin giúp đỡ con, để trái tim con luôn nhân từ, nhờ đó con luôn cảm nhận được những khổ đau của anh chị em bên cạnh, và trái tim con không từ chối bất cứ ai, cũng như con luôn có thái độ dịu dàng và đúng đắn với những người mà con biết rằng, họ có thể lạm dụng những tình cảm của con; phần con xin được ẩn náu trong trái tim nhân từ của Chúa Giê-su. Với những khổ đau của bản thân, con xin được giữ riêng cho mình. Lạy Chúa, xin cho lòng thương xót của Chúa luôn hiện diện trong con.
Chính Chúa đã lệnh truyền cho con, là con cần phải thực thi ba mức độ của lòng thương xót. Mức độ thứ nhất là: Hành động thương xót và nhân từ – trong mỗi một hành động. Thứ hai: Lời nói thương xót và nhân từ – những gì con không thực hiện được bằng hành động, thì xin giúp con thực hiện bằng lời nói. Thứ ba: Cầu nguyện – Nếu con không thể thực thi lòng thương xót qua hành động và lời nói được, xin giúp con thực thi trong cầu nguyện. Lời cầu nguyện của con vươn tới những nơi, mà bản thân con với thân xác này không thể vươn tới được. Lạy Chúa Giê-su của con, xin thánh hoá con trong Chúa, vì Chúa có thể làm được mọi sự”.[6]
Để kết.
“Anh em hãy có lòng thương xót, như Cha anh em là Đấng Thương Xót”
(Lc 6,36).
Đứng ở góc phố trên đường đời, bạn và tôi nghe Lời mời gọi của Chúa, ta đáp lời thế nào? Ta có muốn trở nên người của Lòng Xót Thương hay không?
Mong sao Lời mời gọi của Chúa Giêsu không chỉ đến được với đôi tai của chúng ta, mà thấm vào tâm hồn chúng ta, để nhờ đó bạn và tôi có thể trở thành những người con của Lòng Thương Xót.
Để bước vào hành trình trở nên người của Lòng Thương Xót, mời bạn cùng tôi cầu nguyện với lời của một vị thánh của dân tộc Armenia, thánh Nerses the Gracious:
“Lạy Chúa là Đấng rất mực nhân từ,
xin thương xót tất cả những ai tin tưởng vào Chúa;
những người thân yêu của con và những người xa lạ với con;
những người con biết và những người con chưa biết;
những người sống và những người đã qua đời;
xin tha thứ cho những kẻ thù của con và những người ghét bỏ con,
cho những sai trái mà họ đã làm với con;
và xin giải thoát họ khỏi ác tâm mà họ gây ra cho con,
để họ cũng trở nên xứng đáng với lòng thương xót của Chúa.
Xin thương xót các thụ tạo của Chúa,
và con đây, một tội nhân vô vàn lỗi phạm”
(Thánh Nerses the Gracious. I Confess with Faith, The 24 Prayers, XXIII).
[1] X. NOUWEN H., Jesus – A Gospel, Edited and introduced by Michael O´Laughlin, Orbis Books, New York 2001, t.7.
[2] RAHNER K., « Gott, der da kommen soll », trong ‚Wort ins Schweigen‘, Verlag Filizian, Insbruck 1954, 6.Auflage, s.66-72.
[3] X. GNILKA J., Der Brief an die Philipper, Geistliche Schriftlesung, Patmos-Verlag, Duesseldorf 1969, t.42
[4] Trích trong “Die 14 Werke der Barmherzigkeit”. https://www.erzdioezese-wien.at
[5] X. BOPP K., từ ngữ Werke der Barmherzigkeit, trong Lexikon fuer Theologie und Kirche, 10. Band, Herder Verlag, Freiburg 2001, c.1099.
[6] Trích dẫn bởi KASPER W., Barmherzigkeit, t. 144-145.
Chi tiết
- Ngày: 09/04/2024
- Tác giả: Lm. Anmai