Ba giai đoạn nhận thức của con người
Nội dung
Ba giai đoạn nhận thức của con người
Con người là một hữu thể phức tạp, đa dạng và phong phú. Con người gồm có thần trí (spirit) – linh hồn (soul) – thân xác (body). Mỗi ngành học khác nhau nghiên cứu con người ở các lãnh vực khác nhau. Chính vì thế, có rất nhiều định nghĩa về con người. Một trong các định nghĩa đó là: “Con người là động vật có lý trí”, khi nói con người là con vật có lý trí là ta muốn nói đến tiến trình nhận thức của con người. Trong bài viết này người viết sẽ lược qua ba giai đoạn nhận thức của con người và đưa ra ý kiến của mình về câu định nghĩa trên.
Ba giai đoạn nhận thức của con người đi từ cảm tính đến lý tính và cuối cùng là đến thần tính, công cụ của tiến trình nhận thức cảm tính là cảm giác (ngũ quan), công cụ của tiến trình nhận thức lý tính là lý trí, công cụ của tiến trình nhận thức thần tính là thần trí (spirit).
Theo thánh Phaolô, con người có ba chiều kích: thần trí, linh hồn và thân xác “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hóa toàn diện con người anh em, đề thần trí (spirit), tâm hồn (soul) và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm”(1 Tx 5, 23).
Theo Aristotle, thực vật thì có sinh hồn, động vật thì có giác hồn, còn con người thì có linh hồn (soul). Như thế, hồn chỉ là cái mà con người cùng chung chia với các thụ tạo khác dưới vòm trời này, còn thần trí (spirit) mới chính là mô thể, là cái tách biệt con người ra khỏi mọi loài khác để trở nên độc nhất vô nhị trong vũ trụ này. Chúng ta có thể tạm chia con người thành hai phần: tự nhiên và siêu nhiên. Tự nhiên là những gì con người chung chia với các thụ tạo khác dưới vòm trời này, còn siêu nhiên là cái độc nhất vô nhị của con người.
Mở đầu kinh Magnificat, Đức Maria đã xướng lên: “linh hồn (soul) tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí (spirit) tôi hớn hở vui mừng”. Như vậy, Đức Maria đã tung hô Chúa với tất cả hữu thể của mình: phần tự nhiên, mà linh hồn là đại diện cao nhất và phần siêu nhiên, là thần trí, Homo Capax Dei, là khả năng nhận biết Thiên Chúa. Trong tiếng Việt, nhiều bản dịch không quan tâm đủ để phân biệt rạch ròi linh hồn (soul) và thần trí (spirit), nên có sự nhập nhằng giữa hai thuật ngữ này. Chẳng hạn, ở đoạn Tin Mừng của Gioan (Ga 19,30): “Jesus said: “It is finished!” And He bowed His head and gave up His Spirit”, nhóm CGKPV dịch là “Đức Giê-su nói: Thế là đã hoàn tất! Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí”. Trong khi đó, điệp ca trước Thánh Ca Nunc Dimittis, kết thúc giờ Kinh Tối, “Into your hands, I commend my spirit”, bản dịch của nhóm CGKPV dịch là “trong tay Ngài, lạy Chúa, con xin phó thác hồn con” mà đáng lý ra phải dịch là “thần trí” hay “thần khí”.
Việc lý giải dong dài hai thuật ngữ “linh hồn” và “thần khí” hay “thần trí” nhằm mục đích cho thấy con người là một hữu thể trọn vẹn giữa hai yếu tố: tự nhiên và siêu nhiên. Chính vì thế, khi đề cập đến cái này thì tất yếu phải đề cập đến cái kia. Tiến trình nhận thực cảm tính và lý tính thuộc phạm trù tự nhiên, còn tiến trình nhận thức thần tính thì thuộc về phạm trù siêu nhiên và đức tin. Chúng ta không thể tách rời chúng trong nhận thức của mình, bởi chúng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã từng ví lý trí và đức tin như “đôi cánh” giúp con người vươn lên tới Thiên Chúa, là Chân Lý.
Ba giai đoạn của tiến trình nhận thức đi từ thấp đến cao: nhận thức cảm tính mà đối tượng là vũ trụ vật lý, nhận thức lý tính mà đối tượng là hiện sinh, tức các sinh hoạt tinh thần và nhận thức thần tính mà đối tượng là cõi siêu việt, là Thiên Chúa như K.Jaspers đã nói: “chỗ thất bại của khoa học thực nghiệm là chỗ bắt đầu cho triết học, và giới hạn chấm hết của triết học là chính cương giới thuộc lĩnh vực siêu nhiên”[1]. Nếu con người không giống như những con vật khác, chết rồi là hết, thì việc con người luôn vươn tới siêu việt là điều tất yếu. Điều đó hệ tại ở việc nhận thức của con người. Thánh Tôma xem tự do như việc con người sử dụng lý trí để nhận biết điều đúng để làm và sử dụng ý chí để yêu thích và vươn tới sự thiện. Cho nên, dường như muốn sống tốt, sống cho xứng với phẩm giá làm người, con người tất yếu cần phải biết đúng, nhận thức đúng . Tuy nhiên, vì do hậu quả của tội lỗi, con người không còn có khả năng để nhận biết điều đúng để làm, điều thiện để yêu mến và vươn tới. Chính vì thế, cần phải có ân sủng soi dẫn. Tiến trình nhận thức thần tính là tiến trình con người để cho Thần Khí hướng dẫn, điều kiện để được hướng dẫn là tin. Muốn tin, con người cần phải thực hiện một bước nhảy của đức tin, nhưng, đức tin không loại trừ lý trí, cũng như ân sủng không phá bỏ tự nhiên.
Câu định nghĩa “Con người là động vật có lý trí” đúng, nhưng chưa đủ, bởi vì, khi nói đến con người là ta phải nói đến con người trong một tổng thể thống nhất, với cả ba giai đoạn nhận thức chứ không chỉ dừng lại ở giai đoạn lý trí. Vả lại, giai đoạn nhận thức thần tính mới là điều làm cho con người trở nên cao cả, vượt hẳn với mọi thụ tạo khác dưới vòm trời này.
Triết học cổ truyền từ Platon, Aristotle đến Descartes, Kant, Hegel không giúp con người suy nghĩ về thân phận và định mệnh mình, vũ trụ quan của Aristotle cho ta thấy một con người bị nhận chìm trong vũ trụ. Descartes với sự khám phá ra chủ thể tính con người và tự do mang nặng chất hiện sinh, đã hé mở một con đường mới, nhưng đáng tiếc Descartes chỉ dừng lại ở tinh thần con người mà không tìm hiểu con người như một thực thể sinh tồn, có hồn, có xác. Kant và Hegel còn đẩy xa tinh thần hơn nữa thành thử triết học cứ luẩn quẩn trong thái độ ý niệm, coi con người là một vật thể, cho con người là thế này, thế kia. Ngược lại, triết học Hiện Sinh xây dựng trên chủ thể tính, coi con người như một hữu thể đứng trên vũ trụ. Con người hiện sinh là con người tỉnh ngộ, dám nhìn thẳng vào sự thật với nhãn quan của chính mình[2]. Con người được xem như là một chủ thể tri thức, có tương quan, đối thoại với Thiên Chúa, với chính mình, và với vạn vật trong tình yêu thương, tôn trọng lẫn nhau.
Tóm lại, con người là một hữu thể tự do, một sự tự do hiện sinh, đến từ bên trong và xuất phát từ bản thể. Ta có thể chiết tự: “tự” là từ, “do” là Nguyên Do. Chính vì thế, khi chúng ta ý thức rằng: mình không thể tự mình mà có, nhưng, mình đến từ Nguyên Do, Nguyên Do viết hoa, thì khi ấy ta có tự do. Có thể nói ba giai đoạn nhận thức được xem như tiến trình để giúp con người nhận ra Nguyên Do nguồn cội của chính mình. Nói như triết Phật: “kiến tánh thành phật”, thì việc con người ý thức được nguồn cội của mình, sẽ giúp con người chủ động sống tích cực, chứ không sống ù lì, theo kiểu “qua ngày đoạn tháng” mà Sartre gọi là buồn nôn. Camus cho là phi lý, Heidegger gọi là tầm thường. Muốn vượt thoát khỏi lối sống buồn nôn, phi lý, tầm thường, con người phải ý thức mình là một nhân vị độc đáo, độc nhất vô nhị của Tạo Hóa, có tự do để chọn lựa và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình.
[1] TRẦN THÁI ĐỈNH, Triết Học Hiện Sinh, Thời Mới, tr. 111.
[2] NGUYỄN HOÀNG, Triết Học Hiện Sinh – Một Nhân Bản Thuyết, Tài liệu trên internet.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB
Chi tiết
- Ngày: 22/07/2023
- Tác giả: Lm. Anmai