Antoine de Saint-Exupéry, một linh đạo không có Thiên Chúa?
Nội dung

Antoine de Saint-Exupéry, một linh đạo không có Thiên Chúa?

 

    ANTOINE DE SAINT-EXUPÉRY, MỘT LINH ĐẠO KHÔNG CÓ THIÊN CHÚA?

    Ngày 31 tháng 7 năm 2024 đánh dấu kỷ niệm 80 năm ngày mất của Antoine de Saint-Exupéry. Mặc dù ông tuyên bố không có đức tin, nhưng các tác phẩm của ông lại thấm đẫm văn hóa và quy chiếu Kitô giáo. Đâu là linh đạo của “phi công huyền bí” này?

    80 năm trước, vào ngày 31 tháng 7 năm 1944, Antoine de Saint-Exupéry biến mất ngoài khơi bờ biển Marseille trên chiếc máy bay của ông khi đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát cho quân Đồng minh từ đảo Corse. Mặc dù mảnh vỡ của chiếc máy bay được phát hiện vào năm 2003, nhưng người ta vẫn chưa biết tại sao và như thế nào cái chết của ông.

    Nhưng nếu cái chết của ông vẫn còn là một câu hỏi, thì cuộc đời và các tác phẩm của ông đã nâng đỡ những người khác, đặc biệt là mối quan hệ của ông với đức tin. Mặc dù ông nói rằng ông không tin vào Chúa, nhưng đối với nhiều người, ông là một bậc thầy tâm linh đầy quả quyết. Cha Stan Rougier[1] thừa nhận: “Từ bảy mươi hai năm qua, tôi đã tự hỏi. Tại sao Thiên Chúa lại dùng văn xuôi của Antoine de Saint-Exupéry để gõ cửa lòng tôi?

    Nhà sử học Michel Faucheux viết: “Ngay từ những ngày xa xưa của tuổi thơ, tôi đã làm việc với Saint-Exupéry, người đã khởi xướng cho tôi tìm kiếm sự thật bên trong[2]. Một linh đạo không có Thiên Chúa có thể dẫn đến Thiên Chúa được không?

    Sự kỳ diệu của tuổi thơ

    Antoine de Saint-Exupéry sinh ra ở Lyon trong một gia đình quý tộc. Bất chấp cái chết của cha khi ông mới bốn tuổi, ông đã có một tuổi thơ hạnh phúc. Mẹ ông là người rất có tín ngưỡng và khí chất nghệ thuật. Michel Faucheux tin rằng bà đã truyền đức tin cho năm đứa con của mình mà bà đã nuôi nấng một mình, chơi nhạc với chúng, đọc truyện cho chúng nghe… “Bà đã mang đến cho cậu bé Saint-Exupéry một điều kỳ diệu thực sự của tuổi thơ”.

    Antoine được giáo dục nơi các Sư huynh dòng La San, rồi tại Dòng Tên và, ở Thụy Sĩ, nơi các cha dòng Marianiste. Năm 1917, khi ông vừa lấy bằng tú tài thì người em trai 15 tuổi của ông qua đời. Năm 18 tuổi, ông phải lòng thương yêu, nhưng 5 năm sau, hôn ước của ông sẽ bị hủy bỏ. Ông  dần dần rời xa đức tin và thực hành tôn giáo. Ông gặp khó khăn trong việc tìm ra con đường của mình.

    Đam mê hàng không từ nhỏ, là phi công từ khi nhập ngũ, năm 1926, ông đăng ký vận chuyển thư tín giữa Pháp và Senegal, sau đó là Nam Mỹ. Ông xuất bản các cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình: Courrier Sud năm 1929, Vol de nuit năm 1931. Năm 1939, ông bay trong Lực lượng Không quân, rời đến New York sau hiệp định đình chiến, nơi ông viết Le Petit Prince. Và gia nhập quân Đồng minh vào năm 1943.

    Trong thế giới duy vật chủ nghĩa, một cơn khát không thể nguôi

    Ngay từ những cuốn tiểu thuyết đầu tiên của mình, mặc dù ông tuyên bố mình là người theo thuyết bất khả tri, nhưng tác phẩm của ông lại chứa đầy những quy chiếu về Kitô giáo, những câu hỏi về tâm linh và thậm chí cả thần bí. Ông luôn giữ những giá trị Kitô giáo do mẹ mình truyền lại trong lòng, và lấy làm tiếc một nền văn minh không có Thiên Chúa, nơi con người đứng trên đỉnh cao của những cỗ máy do chính mình tạo ra: “Tôi hết sức ghét thời đại của mình. Con người chết vì khát khao ở đó (…) Hai tỷ người không còn nghe thấy gì ngoài robot, không còn hiểu gì khác ngoài robot, trở thành robot”[3].

    Nỗi khát khao mà Saint-Exupéry nói đến, đó chính là điều tạo nên trọng tâm linh đạo của ông. Michel Faucheux viết: “Ông trải nghiệm sự cô độc sâu sắc về trí tuệ và tinh thần trong sự im lặng của sa mạc loài người”. “Không có đức tin, đó là biết đến hoài nghi và tuyệt vọng thường xuyên hơn người có đức tin. Đó là sống nỗi sợ hãi do một nền văn minh vật chất hóa và cơ giới hóa gây ra, vốn làm tan rã các hữu thể.”

    Tuy nhiên, nếu có sự tuyệt vọng, thì điều đó không chuyển thành chủ nghĩa hư vô hoặc không hành động đối với ông. Ngược lại, Cha Stan Rougier viết: Antoine de Saint-Exupéry “là người đấu tranh cho những cam kết ràng buộc chúng ta với thế giới”. Ông viết trong Citadelle[4], bản di chúc tâm linh còn dang dở của mình: nhà văn có “ước muốn bất diệt trong việc xây dựng các tâm hồnLuôn luôn cần phải duy trì tỉnh thức những gì vĩ đại ở con người và hoàn cải con người theo sự vĩ đại của chính nó”.

    Trở về tinh thần tuổi thơ

    Đòi hỏi này, mà ông sẽ không bao giờ từ bỏ, ngang qua việc quay trở lại tinh thần tuổi thơ, trái ngược với sự hư danh và trống rỗng của người lớn. Michel Faucheux tóm tắt: “Thơ ca là sự thể hiện tinh thần của tuổi thơ và không thể tách rời khỏi mọi tâm linh (…). Khôi phục lại chất thơ của tuổi thơ, đó có nghĩa là lưu giữ sâu trong tâm hồn mình tinh thần Giáng Sinh vốn làm dịu tâm hồn và cho phép tái sinh”.

    Trong Terre des hommes, Saint-Exupéry viết: “Mozart tuổi thơ sẽ được đánh dấu giống như những người khác bằng máy rập (…). Điều làm tôi day dứt, đó là quan điểm của người làm vườn (…). Điều làm tôi day dứt, đó không phải là những lỗ hổng, những khối u này, cũng không phải sự xấu xí này. Chính một chút, trong mỗi người này, Mozart đã bị sát hại”.

    Khôi phục lại ý nghĩa tinh thần cho con người”, như ông nói trong Écrits de guerre, đó là ý nghĩa của toàn bộ tác phẩm của Saint-Exupéry. Michel Faucheux khẳng định, ngay cả khi không còn đức tin, ông “sẽ tiếp tục nhìn nhận một nền văn hóa Kitô giáo hình thành nên lương tâm của ông”. “Việc quy chiếu tôn giáo là không thể tránh khỏi: “Một lần nữa, tôi không có từ vựng nào khác ngoài tôn giáo để diễn tả bản thân mình””.

    Nhưng sự quy chiếu và từ vựng này nghe có vẻ khác với việc dạy giáo lý mà, như cha Stan Rougier thừa nhận, “khiến tôi trở nên vô cảm, thờ ơ”. Ngược lại, “Antoine de Saint-Exupéry đã mang lại cho sứ điệp của Chúa Kitô những lời nói với trái tim của mỗi con người, những lời quy tụ. Những lời làm cho đứng vững”.

    Tý Linh chuyển ngữ

    (theo Christel Juquois, nhật báo La Croix)

    Nguồn: xuanbichvietnam.net


    [1]Tác giả của cuốn Prier 15 jours avec Antoine de Saint-Exupéry, Nouvelle Cité, 2023.

    [2]Michel Faucheux, Saint-Exupéry, la spiritualité au désert, Salvator, 2022.

    [3]“Lettre au général X”, 1943.

    [4]Citadelle, Œuvres complètes, Gallimard.

    Chi tiết