“Anh chị em ruột” của Chúa Giêsu
Nội dung
“Anh chị em ruột” của Chúa Giêsu
Thánh sử Maccô đã kể câu chuyện Chúa Giêsu trở về quê quán Nazareth (x. Mc 6,1-6). Dân làng ngạc nhiên về sự khôn ngoan và quyền năng lạ lùng của Người, nên nói với nhau: “Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria và là anh em của các ông Giacôbê, Giuse, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?” Mấy từ “anh em”, “chị em” đã gây tranh cãi giữa các tín hữu Tin Lành và Công giáo. Đó là vấn nạn “Anh chị em ruột của Chúa Giêsu”. Trong tinh thần đối thoại đại kết và mở rộng tâm trí cho Chúa Thánh Thần, chúng ta cùng giúp nhau tìm hiểu vấn đề.
Vấn nạn về anh chị em ruột của Chúa Giêsu
Vấn nạn có thật. Trước hết cần ghi nhận rằng cuộc tranh cãi về vấn đề “Đức Giêsu có anh chị em ruột không?” vẫn đang diễn ra tại Việt Nam và nhiều nơi khác. Nhiều tín hữu Công giáo, vì không thông thạo Thánh Kinh như anh em Tin Lành, nên chưa biết giải đáp vấn nạn này. Có người còn cảm thấy mình đuối lý khi nghe các anh em đó giải thích và mất lòng tôn kính đối với Mẹ Maria và Thánh Giuse vì nghĩ rằng, hai vị thánh đã sống như vợ chồng với nhau nên sinh ra các người con khác là anh chị em ruột của Chúa Giêsu.
Hơn nữa, bản dịch Việt ngữ hình như che giấu phần nào vấn nạn khi không xác định đó là anh chị em ruột hay anh chị em họ, mà chỉ dùng từ chung chung “anh em”, “chị em”. Trong thực tế, tất cả những lần Thánh Kinh Tân Uớc nói về anh chị em của Đức Giêsu đều dùng từ “anh chị em ruột”.
Ngoài đoạn văn trên, ta còn đọc thấy các đoạn văn khác như: “Thưa Thầy! Có mẹ và anh chị em Thầy ở ngoài kia đang tìm Thầy” (x. Mc 6,3; Mt 13,53-58, Lc 4,16-30). “Anh em Đức Giêsu nói với Người… Thật thế, anh em Người không tin vào Người” (Ga 7,2.5.10). “Tất cả các ông đều chuyên cần cầu nguyện… với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu và với anh em của Đức Giêsu” (Cv 1,14). “Tôi đã không gặp một vị tông đồ nào khác, ngoài ông Giacôbê, người anh em Chúa” (Gl 1,19). Và nhiều câu khác. như 1Cr 9,5…
Thánh Kinh Tân Ước dùng tiếng Hy Lạp làm nguyên ngữ nên ý nghĩa của từ ngữ rất rõ ràng. Từ “anh chị em ruột” muốn chỉ mối quan hệ ruột thịt, khác hẳn với từ “anh chị em họ” chỉ mối quan hệ gần gũi.
Vấn nạn mở rộng. Thêm vào đó, vấn nạn còn trầm trọng hơn khi người ta giải nghĩa các đoạn Thánh Kinh khác có liên quan. Ví dụ như: “Đức Maria sinh Đức Giêsu, người con đầu lòng” (x. Lc 2,7). Anh em Tin Lành tin Đức Giêsu được sinh ra bởi phép Chúa Thánh Thần, không có yếu tố của người nam (x. Is 7,14; Mt 1,23). Tuy nhiên, nếu Đức Giêsu là “con đầu lòng” thì chắc Đức Maria còn sinh nhiều người con thứ khác (x. website: tinlanh.com) không phải bởi phép Chúa Thánh Thần. Một đoạn văn khác: “Ông Giuse không ăn ở với bà (Maria), cho đến khi bà sinh một con trai, và ông đặt tên cho con trẻ là Giêsu” (Mt 1,25). Anh em Tin Lành tin rằng sau khi sinh Đức Giêsu thì Thánh Giuse ăn ở với bà Maria và sinh ra các người con khác (x. website: tinlanh.com). Như thế, cụm từ “anh chị em ruột” được Thánh Kinh ghi lại dường như xác nhận vấn nạn này.
Giải quyết vấn nạn này như thế nào?
Lời giải đáp hiện nay. Giáo hội Công giáo đã giải quyết vấn nạn này ở số 500 trong sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo như sau: “Hội Thánh vẫn luôn hiểu rằng những đoạn văn này không hề ám chỉ những người con khác của Đức Trinh Nữ Maria: ông Giacôbê và ông Giuse, anh em của Chúa Giêsu (Mt 13,55), thật ra là con của một bà Maria nào đó là môn đệ của Đức Kitô (x. Mt 27,56), bà này được cẩn thận phân biệt là “bà Maria khác” (Mt 28,4). Đây là những người anh em bà con họ hàng gần, theo như cách nói quen dùng trong Cựu Ước (x. St 13,8; 14,16; 29,15…)”.
Lời giải thích này có lẽ chưa thỏa đáng cho những người nghiên cứu Thánh Kinh trong nội bộ Giáo hội Công giáo, cũng như chưa thuyết phục được anh em Tin Lành. Lý do là vì Thánh Kinh thật sự dùng từ “anh chị em ruột” của Chúa Giêsu chứ không dùng từ khác và ta phải hiểu đúng “nghĩa văn tự” của từ đó trước khi tìm đến “nghĩa ẩn dụ, luân lý và nghĩa dẫn đường” (x. Sách Giáo Lý Hội Thánh Công giáo, số 117).
Hướng giải thích mới. Từ “anh chị em ruột” mà Tân Ước dùng là hoàn toàn chính xác, vì tất cả những ai liên kết với Đức Giêsu Kitô đều thật sự có quan hệ ruột thịt với Người, thành chi thể trong thân thể nhiệm mầu của Người.
Hơn nữa, Tân Ước không dùng từ “con một”, nhưng dùng từ “con đầu lòng” (Lc 2,7) vì muốn ám chỉ đến việc Chúa Giêsu là người con đầu tiên mà Chúa Cha và Mẹ Maria sinh ra trong đại gia đình của Thiên Chúa. Người là “Con một” của Chúa Cha (x. Ga 3,16.18) đã được ban cho ta, là “người Con duy nhất của Đức Maria” (x. GLHTCG, số 501), nhưng lại là con đầu lòng của Chúa Cha và Mẹ Maria, để nhờ Người mà toàn thể gia đình Thiên Chúa được quy tụ.
Nhờ mầu nhiệm nhập thể, Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người là Đức Giêsu, đón nhận thân xác như bất cứ con người nào. Như thế, Người đã trở nên anh em ruột thịt của họ, để dẫn đưa họ vào sự hiệp thông với Chúa Cha trong một gia đình duy nhất của Thiên Chúa. Trong Đức Giêsu Kitô, mọi người đều là anh chị em ruột thịt của nhau vì đều thuộc về một gia đình nhân loại duy nhất (x. GLHTCG, số 355-360). Vì thế, trong thánh lễ, cũng như trong các bản văn Thánh Kinh, chúng ta gọi nhau là “anh chị em” theo nghĩa ruột thịt, chứ không phải “anh chị em họ”.
Nhìn xa hơn, qua thân xác vật chất, Đức Giêsu còn liên kết với mọi loài thụ tạo trong vũ trụ để trở thành anh em ruột của muôn loài, trở thành anh cả của muôn loài (x. Rm 8,29). Người đã chết để cứu độ tất cả. Vũ trụ cảm nhận được ơn cứu độ đó nên bầu trời tối đen, mặt đất rúng động khi Đức Giêsu hấp hối, tắt thở cũng như khi Người sống lại (x. Mt 27,45,51-54; 28,2).
Xét về phương diện khoa học, căn cứ vào cấu trúc vật chất, chúng ta thật sự là anh chị em ruột thịt của nhau vì mọi người đang nhận khí oxy từ những cây xanh tỏa ra, đang ăn những bát cơm, miếng thịt, con cá, ngọn rau trong những bữa ăn hằng ngày. Chúng trở thành xương thịt, máu mủ của ta. Chất khí carbonic và cặn bã ta thải ra, qua sự chuyển hóa trong vũ trụ, lại trở thành xương thịt cho muôn loài thực vật, động vật quanh ta.
Nhà bác học Amedeo Avogadro (1776-1856) đã đưa ra số N = 6,022 x 1023 với nguyên lý nổi tiếng của ông: “Trong cùng một điều kiện nhiệt độ và áp suất, các khí khác nhau có cùng một thể tích, sẽ chứa cùng một số nguyên tử hay phân tử như nhau”. Nói một cách dễ hiểu: nếu ta lấy 16gr oxy ta thở hay lấy 18gr nước ta uống đếm trong máy tính điện tử, thì chúng có 6,02223 nguyên tử thật và phân tử thật. Nếu ta chia đều theo đầu người cho hơn 8 tỷ người đang sống trên thế giới, mỗi người sẽ nhận được khoảng 7.500 tỷ nguyên tử thật và phân tử thật của khí oxy và nước.
Từ con số này, ta suy thêm để thấy rằng Chúa Giêsu và Mẹ Maria, trong đời sống, đã thở hàng trăm triệu lít khí, đã ăn hàng chục ngàn tấn lương thực, đã uống hàng chục ngàn lít nước. Tất cả đều hòa trộn trong thế giới và vũ trụ này. Vì thế, trong thân thể của mỗi người đang có những nguyên tử, phân tử carbon, hydro, oxy, nitơ, sắt, đồng, chì, kẽm… đã từng ở trong thân thể của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Như vậy chúng ta thật sự là anh chị em ruột của nhau xét về lĩnh vực khoa học, chưa cần nói đến khía cạnh đức tin. Nếu phân tích bộ gen của giống người với khoảng 3 tỷ base của ADN ta lại càng xác tín mình là anh chị em của nhau trong đại gia đình nhân loại (x. Bs. Alice Robert, Atlas Giải phẫu Người, NXB Y Học, 2015, tr. 14-18).
***
Chúng ta vượt qua được vấn nạn đang chia rẽ niềm tin để xác tín mình là anh chị em ruột của Chúa Giêsu. Từ đó ta mới đối xử tốt với nhau và yêu mến nhau để xứng đáng với tình yêu của Chúa Cha và Mẹ Maria.
Linh mục Antôn Nguyễn Ngọc Sơn
Chi tiết
- Ngày: 11/07/2024
- Tác giả: Lm. Anmai