9 PHƯƠNG CÁCH ĐỂ LỚN LÊN TRONG ĐỨC TIN
Nội dung

 

Nếu bạn muốn củng cố đức tin của mình, thì không cần tìm đâu xa hơn những cách giúp đỡ hữu ích này:

Cố gắng đào sâu đức tin của bạn, đồng thời cố gắng chỉnh đốn lối sống tất bật, mà chúng ta có xu hướng mắc phải, là việc đôi khi hơi khó khăn và thậm chí hơi gây nản chí.

Vì vậy, để giúp bạn cố gắng và tập trung vào đức tin hơn một chút, đây là danh sách những việc cần làm mà bạn thực sự nên xem xét. Và hãy nhớ rằng, như với tất cả các danh sách các việc cần làm khác, có thể phải mất nhiều thời gian để hoàn thành mọi thứ, vì vậy đừng hoảng sợ nếu bạn không thể đạt được điều này nhanh chóng như mong muốn - hãy cứ bước tới!

 

  1. Đi lễ mỗi Chúa Nhật

Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng đôi khi có thể có một sự kiện ngăn cản bạn đến nhà thờ. Trọng tâm của việc thờ phượng Kitô giáo là lời kêu gọi tuân theo những Lời của Chúa Giêsu Kitô: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” (Lc 22:19). Và mỗi khi hy tế của Chúa Giêsu Kitô được dâng lên một lần nữa, chúng ta gặp lại hy tế tương tự mà Ngài đã dâng cách đây hơn 2000 năm, trái tim của chúng ta hướng về chính nguồn sự sống. Khi chúng ta sống hết một tuần lễ, chúng ta thấy dường như mình đã chạy theo các ngẫu tượng, những thụ tạo mà chúng ta tôn thờ thay vì Đấng Tạo Hóa, ví dụ như quyền lực, tiền bạc, thành công, danh tiếng hoặc những giây phút vui vẻ. Thánh Lễ hướng tâm hồn chúng ta trở về với Thiên Chúa và thánh hóa chúng ta qua việc rước Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu Kitô. Hãy chắc chắn rằng việc ưu tiên ngày Chúa Nhật của bạn là Thánh Lễ, và mọi thứ khác có thể sắp xếp sau đó.

 

  1. Xưng tội mỗi tháng một lần.

Nếu bạn muốn đức tin của mình lớn lên, bạn cần phải xưng tội thường xuyên. Hành động khiêm nhường vĩ đại này có thể đẩy lùi giới hạn sức mạnh của chúng ta, nhưng đây chính xác là nơi Chúa mong muốn thực hiện công việc vĩ đại nhất của Ngài, khi Ngài loại bỏ những gì không cần thiết. Xưng tội có thể giúp bạn gần gũi với Cha trên trời hơn, vì đây không chỉ là thú nhận tội lỗi mà còn là tìm kiếm lòng thương xót của Ngài, đón nhận lòng thương xót đó. Việc xưng tội nhắc nhở chúng ta rằng bất chấp tình trạng đau khổ và tội lỗi của chúng ta, chúng ta được yêu thương hoàn toàn và vô điều kiện. Bóng tối tội lỗi bị xua tan và mối tương quan của chúng ta với Chúa được phục hồi. Và sau đó, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhàng hơn một chút và sẵn sàng đón nhận tất cả những gì cuộc sống mang lại. Trong đời sống của Giáo Hội, các vị thánh thường trở lại với bí tích của lòng thương xót này.

 

  1. Cầu nguyện hàng ngày

Chúa Giêsu Kitô của chúng ta đã nhập thể để kéo chúng ta trở lại mối tương giao với Chúa Cha. Mối tương giao liên quan đến việc dành thời gian cho người khác. Cầu nguyện là cách dành thời gian ở với Chúa để yêu mến Đấng đã dựng nên chúng ta và chúng ta được yêu thương bởi Đấng luôn yêu thương con người. Khi chúng ta dành ít nhất 5 phút để cầu nguyện với Chúa mỗi ngày, cầu nguyện đích thực, chúng ta sẽ không ngừng khao khát Chúa nhiều hơn nữa. Chỉ cần bắt đầu rồi xem những gì sẽ xảy ra. Nếu bạn cảm thấy khó dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện, thì có nhiều cách để kết hợp những lời cầu nguyện vào cuộc sống hàng ngày của bạn mà bạn không sao nhãng những nhiệm vụ quan trọng khác. Ví dụ: nếu bạn đang tham gia giao thông, bạn vẫn có thể nâng tâm hồn lên với Chúa để cầu nguyện, chuyện vãn với Ngài. Ít ra, khi tham gia giao thông, bạn có thể cầu nguyện cho chuyến đi của bạn được bình an! Thật vậy, không gì có thể thay thế được thời gian dành cho Chúa mỗi ngày. Hãy cố gắng cầu nguyện, từng chút một.

 

  1. Đọc sách thiêng liêng

Chúng ta cần lấp đầy tâm trí mình bằng sự tốt lành của Chúa và bằng chứng tá của các thánh. Đọc sách thiêng liêng chỉ 10 phút mỗi ngày có thể làm nên điều kỳ diệu. Có rất nhiều sách rất hay cho những người Công Giáo. Bản thân Kinh Thánh là một sách hoàn toàn đặc biệt, đó là Lời của Thiên Chúa. Nhưng ngoài ra, có rất nhiều hình thức đọc sách thiêng liêng, từ sách Giáo Lý đến sách của các vị thánh có thể truyền cảm hứng cho bạn trong cuộc sống hàng ngày, và thậm chí cả những cuốn sách thể hiện tình yêu và lòng tốt.

 

  1. Thực hiện một hành động thương xót hàng ngày

Giáo Hội đã chỉ cho chúng ta những công việc bác ái về tinh thần và thể xác để đem lại sức sống cho chúng ta theo Lời Chúa để mọi người có thể nhận biết tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Thương người có mười bốn mối:

  • Thương xác bảy mối:

Thứ nhất: Cho kẻ đói ăn

Thứ hai: Cho kẻ khát uống

Thứ ba: Cho kẻ rách rưới ăn mặc

Thứ bốn: Viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc

Thứ năm: Cho khách đỗ nhà

Thứ sáu: Chuộc kẻ làm tôi

Thứ bảy: Chôn xác kẻ chết

 

  • Thương linh hồn bảy mối:

Thứ nhất: Lấy lời lành mà khuyên người

Thứ hai: Mở dậy kẻ mê muội

Thứ ba: Yên ủi kẻ âu lo

Thứ bốn: Răn bảo kẻ có tội

Thứ năm: Tha kẻ dể ta

Thứ sáu: Nhịn kẻ mất lòng ta

Thứ bảy: Cầu cho kẻ sống và kẻ chết

Khi chúng ta thực hiện các công việc thương xót, thì chính Chúa cũng bày tỏ lòng thương xót của Ngài đối với chúng ta và biến chúng ta thành hình ảnh của Chúa Giêsu Con Ngài. Có những hành vi thương xót phần xác, phần hồn mà bạn có thể dễ dàng thực hiện trong ngày của mình, không mất quá nhiều thời gian. Từ việc cố gắng tha thứ cho những người đã đối xử tệ với bạn, đến việc cho những người gặp khó khăn đôi chút thực phẩm.

 

  1. Đọc các bài đọc Thánh Lễ hàng ngày

Cách duy nhất để biết đường lối của Thiên Chúa là đặt mình vào thế giới của Kinh Thánh và đặc biệt nhất là bước đi với Chúa Kitô, để thấy mọi sự như Ngài thấy. Kinh Thánh biến đổi khả năng của chúng ta một cách độc đáo để nhìn thấy Chúa và biết cách bước theo và yêu mến Ngài. Điều này có thể khó khăn nếu bạn cảm thấy công việc ngập đầu ngập cổ và bị dồn ép về thời gian, nhưng nếu bạn cố gắng, thì đó là điều bạn có thể đạt được. Các bài đọc trong Thánh Lễ mỗi ngày đều có sẵn trên Internet và trên các ứng dụng.

 

  1. Hãy lần hạt Mân Côi

Mẹ Maria là Mẹ của chúng ta và khi chúng ta trải qua những niềm vui và khó khăn của cuộc đời, Mẹ đồng hành với chúng ta. Mẹ đã bước đi với Chúa Kitô trong suốt cuộc đời của mình. Mẹ là môn đệ hoàn hảo của Chúa Kitô. Mẹ cũng đã đi con đường của chúng ta và vẫn trung tín trong mọi sự. Nếu có ai có thể giúp chúng ta nhận biết về Con của Mẹ, thì chính là Mẹ. Kinh Mân Côi cho chúng ta một cái nhìn nội tâm về cuộc đời của Chúa Kitô qua tâm tình Mẹ Maria và khi chúng ta xin Mẹ chuyển cầu, Con của Mẹ ban cho chúng ta ân sủng mà chúng ta cần để trung thành theo Ngài với tư cách là môn đệ của Ngài. Dĩ nhiên cầu nguyện bằng Kinh Mân Côi có thể hơi tốn thời gian, nhưng bạn có thể bắt đầu bằng một chục kinh thôi. Sau đó, theo thời gian, hãy đọc nhiều hơn và hãy biết rằng trước khi bạn đạt được điều đó, thì bạn đã và đang đến với Đức Mẹ hàng ngày rồi.

 

  1. Bày tỏ lòng biết ơn

Bạn hãy tìm ra mỗi ngày ba điều để cám ơn Chúa. Tinh thần biết ơn giúp loại bỏ tâm hồn cay đắng và giúp chúng ta thấy rằng thực sự mọi sự đều là quà tặng của Chúa. Dù Chúa ban hay Chúa lấy đi, chúng ta phải chúc tụng danh Ngài. Tinh thần biết ơn cũng cho chúng ta thấy những gì Thiên Chúa mong muốn cho chúng ta. Bạn có thể giúp đỡ ai đó, trước hết bằng cách cầu nguyện cho người ấy. Trong cụ thể thì điều quan trọng là phải xem xét mọi thứ bạn có trước khi hành động. Bạn có thể thực hành lòng biết ơn hàng ngày, trong đó bạn xem xét tất cả những điều bạn cần phải tỏ lòng biết ơn trong ngày hôm đó. Bạn có thể viết chúng vào nhật ký, hoặc chỉ cần nghĩ về điều bạn cần phải tỏ lòng biết ơn trong lời cầu nguyện của mình. Một khi bạn trân trọng mọi thứ bạn đang có, chắc chắn bạn sẽ lớn lên trong đức tin.

 

  1. Tham gia cộng đoàn Công Giáo địa phương của bạn

Chúng ta cần cộng đoàn. Đó là lý do Chúa Giêsu chọn 12 Tông Đồ và khi sai họ đi, Ngài sai họ đi từng cặp một. Thật không tốt khi chúng ta ở một mình và càng không tốt khi một mình chúng ta cố gắng trở thành môn đệ trong một thế giới hiện đại sống rất trái ngược với Tin Mừng. Thật tuyệt vời khi được lớn lên trong đức tin với các thành viên khác trong giáo xứ hoặc cộng đoàn Công Giáo của bạn. Có rất nhiều cơ hội để phục vụ trong Giáo xứ của bạn. Nếu bạn không thể ra ngoài đi đây đi đó, bạn có thể tham gia các nhóm trực tuyến phù hợp với nhu cầu cụ thể của mình.

 

 

Phêrô Phạm Văn Trung

chuyển ngữ và tổng hợp từ

www.aleteia.org  và  www.amadorcatholic.com .

Chi tiết