10 lời khuyên của ĐTC Phanxicô cho các bạn trẻ
Nội dung

la-croix.com, Gilles Donada, 2023-07-02

 

Đức Phanxicô luôn khẳng định rõ ràng và mạnh mẽ lòng tin tưởng của ngài nơi giới trẻ, họ thường bị gạt ra ngoài lề xã hội và bị thử thách do tình trạng thất nghiệp và bạo lực. Ngài khuyên họ có trách nhiệm với cuộc sống của mình, dù phải bị xô đẩy.

Ngày Thế Giới Trẻ sẽ diễn ra ở Lisbon, Bồ Đào Nha từ ngày 1 đến  ngày 6 tháng 8-2023. Văn phòng các thiện nguyện viên PATRICIA DE MELO MOREIRA / AFP

 

1- “Các bạn trẻ, xin các bạn đi ngược dòng!”

“Xin các bạn đi ra khỏi các con đường mòn, xin các bạn đi ngược dòng, xin các bạn đặt vấn đề với những hành vi bất công, hãy là những nhà cách mạng”, đó là lời Đức Phanxicô thường xuyên nói với các bạn trẻ, ngài dùng thành ngữ quen thuộc của người Argentina “Hacer lío”. Ngài nói với họ trong bài giảng lễ Chúa Kitô Vua năm 2021: “Các bạn hãy tạo một mớ hỗn độn vì mớ hỗn độn của các bạn là kết quả các giấc mơ trong công việc của các bạn. Có nghĩa là chúng ta không muốn sống trong bóng đêm khi chúng ta đã để Chúa Giêsu là giấc mơ của đời mình, vui vẻ nhiệt tình ôm lấy Ngài để chúng ta cảm thấy dễ chịu.”

Năm 2019, ngài nói trong Ngày Thế Giới Trẻ ở Panama: “Làm hỗn độn nhưng hỗn độn mang tính xây dựng, một phiên chợ tình yêu.” Năm 2013, ngài nói ở Rio de Janeiro trong Ngày Thế Giới Trẻ: “Tôi muốn các bạn làm cho mình được lắng nghe trong các giáo phận, tôi muốn chúng ta đi ra ngoài, tôi muốn Giáo hội đi ra các con đường, tôi muốn chúng ta bảo vệ mình khỏi tất cả những gì là thế tục, bất động, khỏi những gì là tiện nghi, là chủ nghĩa giáo quyền, những thứ làm chúng ta tự nhốt mình.”

Ngài giao phó cho họ nhiệm vụ trở thành “những người cách mạng, những tông đồ truyền giáo, những sứ giả Tin Mừng của Chúa Giêsu, đặc biệt cho người đương thời và cho các bạn bè”. Ngài nhấn mạnh khi nói với các bạn trẻ đến gặp ngài ở nhà thờ chính tòa Rangoon (Miến Điện) năm 2017: “Các con đừng sợ tạo ra một mớ hỗn độn, các con hãy đặt những câu hỏi làm người khác phải suy nghĩ! Và đừng sợ, nếu đôi khi các con thấy mình ít ỏi và tản mác đây đó. Phúc âm luôn phát triển từ những gốc rễ nhỏ bé. Vì thế, các con hãy làm cho mình được lắng nghe! Cha xin các con hãy hét lên, không phải hét lên bằng giọng nói của các con, nhưng bằng chính cuộc sống của các con, bằng trái tim các con để các con là dấu chỉ hy vọng cho những ai đang ngã lòng, là bàn tay dang ra cho những ai bị bệnh, là nụ cười chào đón những ai xa lạ, chu đáo nâng đỡ cho những ai ở một mình.”

2- “Đừng nhầm lẫn hạnh phúc với chiếc đi-văng”

Đức Phanxicô không chịu đựng được khi thấy có một số bạn trẻ bị tê liệt vì tính thụ động và bị chủ nghĩa tiêu dùng lôi cuốn. Không nhân nhượng, ngài lay động họ. Nhưng thanh niên “ngái ngủ, choáng váng, ngây dại” này đang ở đâu? Trên đi-văng, nơi họ đắm mình; trên ban công, nơi họ quan sát cuộc sống từ xa; ngài tố cáo, họ có não trạng của những người về hưu non…

Ngài giải thích với các bạn trẻ trong Ngày Thế Giới Trẻ Krakow (Ba Lan) năm 2016: “Trong cuộc sống, có một tình trạng tê liệt còn nguy hiểm hơn và thường khó xác định, chúng ta phải trả một giá đắt mới nhận ra. Tôi muốn gọi đó là chứng tê liệt phát sinh khi chúng ta nhầm lẫn hạnh phúc với chiếc đi-văng. Đúng, để nghĩ rằng chúng ta hạnh phúc, chúng ta cần cần chiếc đi-văng êm ái thoải mái. Một chiếc đi-văng giúp chúng ta cảm thấy tiện nghi, yên bình, an toàn. Một chiếc đi-văng ở thời buổi hiện đại này có cả  mát-xa ngay cả khi ngủ, đảm bảo chúng ta có hàng giờ yên tĩnh, ru chúng ta vào game và ngồi hàng giờ trước máy vi tính. Một chiếc đi-văng để chống tất cả các loại đau đớn và sợ hãi. Một chiếc đi-văng nhốt chúng ta ở nhà mà không thấy mệt mỏi lo lắng. Đức Phanxicô dóng lên lời báo động: “Khi chúng ta chọn thoải mái, khi chúng ta nhầm lẫn giữa hạnh phúc và chủ nghĩa tiêu dùng, thì cái giá chúng ta phải trả quá đắt: chúng ta đánh mất tự do.”

3- “Để lại dấu ấn của mình trong thế giới này”

Ngài khẳng định, chúng ta không đến thế giới này để sống như “thực vật, như rau cỏ”, nhưng đến để để lại dấu ấn. Trong một video năm 2017, ngài nói với các bạn trẻ trên thế giới: “Các con có thể biến thế giới này thành một nơi tốt đẹp hơn, để lại dấu ấn đánh dấu lịch sử, lịch sử của các con và của nhiều người khác. Giáo hội và xã hội cần các con, cần tầm nhìn của các con về mọi thứ, lòng dũng cảm, ước mơ và lý tưởng của các con phá bỏ những bức tường bất động, mở ra các con đường dẫn chúng ta đến một thế giới tốt đẹp hơn, công bằng hơn, ít tàn ác hơn và nhân đạo hơn.”

Trước khi có thể để lại dấu ấn của mình trên thế giới, mỗi chúng ta được mời gọi để đón nhận dấu ấn của Chúa Giêsu trước. Đức Phanxicô nói vào cuối Ngày Giới Trẻ Á châu lần thứ 6, năm 2014: “Xin Chúa Kitô biến lạc quan tự nhiên của các con thành niềm hy vọng kitô, nghị lực các con thành nhân đức luân lý, thiện chí của các con thành tình yêu thương chân chính vị tha. Đó là con đường để thắng những gì đe dọa đến niềm hy vọng, nhân đức và tình yêu trong đời sống và trong văn hóa của các con.” Bằng cách này, tuổi trẻ của các con là món quà cho Chúa Giêsu và cho thế giới.”

4- “Các con đừng để niềm vui và tuổi trẻ của các con bị lấy mất”

Thế giới đang tìm cách để công cụ hóa giới trẻ, ngài phân tích: “Văn hóa ngày nay tạo mẫu hình lý tưởng là hình ảnh người trẻ. Cảm thấy mình đẹp với diện mạo trẻ trung, sửa làm sao để dấu vết thời gian biến mất. Ngài viết trong tông huấn Đức Kitô Sống, Christus vivit cho giới trẻ năm 2019 (§79): “Mẫu người đẹp là mẫu người trẻ, nhưng chúng ta cẩn thận, vì đó không phải là ca ngợi người trẻ. Điều đó chỉ có nghĩa, người lớn muốn dành lại tuổi trẻ cho họ, chứ không phải họ tôn trọng, yêu thương và quan tâm đến người trẻ.”

Đức Phanxicô van xin các bạn trẻ ở Colombia năm 2017: “Xin các con giữ niềm vui của các con luôn linh hoạt, đó là dấu chỉ của một trái tim trẻ trung, của một trái tim đã gặp Chúa. Và nếu các con tiếp tục sống trong niềm vui được ở với Chúa Giêsu, thì không ai có thể lấy niềm vui này ra khỏi các con (x. Ga 16, 22). Đừng để niềm vui bị mất, nhưng xin các con giữ niềm vui hiệp nhất này, ý thức mình được Chúa yêu thương. (…) Ngọn lửa tình yêu của Chúa Giêsu làm cho niềm vui này tràn ngập, và nó đủ để đốt cháy cả thế giới. Làm thế nào các con thay đổi được xã hội này và đó là những gì cha đề nghị với các con!”

Ngài mời gọi chúng ta đừng lầm lẫn trong viễn cảnh. Ngài nói trong thánh lễ bế mạc Ngày Thế Giới Trẻ Panama năm 2019: “Các bạn trẻ thân mến, các bạn không phải là tương lai. Người ta thường thích nói: ‘Các bạn là tương lai…’ Không, các con là hiện tại! Các con không phải là tương lai của Chúa: các con là giờ của Chúa. Ngài triệu tập các con, Ngài kêu gọi các con đến với cộng đồng, đến các thành phố của các con để đi tìm ông bà, những người lớn tuổi của các con; nói chuyện với họ và thực hiện giấc mơ mà Chúa đã mơ cho các con.”

5- “Hãy dám mơ lớn!”

Dám ước mơ là một điệp khúc khác của Đức Phanxicô khi ngài nói với các bạn trẻ. Năm 2017, ngài nói ở Colombia: “Các con đừng sợ tương lai! Các con hãy dám mơ lớn! Chính vì các giấc mơ vĩ đại này mà cha mời gọi các con hôm nay. Xin các con đừng giam mình trong ‘sự nhỏ bé’, đừng bay là đà dưới mặt đất, nhưng các con hãy bay cao và mơ lớn.”

Trong bài giảng lễ Chúa Kitô Vua năm 2021, ngài lặp lại: “Đó là lẽ sống với toàn xã hội. Chúng tôi tất cả, chúng tôi biết ơn các con khi các con mơ. Đúng vậy, là Giáo hội, chúng ta cũng cần ước mơ, cần nhiệt tình, hăng say của các bạn trẻ để trở thành chứng nhân của một Thiên Chúa luôn trẻ trung.”

Đâu là bản chất của những giấc mơ này? Đức Phanxicô viết trong thông điệp của ngài cho Ngày Thế Giới Trẻ năm 2020: “Đó là giấc mơ được đi trong quá trình tự hoàn thành. “Đứng dậy” còn có nghĩa là “ước mơ, là mạo hiểm, là dấn thân thay đổi thế giới”, vực dậy khát khao, chiêm ngưỡng bầu trời, những vì sao, thế giới xung quanh. Hãy trỗi dậy và trở thành chính con người của mình!”

Một thành tựu bản thân, không khép kín vào chính mình sẽ mang lại lợi ích cho toàn xã hội. Ngài nói tiếp: “Các bạn trẻ thân mến, đam mê và ước mơ của các bạn là gì? Xin các bạn làm cho nó xuất hiện, và qua giấc mơ, các bạn đề xuất với thế giới, với Giáo hội, với những người trẻ khác, một điều gì đó đẹp đẽ trong lãnh vực thiêng liêng, nghệ thuật và xã hội”.

Đó là một giấc mơ quảng đại. Một lần nữa, Đức Phanxicô lặp lại trong bài giảng lễ Chúa Kitô Vua năm 2021: “Cám ơn các bạn đã nuôi dưỡng giấc mơ về tình huynh đệ, vì đã quan tâm đến những vết thương của tạo vật, đã đấu tranh cho phẩm giá của những người yếu thế nhất và đã truyền bá tinh thần đoàn kết và chia sẻ.”

6- “Hãy có những lựa chọn táo bạo”

Để thực hiện, các giấc mơ phải trải qua những “quyết định cụ thể và những lựa chọn lớn”. Ngài viết trong thư gởi các bạn trẻ năm 2017: “Đừng sợ lắng nghe Thần Khí, Đấng gợi ý cho các con những chọn lựa táo bạo, các con đừng chần chừ khi lương tâm đòi hỏi các con hãy dám bước theo Thầy.”

Làm thế nào để thực hiện? Ngài nói trong buổi tiếp kiến chung ngày 23 tháng 2 năm 2022: “Các con bắt đầu bằng cách bỏ điện thoại thông minh xuống: Màn hình có thể vẫn sáng, nhưng cuộc sống sẽ tắt trước giờ!” Đức Phanxicô khuyên các bạn trẻ trong thông điệp Ngày Thế Giới Trẻ năm 2018: “Các con hãy mở rộng cánh cửa cuộc đời! Cha mong không gian và thời gian của các con sẽ có những con người cụ thể, những mối quan hệ sâu sắc, những người có thể chia sẻ kinh nghiệm chân thực và thực tế trong cuộc sống hàng ngày của các con.”

7- “Các con hãy luôn trò chuyện với Chúa Giêsu…”

Trong một thông điệp gởi qua video cho các bạn trẻ Canada năm 2017, Đức Phanxicô nhắn: “Các con hãy đến gặp Chúa Giêsu, ở với Ngài trong lời cầu nguyện, phó thác toàn bộ cuộc sống các con vào lòng thương xót của Ngài và cho đức tin của các con, đức tin của các con sẽ là bằng chứng sáng ngời về lòng quảng đại và niềm vui khi đi theo Ngài, bất cứ nơi nào Ngài dẫn dắt các con.” Thái độ đúng đắn là thái độ tự tin táo bạo. Đức Phanxicô nói trong Ngày Thế Giới Trẻ năm 2013 ở Rio de Janeiro: “Hãy luôn nói chuyện với Chúa Giêsu, khi thuận lợi cũng như lúc gian nan, khi các con làm điều tốt hay làm điều xấu. Các con đừng sợ Chúa! Và đó là lời cầu nguyện.”

8- “…và hãy quỳ gối để truyền giáo!»

Tháng 7 năm 2013, Đức Phanxicô nhấn mạnh với các chủng sinh và tập sinh: “Các con phải quỳ gối khi rao giảng Tin Mừng, có nghĩa là phải cầu nguyện. Việc rao giảng phải Tin Mừng được thực hiện trên đầu gối, các con phải luôn là những người biết cầu nguyện, nếu không có mối liên hệ thường xuyên với Thiên Chúa, thì sứ vụ sẽ trở thành một công việc. Nếu chúng ta nhìn vào Chúa Giêsu, chúng ta sẽ thấy, vào đêm trước mỗi sự kiện quan trọng, ngài lui về nơi thinh lặng cầu nguyện lâu dài và sốt sắng. Chúng ta hãy vun trồng chiều kích chiêm niệm, kể cả trong cơn lốc của những việc làm khẩn cấp và nặng nề nhất. Sứ mệnh càng kêu gọi các con đi đến những vùng ngoại vi hiện sinh thì trái tim các con càng phải kết hợp với trái tim của Chúa Kitô, một trái tim đầy lòng thương xót và tình yêu. Đó là bí mật của việc sinh hoa trái mục vụ, của sự phong phú của người môn đệ Chúa.”

Trong buổi canh thức cầu nguyện để chuẩn bị cho Ngày Thế Giới Trẻ năm 2017 ở Colombia, Đức Phanxicô nói: “Khi suy niệm Tin Mừng, chúng ta thấy Đức Mẹ ‘háo hức’ đi thăm người chị họ, thế giới ngày nay cần những người trẻ hăng hái tiến lên, không bao giờ mệt mỏi vì hăng hái; các người trẻ có ơn gọi này nhận thức cuộc sống trao cho họ một sứ mệnh. Thế giới chỉ có thể thay đổi nếu các bạn trẻ lên đường.”

Nhưng làm thế nào để đến với những người đã xa Giáo hội? Trong một buổi suy niệm năm 2016, Đức Phanxicô cảnh báo: “Việc quan trọng là nói với họ một cái gì. Bắt đầu bằng việc làm, họ thấy những gì các con làm, họ sẽ đặt câu hỏi, khi đó các con sẽ trả lời cho họ. Tóm lại, truyền giáo là làm chứng: ‘Tôi đã sống như thế vì tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô; tôi đánh thức để bạn tò mò hỏi vì sao tôi làm những việc này?’. Và câu trả lời của người tín hữu kitô phải là: vì tôi tin vào Chúa Giêsu Kitô và tôi loan báo Chúa Giêsu Kitô không chỉ bằng Lời – Người phải được loan báo bằng Lời – nhưng trên hết bằng cuộc sống của tôi.”

9- “Hãy là sứ giả của hòa bình”

Một trong những cuộc đấu tranh ưu tiên của Đức Phanxicô là đấu tranh cho hòa bình. Năm 2022, ngài xin các bạn trẻ công giáo Bỉ: “Như chúng con đã biết, chúng ta đang trải qua thời kỳ khó khăn, nhân loại đang gặp nguy hiểm lớn. Chúng ta đang ở trong tình trạng nguy hiểm nghiêm trọng. Các con sống với khó khăn này chung quanh các con và trong lòng các con. Vì thế các con hãy là sứ giả của hòa bình, để thế giới chúng ta tìm lại vẻ đẹp của tình yêu, của chung sống, của tình huynh đệ, của tình liên đới.”

Ngài viết trong tông huấn Đức Kitô Sống năm 2019: “Đấu tranh cho hòa bình phải là một dấn thân cụ thể, dựa trên đức tin để xây dựng một xã hội mới, là sống giữa thế giới và giữa xã hội, để tạo hòa bình, chung sống, công lý, nhân quyền, lòng thương xót, và từ đó mở rộng Nước Chúa trên thế giới.

Ngài nói với các bạn trẻ trong Ngày Thế Giới Trẻ ở Rio de Janeiro năm 2013: “Đặt Chúa ở trọng tâm đời mình, đón nhận Ngài bằng đức tin sẽ tạo nên một cuộc cách mạng Copernicus chưa từng có. Đức tin làm chúng ta đắm chìm trong tình yêu của Chúa, tình yêu mang lại an toàn, sức mạnh và hy vọng. Khi Thiên Chúa hiện diện ở đó, thì tâm hồn chúng ta có bình an, dịu dàng, nhẹ nhàng, can đảm, thanh thản và hân hoan, đó là hoa trái của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5, 22). Khi đó bắt đầu một cuộc hoán chuyển nội tâm. Cách suy nghĩ và hành động của chúng ta được đổi mới, nó trở thành cách suy nghĩ và hành động của Chúa Giêsu, của Thiên Chúa. các con thân mến, đức tin mang tính cách mạng và hôm nay cha xin hỏi mỗi các con: các con đã sẵn sàng chưa, các con đã sẵn sàng bước vào làn sóng cách mạng của đức tin chưa? Chỉ khi bước vào đó, cuộc sống của các con mới có ý nghĩa và và từ đó sẽ đơm hoa kết trái!”

10- “Tìm về cội nguồn: lắng nghe lời khôn ngoan của người lớn tuổi”

Đức Phanxicô kêu gọi các bạn trẻ xây dựng lại mối liên kết giữa các thế hệ, đang bị loại ‘văn hóa bác bỏ và văn hóa năng suất’ tấn công. Tháng 2 năm 2022, ngài nói trong bài giáo lý về tuổi già: “Tuổi trẻ rất đẹp, nhưng muốn làm cho tuổi trẻ kéo dài mãi mãi sẽ là một ảo giác rất nguy hiểm. Tuổi già cũng quan trọng và cũng đẹp như tuổi trẻ. Kết hợp các thế hệ, khôi phục tất cả các giai đoạn cuộc đời là món quà đã mất của chúng ta và chúng ta phải lấy lại.”

Đức Phanxicô nói với các bạn trẻ Bỉ tháng 10 năm 2022: “Chúng con đến gần với người lớn tuổi để trở về với cội nguồn minh triết. Chúng con hãy để lời khuyên và lời chứng của những người lớn tuổi soi sáng, hãy đối thoại với cội nguồn, với những người lớn tuổi, với những người đi trước và như thế chúng ta, tiến về phía trước… Đó là cách phát triển dưới cái nhìn nhân từ và chu đáo của người lớn tuổi, để chúng ta rèn luyện một nhân cách vững chắc cho những đấu tranh hàng ngày và hơn nữa, người lớn tuổi truyền cho chúng ta đức tin và xác tín tôn giáo của họ.”

Đức Phanxicô nói trong một buổi tiếp kiến chung tháng 3 năm 2015: “Đối diện với việc người lớn tuổi bị từ chối, bị gạt ra bên lề, tôi mơ một Giáo hội thách thức được với nền văn hóa vứt bỏ, một Giáo hội có được niềm vui tràn trề của một vòng ôm mới giữa người trẻ và người lớn tuổi, và đây là điều hôm nay tôi xin Chúa, tôi xin có được vòng ôm này.”

Marta An Nguyễn dịch

Chi tiết