Kinh nguyện trong đời sống người cao tuổi Công giáo
Nội dung

Kinh nguyện trong đời sống người cao tuổi Công giáo

    “Cùng với vấn đề di cư, tuổi già là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà gia đình nhân loại được mời gọi đương đầu lúc này”. Đó là nhận định của Đức Giáo Hoàng Phanxicô ở bài đầu tiên trong loạt bài giáo lý về ý nghĩa và giá trị của tuổi già được nhìn nhận dưới ánh sáng Lời Chúa[1]. Thật vậy, tình trạng già hoá dân số đang diễn ra nhanh chóng ở hầu hết các khu vực trên thế giới hiện nay cùng với những biểu hiện của nền văn hoá muốn loại bỏ người cao tuổi đang đặt ra nhiều thách đố cho Giáo Hội và cả xã hội. Thực tế đó đòi hỏi mọi thành phần trong Giáo Hội cần nghiêm túc nhìn nhận và tôn trọng phẩm giá cũng như sứ mạng của những công dân cao niên (senior citizen) này.

    nguoicaotuoi1

    Trong buổi tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 11/3/2015 tại quảng trường thánh Phêrô, vị đại diện của Chúa Kitô đã từng khẳng định: “Thật sự xã hội có xu hướng gạt bỏ người già, nhưng Thiên Chúa thì không. Chúa không bao giờ gạt bỏ người già. Ngài mời gọi chúng ta theo Ngài ở mọi lứa tuổi của đời sống, và tuổi già cũng chất chứa một ân sủng và một sứ mạng, một ơn gọi đích thực của Chúa. Tuổi già là một ơn gọi. Đó chưa phải là lúc “tạm nghỉ tay chèo” […] Lời cầu nguyện của ông bà và người già là một ân ban tuyệt vời cho Giáo Hội; thật là phong phú! Đó là sự truyền đạt lớn lao về khôn ngoan cho toàn thể xã hội loài người, nhất là đối với xã hội quá bận rộn, quá nắm bắt, quá phân tâm”[2].

    Quả thực, lời cầu nguyện là “khí cụ có giá trị nhất” mà người cao tuổi có thể sử dụng và “phù hợp nhất” với độ tuổi của họ. Trong nếp sống hằng ngày của người cao tuổi Công giáo, kinh nguyện chiếm một vị trí rất quan trọng. Đời sống cầu nguyện không chỉ làm sinh động tháng ngày tuổi già mà còn là cách thế để những người cao tuổi có thể đóng góp hữu hiệu vào công cuộc loan báo Tin Mừng. Cùng với đó, mẫu gương cầu nguyện của những người cao tuổi cũng góp phần vào việc giáo dục và thông truyền đức tin cho các thế hệ trẻ.

    1. Đời sống cầu nguyện làm sinh động tháng ngày tuổi già

    Tin Mừng theo thánh Luca cung cấp một điển hình “trong tuổi già, vẫn sinh hoa kết trái” (x. Tv 92,15) bằng đời sống cầu nguyện: “Lại cũng có một ngôn sứ tên là Anna, con ông Pơnuên, thuộc chi tộc Ase. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa” (Lc 2,36-37). Cụ bà Anna, 84 tuổi, đã biết bí quyết làm cho cuộc đời của cụ đem lại nhiều hoa trái cho Thiên Chúa và nhân loại: cầu nguyện và hy sinh. Thay vì uổng phí thời gian với những sự thể ở thế gian này, bà ở lại trong Đền Thờ để ăn chay cầu nguyện, sớm hôm phụng thờ Thiên Chúa. Và bà đã được hưởng niềm vui nhìn thấy Chúa Giêsu (x. Lc 2,38).

    George Granville nói: “Tuổi trẻ là mùa của yêu thương, tuổi già là mùa của đạo đức”. Điều này thật đúng, vì ông bà và những người cao tuổi có nhiều thời giờ và hoàn cảnh thuận tiện để cầu nguyện, để suy nghĩ sâu xa hơn và hành động với cái nhìn có nhiều tính cách luân lý hơn. Với nhiều người già, Thánh lễ hằng ngày là trung tâm của đời sống tinh thần và là cơ hội để gặp gỡ và làm bạn với nhiều người cùng lứa tuổi. Nhiều vị cũng biết cầu nguyện dưới hình thức suy gẫm mà lời nói không còn cần thiết nữa, chỉ còn im lặng bình tâm lắng nghe tiếng Chúa. Sự giảm yếu của các giác quan cũng có thể xảy ra trong tuổi già thường được coi là tiêu cực, nhưng đôi khi đó lại hữu ích cho việc suy gẫm[3].

    Có người hơi bi quan cho rằng: những người già không đi lại được nữa, chỉ còn có “ba chờ”: chờ người đến thăm, chờ bữa ăn và chờ chết… Không hẳn như thế! Những người cao tuổi vẫn có thể là những chủ thể hoạt động tích cực trong sự hiện hữu của mình bằng đời sống cầu nguyện. Bởi lẽ, ở vào tuổi sắp về Trời, người già càng cảm nhận mãnh liệt hơn ơn Trời luôn tuôn đổ phủ kín cuộc đời họ. Từ tâm tình tri ân, người già làm sinh động tháng ngày già bằng cầu nguyện. Cứ nhìn các cụ thầm thĩ cầu nguyện, tay mân mê tràng hạt, mắt nhắm nghiền sốt sắng cầu kinh, ta sẽ thấy tâm tình tôn giáo là nhân tố quan trọng làm cho tuổi già được quân bình, tự tại[4].

    nguoicaotuoi2

    Quả thế, lời cầu nguyện làm mới lại trong lòng người cao tuổi lời hứa về sự trung tín và phúc lành của Thiên Chúa. Người cao tuổi tái khám phá lời cầu nguyện và làm chứng cho sức mạnh của lời cầu nguyện[5]. Nhờ kinh nguyện, người già phá vỡ vòng cách ly, bước ra khỏi tình trạng bất lực, và chia sẻ niềm vui cũng như âu sầu của người khác. Kinh nguyện có tầm quan trọng chủ yếu trong đời sống người cao niên, vì nó liên can tới cách thức để người già có thể trở thành nhà chiêm niệm. Một người già bị liệt giường và bị kiệt sức, nhờ kinh nguyện, có thể nên giống một đan sĩ hay một ẩn sĩ, và nhờ kinh nguyện mà ông hay bà già có thể ôm ấp tất cả thế giới vào lòng[6]. Ngoài ra, lời cầu nguyện còn giúp những người cao tuổi không ngừng được tẩy sạch tâm hồn, tìm kiếm sự bình an, thanh thản để chuẩn bị cho việc gặp gỡ Thiên Chúa diện đối diện.

    2. Lời kinh nguyện góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng

    Nếu như tuổi già có ơn gọi sống kinh nguyện thì cũng không quá lời khi khẳng định rằng lời kinh nguyện là sức mạnh của tuổi già, là sự sống của họ[7], và cũng là một đóng góp đáng kể của người cao tuổi cho Giáo Hội và thế giới. Vì thế cũng không có gì là lạ khi các thánh ca Tin Mừng mà Giáo Hội cất lên hằng ngày vào các giờ kinh Sáng và kinh Tối là của những người cao tuổi. Đó là bài ca “Chúc tụng Đức Chúa” (Benedictus) của ông Dacaria (x. Lc 1,68-79) và bài ca “Muôn lạy Chúa” (Nunc dimittis) của cụ già Simêon (x. Lc 2,29-32).

    Đức Thánh Cha Phanxicô thường xuyên lặp lại với những người cao tuổi rằng: “không có tuổi nghỉ hưu để khỏi loan báo Tin Mừng và chuyển trao các truyền thống cho con cháu”[8]. Theo nhãn quan Kinh Thánh, các cụ ông cụ bà cao niên đã trở nên người loan báo Tin Mừng ơn cứu độ, qua việc họ thuật lại cho con cháu những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện trong cuộc đời mình (x. Tv 44,2). Không chỉ với đời sống chứng tá, người cao tuổi còn có thể góp phần mình vào công cuộc truyền giáo bằng lời cầu nguyện chân thành và liên lỷ.

    Các vị chủ chăn trong Giáo Hội luôn đánh giá cao giá trị lời kinh nguyện của người cao tuổi trong đời sống Giáo Hội, cách riêng là cho sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Đức cố Giáo Hoàng Bênêđictô XVI (1928-2023), một vị cao niên thánh thiện vẫn tiếp tục cầu nguyện và làm việc cho Giáo Hội, sau khi từ nhiệm đã từng nói: “Lời cầu nguyện của người cao tuổi có thể bảo vệ thế giới, giúp ích cho thế giới có lẽ hữu hiệu hơn hoạt động tất bật của nhiều người”[9]. Đức Giáo Hoàng đương nhiệm cũng khẳng định: Những lời cầu nguyện của các ông bà và những vị cao niên là một món quà tuyệt vời cho Giáo Hội. Chúng ta cần những người già cầu nguyện vì tuổi già được ban cho chúng ta chính là để làm việc này[10].

    nguoicaotuoi3

    Khi nhìn thấy đồng lúa bao la đã chín vàng mà thiếu thợ gặt, Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ cầu nguyện “xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9,38). Vì thế, cầu nguyện cho việc truyền giáo là công việc hàng đầu mà mọi người, cách riêng là những người cao tuổi cần thực hiện. Trước hết, cầu nguyện xin Chúa ban cho có nhiều trái tim quảng đại ra đi loan báo Tin Mừng, có nhiều tâm hồn thiện chí dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội. Thứ đến, cầu nguyện để xin ơn Chúa biến đổi con người, để họ biết mở lòng đón nhận Thiên Chúa và thực thi giáo huấn của Ngài. Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn gợi ý[11]: Khi cầu nguyện, các bậc cao niên có thể cảm tạ Chúa vì những ơn ích đã lãnh nhận và lấp đầy khoảng trống của sự vô ơn vây quanh Ngài; có thể cầu bầu cho những mong chờ của thế hệ mới và trao phẩm giá cho ký ức và hy sinh của các thế hệ đã qua; có thể nhắc nhở những người trẻ đầy tham vọng rằng một đời sống không có tình yêu là một đời sống khô cằn…

    3. Mẫu gương trong việc giáo dục và thông truyền đức tin

    Huấn thị Phẩm giá và sứ mạng của người cao niên trong Giáo Hội và thế giới của Hội đồng Giáo hoàng đặc trách Giáo dân (nay là Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống) đã khẳng định như sau: “Bằng lời nói và kinh nguyện, cũng như bằng sự bỏ mình và những đau khổ mà tuổi già gánh chịu, người già luôn là những chứng nhân hùng hồn và những người truyền thông đức tin trong các cộng đoàn Kitô hữu và các gia đình”. Ở điểm này, những người cao tuổi được ví như những “giáo lý viên tự nhiên” trong các gia đình Công giáo. Họ là chứng tá của truyền thống đức tin, thày dạy về cuộc đời, người kiến tạo đức ái[12].

    Thật vậy, sự có mặt của những người cao tuổi trong các gia đình có thể mang giá trị rất lớn. Người cao tuổi chính là một trường đời quan trọng, có thể truyền đạt nhiều giá trị và truyền thống, có thể tạo điều kiện cho các thế hệ trẻ phát triển[13]. Hình ảnh những người ông người bà trong gia đình, những người cao niên trong cộng đoàn giáo xứ sốt sắng tham dự phụng vụ, siêng năng cầu nguyện, nêu gương sáng trong đời sống đạo đức chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng rất tích cực và sâu đậm trên hành trình đức tin của lũ cháu đàn con. Như thế, lời kinh nguyện không chỉ làm phong phú tuổi già mà còn làm cho tuổi già trổ sinh hoa trái.

    Sống trọn vẹn tuổi già hay để tuổi già thực sự có ý nghĩa, thì những người cao tuổi không chỉ mong muốn “sống vui - sống khoẻ - sống có ích” mà họ còn được mời gọi “sống nên thánh”. Nơi người cao tuổi chất chứa một kho tàng phong phú về kinh nghiệm cuộc sống với đôi bàn tay lấm lem bao cực nhọc mưu sinh; đôi bàn chân đã đi qua bao ngả đường thế gian; đôi mắt chứng kiến bao tình cảnh cuộc sống buồn vui; đôi tai từng nghe bao chuyện đời nhân tình thế thái. Tất cả những điểm ấy mà cộng thêm sự “già dặn thiêng liêng” thì đáng quý biết mấy. Cầu nguyện là phương tiện chủ yếu trong sự hiểu biết về tâm linh và cuộc sống của người già. Vì thế, “linh đạo tuổi già” cần được bén rễ sâu trong cầu nguyện.

    Trong Giáo Hội không thiếu những người đã nên thánh trong tuổi già của mình và trở nên mẫu gương cho những người khác trong cộng đoàn, cách đặc biệt là cho các thành viên trong gia đình. Chính mẫu mực trong cách cư xử cùng với đời sống cầu nguyện thâm sâu làm cho những người cao tuổi trở nên phong phú về nhân bản và tâm linh. Có kinh nghiệm về Thiên Chúa và kinh nghiệm với Thiên Chúa thì người ta mới có thể chia sẻ cho người khác về Thiên Chúa cách xác tín. Cũng vậy, chính nhờ có kinh nghiệm sâu xa về tình yêu và sự chăm sóc của Thiên Chúa dành cho mình mà người cao niên mới có thể truyền thông cho các thế hệ sau mình một đức tin chân thực và sống động.

    Kết luận

    Trong tài liệu “Tuổi già: tương lai của chúng ta - Tình cảnh của người già sau đại dịch” do Hàn Lâm viện Toà Thánh về Sự sống công bố hôm thứ Ba, ngày 09/02/2021, có đoạn viết: “Tuổi già là một hồng ân của Thiên Chúa và một nguồn lực to lớn, một thành tựu cần được bảo vệ cách cẩn thận, ngay cả khi căn bệnh trở nên không thể chữa trị và cần phải được chăm sóc cách đặc biệt. Và không thể phủ nhận rằng sự phong phú của tuổi già là một kho báu cần được trân trọng và bảo vệ”[14]. Tiến sĩ Robert J. Furey, tác giả cuốn So, I am not perfect còn khẳng định cách mạnh mẽ hơn: “Nguồn tài nguyên chưa khai thác lớn nhất trên thế giới này là những bậc cao niên của chúng ta”[15]. Và một trong những kho báu quý giá nơi người cao tuổi chính là lời cầu nguyện.

    nguoicaotuoi4

    Nếu như truyền giáo là bản chất của Giáo Hội[16], là sứ vụ chính yếu của mỗi Kitô hữu thì đó cũng là bổn phận lớn nhất của người cao tuổi đang hiện diện trong lòng Giáo Hội. Ngoài việc sống chứng nhân và dấn thân trong các hoạt động tông đồ phù hợp với lứa tuổi của mình, những người cao tuổi có thể và cần đóng góp tích cực vào công cuộc truyền giáo qua chính đời sống kinh nguyện. Tuổi già thì không còn nhiều sức khoẻ, sự hăng hái và sáng tạo nhưng họ hoàn toàn có thể trở thành những “thi sĩ của cầu nguyện”[17], tha thiết khẩn nài ơn cứu độ cho chính mình và tha nhân. Nói cách khác, cầu nguyện là một sự phục vụ và là sứ vụ mà người cao tuổi thực hiện cho sự thiện hảo của toàn Giáo Hội và thế giới.

    Xin được kết thúc với những lời của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong Tâm thư gửi giới cao niên (01/10/1999): “Cộng đồng Kitô giáo có thể tiếp nhận nhiều từ sự hiện diện bình thản của người già […] Giáo Hội còn cần đến các bạn. Giáo Hội biết ơn sự phục vụ mà các bạn mong muốn cống hiến trong nhiều lĩnh vực của đời sống tông đồ; Giáo Hội cần đến sự hỗ trợ của lời cầu nguyện lâu giờ hơn của các bạn; Giáo Hội cần những lời khuyên nhờ vào kinh nghiệm sống của các bạn; và Giáo Hội được trở nên phong phú nhờ đời sống chứng nhân Tin Mừng mỗi ngày của các bạn” (số 12-13).

    [1] Đức Giáo Hoàng Phanxicô trình bày 18 bài giáo lý về chủ đề “người già” trong các buổi tiếp kiến chung sáng thứ Tư hàng tuần, từ tháng 02 đến tháng 8 năm 2022.
    [2] Phanxicô, Loạt bài giáo lý về gia đình - Bài 7: Lời cầu nguyện của người già là ân ban cho Giáo hội và xã hội, Buổi tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 11/3/2015.
    [3] x. Thư mục vụ cho những người Công giáo cao niên của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, trích lại theo: Đinh Lập Liễm, Như cây quế trên non, theo: https://www.simonhoadalat.com/suyniem/BaiGiang/TinhTam/07LeNguoiCaoTuoi.htm
    [4] x. Vũ Văn Thiên, Nên thánh đối với người cao tuổi - Đề tài tháng 3 năm 2020, theo WGPHN (01/3/2020): https://www.tonggiaophanhanoi.org/nen-thanh-doi-voi-nguoi-cao-tuoi-de-tai-thang-3-nam-2020/; x. Jorathe Nắng Tím, Tuổi già, Nxb Phương Đông, TP. Hồ Chí Minh 2024, tr. 38.
    [5] x. Phanxicô, Loạt bài giáo lý về ý nghĩa và giá trị của tuổi già - Bài 12: “Xin đừng bỏ rơi con khi sức lực suy tàn” (Tv 71,9), Buổi tiếp kiến chung ngày 01/6/2022.
    [6] x. Hội Đồng Giáo hoàng Đặc trách Giáo Dân, Huấn thị Phẩm giá và sứ mạng của người cao niên trong Giáo Hội và thế giới (01/10/1998), II.
    [7] x. Hội Đồng Giáo hoàng Đặc trách Giáo Dân, Huấn thị Phẩm giá và sứ mạng của người cao niên trong Giáo Hội và thế giới (01/10/1998), II.
    [8] Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ II (năm 2022).
    [9] Bênêđictô XVI, Thăm viếng Nhà Hưu dưỡng “Hoan hô Người già”, ngày 02/11/2012, theo: https://www.vatican.va/viva-anziani.html; trích lại theo: Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ I (năm 2021).
    [10] x. Phanxicô, Loạt bài giáo lý về gia đình - Bài 7: Lời cầu nguyện của người già là ân ban cho Giáo hội và xã hội, Buổi tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 11/3/2015.
    [11] x. Phanxicô, Loạt bài giáo lý về gia đình - Bài 7: Lời cầu nguyện của người già là ân ban cho Giáo hội và xã hội, Buổi tiếp kiến chung thứ Tư, ngày 11/3/2015.
    [12] x. Bộ Giáo Sĩ, Hướng dẫn tổng quát về việc dạy giáo lý (15/8/1997), số 188.
    [13] x. Hội Đồng Giáo Hoàng Về Công Lý Và Hoà Bình, Tóm lược Học thuyết xã hội của Giáo Hội Công giáo (29/6/2004), số 222.
    [14] x. Hàn Lâm viện Tòa Thánh về Sự sống: Người già là một hồng ân của Thiên Chúa, theo Ngọc Yến - Vatican News (09/02/2021): https://www.vaticannews.va/vi/vatican-city/news/2021-02/han-lam-vien-toa-thanh-su-song-nguoi-gia-hong-an-chua.html
    [15] Robert J. Furey, Vì tôi không hoàn hảo, Lm. Monfort Phạm Quốc Huyên, O.Cist. chuyển ngữ, Nxb Hồng Đức, Hà Nội 2021, tr. 79.
    [16] x. Công Đồng Vaticanô II, Sắc lệnh Ad gentes (07/12/1965), số 2: Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est.
    [17] x. Phanxicô, Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Ông bà và Người cao tuổi lần thứ II (năm 2022).

     Xuân Giang

    Nguồn tin: ĐẠI CHỦNG VIỆN BÙI CHU, Tập san Ra Khơi số 31, tr. 19-28

    Chi tiết