Phép rửa mang tính biểu tượng hôn phối
Nội dung
Phép rửa mang tính biểu tượng hôn phối
1. Bước ra ánh sáng và mặc lấy con người mới
Nhờ Bí tích Thánh tẩy, thụ tẩy nhận được đức tin vào Chúa Giêsu, do đó, họ từ nơi tối tăm bước ra ánh sáng, được sinh ra bởi chính Đấng là Sự Sống và bước đi trong ánh sáng. Sau khi từ bỏ con người cũ và y phục cũ, người vừa được thanh tẩy mặc lấy một thực tại mới, y phục mới của các thánh, được rửa bằng máu của Con Chiên và được thanh tẩy bằng Thánh Thần.
Qua phép rửa, người ta đồng thời nhận được ơn tái sinh và soi sáng; thanh tẩy và mặc y phục mới. Vì thế, Thánh Phaolô gọi đó là “bể tái sinh λουτροῦ παλιγγενεσίας” (Tt 3,5): Phép rửa tái sinh ngay lúc thanh tẩy vì thanh tẩy là một hành vi tái sinh. Được rửa trong phép rửa của Đức Kitô, người ta trở nên con cái Chúa Cha trong Chúa Con và trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, kêu lên: Abbà, Cha ơi!
“Nhờ thừa tác vụ của linh mục, bể nước thanh tẩy sinh ra thân xác hữu hình của chúng ta một cách hữu hình. Còn Thần Khí của Thiên Chúa, mà không trí tuệ nào thấy được, thì nhận chìm chúng ta trong chính Người, và tái sinh cả xác lẫn hồn chúng ta cách thiêng liêng, nhờ thừa tác vụ của thiên thần” [1].
Nhờ nước tái sinh, chúng ta “lột bỏ con người tội lỗi” (Cl 2,11), loại bỏ mọi thứ bụi bặm, hôi thối, bẩn thỉu, đồng thời thoát ra khỏi sự hư nát và bóng tối để hưởng sự trong sạch tâm hồn, hướng tới ánh sáng của sự phục sinh, thoát khỏi giam cầm và nặng nề của sự dơ dáy để hướng tới tự do và thanh thoát. Nhờ bể tái sinh, con người lột bỏ xác thịt, cởi bỏ thói tục là tội lỗi, chết đi cho con người cũ và sống đời sống mới: “vì anh em đã cởi bỏ con người cũ với những hành vi của nó rồi, và anh em đã mặc lấy con người mới” (Cl 3,9-10).
Cuối cùng, nhờ phép rửa, chúng ta không chỉ được thanh tẩy và giải thoát khỏi bộ áo cũ kỹ của con người tội lỗi/chết chóc, mà còn trở nên sáng ngời vì được khoác lên chiếc áo trắng mới. Tiến trình này được thể hiện một cách tuyệt vời thông qua tính biểu tượng đa dạng, năng động và phong phú của nước với các chiều kích vũ trụ luận, nhân học và lịch sử. Từ nước khởi nguyên đến nước thánh tẩy; từ việc một đứa trẻ trong lòng mẹ (nước vỡ ra để đứa trẻ chào đời) đến nước tái sinh; rồi từ việc được nuôi dưỡng bằng sữa chuyển sang thức ăn đặc, đó chính là bữa tiệc Thánh Thể.
2. Nước nguyên thuỷ và sự sáng tạo
Việc sinh ra “bởi nước” hợp nhất vũ trụ và con người: sự sống đến từ nước và trong nước; vũ trụ được sinh ra từ nước và con người cũng được sinh ra từ nước. Tuy nhiên, con người mới trong Chúa Kitô lại được sinh ra trong nước thánh tẩy, biểu tượng của nước nguyên thuỷ và người mẹ: sinh ra bởi nước và Thánh Thần. Khi đề cập đến nguồn gốc của vũ trụ, Thánh Kinh bắt đầu bằng một cảnh “huyền diệu” rất ấn tượng và từ thời điểm này, sự sống của vũ trụ bắt đầu: nó nổi lên từ nước dưới quyền năng của Thần Khí Chúa:
“Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.
Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng,
bóng tối bao trùm vực thẳm,
và thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1-2).
Từ rất sớm, các giáo phụ đã thiết lập mối liên hệ giữa phép rửa với nước khởi nguyên. Tertullianô trong tác phẩm De Baptismo có lẽ là người đầu tiên nhận ra mối liên hệ này, bởi vì nó được thực hiện nhờ chính phép rửa của Chúa Kitô tại sông Giorđan. Sự kiện này khởi đầu và báo trước sự sáng tạo mới và sự tái sinh của một nhân loại mới. Nhờ việc sinh ra trong Chúa Kitô và hiến dâng cho Chúa Thánh Thần, con người có thể trở thành con cái Thiên Chúa, được gọi Chúa là Cha. Thần Khí bay lượn trên mặt nước khởi nguyên, nay ngự xuống trên Chúa Kitô tại sông Giorđan và trên những ai được rửa tội trong Chúa Kitô.
“Ba Ngôi bất khả phân chia và không thể diễn tả, từ cõi đời đời đã thấy sự yếu đuối mỏng manh của loài người. Ngài đã tạo ra một thứ chất ẩm, từ chỗ hư không, để làm phương dược chữa bệnh cho con người và việc chữa trị ấy có được là nhờ nước. Vì vậy, khi Chúa Thánh Thần hành động trên mặt nước, rõ ràng là từ lúc đó Ngài đã thánh hoá nước và ban cho nước quyền năng ban sự sống và sinh hoa kết quả”[2].
Dòng nước được Chúa Thánh Thần thánh hoá để dùng trong phép rửa cũng là dòng nước của Giáo Hội/người Mẹ phát sinh sự sống mới nơi người được rửa tội. Thực ra, dòng nước nguyên thuỷ mới của phép rửa có được khả năng tác sinh là nhờ nước của Chúa Thánh Thần. Nhưng nước này lại chảy ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Kitô cùng với máu của Người. Do đó, nước thanh tẩy và tác sinh của Chúa Thánh Thần tuôn chảy từ cuộc khổ nạn của Chúa Cứu Thế. Như vậy, nhân loại được thanh tẩy không phải bằng nước đơn thuần, mà bằng Nước-Thần Khí ban sức mạnh tác sinh và thanh tẩy bằng máu Chúa Kitô.
“Vì thế, chính Chúa đã hứa sai Đấng Bảo Trợ đến để làm cho chúng ta nên xứng hợp với Thiên Chúa. Quả thật, nếu không có nước, thì từ hạt miến khô không thể có một nắm bột, cũng chẳng có tấm bánh được, thì chúng ta vốn là nhiều cũng không thể nên một trong Đức Kitô Giêsu, nếu không có nước từ trời đổ xuống. Và như đất khô nếu không thấm nước, sẽ không sinh hoa kết trái; thì chúng ta vốn là cây khô cũng chẳng bao giờ sinh hoa kết trái là sự sống, nếu Chúa không để cho mưa từ trời rơi xuống”[3].
Vì lý do này Tân Ước nói rằng: một người chịu phép rửa trong cùng một Thánh Thần (1 Cr 12,13) nhưng cũng được thanh tẩy bằng máu (Dt 9,12-14.22; 10,1-18; 1 Ga 1,7). Đó là máu của Chúa Kitô đổ ra và ai tin sẽ được máu của Người rảy lên (Dt 12,24). Như vậy, nhờ nước và máu chảy ra từ cạnh sườn Chúa Kitô, mọi tín hữu đều có thể được thanh tẩy và có sự sống mới. Họ được thanh tẩy nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, giống như nước hoà với máu Chúa Kitô. Đây quả thật là dòng nước tình yêu vĩ đại được ban tặng nhờ tình yêu bị đâm thâu.
“Đó là thứ nước mới, nước hằng sống, vọt lên, vọt lên trên những ai xứng đáng. Tại sao lại gọi ơn Thánh Thần là nước? Hiển nhiên vì vạn vật sống nhờ nước, vì nước sinh ra cỏ cây và động vật. Vì nước ấy rơi xuống cùng một kiểu một cách nhưng lại sinh nhiều công hiệu khác nhau: nơi cây dừa thì khác, nơi cây nho lại khác, nước là tất cả nơi vạn vật. Vì nước chỉ có một cách hiện hữu duy nhất, nên nó cũng không khác với chính mình. Quả vậy, mưa không thay đổi tính chất, dù rơi xuống mỗi nơi một khác, nhưng tuỳ theo cơ cấu của vật đón nhận mà nó sinh công hiệu thích hợp. Vì Thánh Thần là một, có cách hiện hữu duy nhất và bất khả phân chia, nên Người ban phát ân huệ cho ai nấy như Người muốn theo cũng một cách như thế. Và như cây khô đâm chồi nảy lộc sau khi hút nước, thì linh hồn tội lỗi, nhờ sám hối đáng được ơn Thánh Thần, cũng sinh hoa kết trái công chính như vậy”[4].
Như vậy, bất cứ ai tin tưởng và phó thác vào Thánh Thần do Chúa Kitô ban tặng đều có thể được tái sinh và được đến với ánh sáng. Quả thực, những ai có đức tin thì bước vào sự sống, đồng thời bước vào ánh huy hoàng của đời sống mới trong Chúa Kitô và trong Thánh Thần. Một người được tái sinh đắm mình trong ánh huy hoàng của cuộc sống mới, lấy lại sự trong sáng nguyên sơ, bước chân xuống nước, chìm ngập trong ánh sáng và được mang một y phục mới toả sáng. Như thế, nước, ánh sáng, sự mới mẻ của cuộc sống mới và y phuc mới có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Người được tái sinh mặc ánh sáng, vì ai tin vào Chúa Kitô Ánh Sáng đều trở nên con cái sự sáng (Ga 12,35-36). Tất cả những ai được thanh tẩy đều trở thành “con cái ánh sáng và con cái của ban ngày” (2 Tx 5,5) và sau khi thoát khỏi quyền lực bóng tối “xứng đáng chung hưởng phần gia nghiệp của dân thánh trong cõi đầy ánh sáng” (Cl 1,12). Thực vậy, “Thiên Chúa đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2,9). Không phải ngẫu nhiên mà người vừa rửa tội được mặc áo trắng vì đây là dấu chỉ của sự khởi đầu và của ánh sáng. Chiếc áo ánh sáng này đến từ máu Chúa Kitô: “Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong máu Con Chiên” (Kh 7,14). Thánh Basiliô Cả đã nói:
“Chúa là Đấng ban cho ta sự sống, Người thiết lập cho chúng ta một giao ước, đó là Bí tích Thánh tẩy, hình ảnh biểu tượng cho cái chết và sự sống: nước là hình ảnh của cõi chết, Thần Khí là bảo chứng mang sự sống […] Khi tiếp nhận thân xác, nước là hình ảnh của cõi chết, chẳng khác nào một nấm mồ. Thần Khí thông ban sinh lực đổi mới linh hồn chúng ta, đưa linh hồn từ tình trạng chết do tội lỗi sang sự sống mới. Đó là sinh lại bởi nước và Thần Khí. Sự chết được thể hiện trong nước, còn sự sống của ta thì do Thần Khí ban. Mầu nhiệm lớn lao của Bí tích Thánh tẩy được cử hành bằng ba lần dìm xuống nước kèm theo ba lần kêu cầu Thánh Danh, để diễn tả cái chết và để thông ban sự hiểu biết Thiên Chúa là ánh sáng chiếu soi linh hồn những người được thanh tẩy. Bởi vậy, nếu có ân sủng nào trong nước, thì đó không phải là do bản chất của nước, nhưng do sự hiện diện của Thần Khí. Quả thật, phép rửa không tẩy sạch chúng ta khỏi vết nhơ thể xác, nhưng cầu xin Thiên Chúa ban cho chúng ta một lương tâm trong trắng”[5].
Hơn nữa, Thần Khí còn được liên kết không chỉ là nước mà còn là lửa: thanh tẩy bằng nước và làm sáng lên bằng ngọn lửa. Nước kết hợp với lửa trong khía cạnh thanh tẩy; Thánh Thần kết hợp sức mạnh của nước và sức mạnh của lửa. Theo Pseudo Dionysius, lửa là biểu hiện cao nhất của thần linh[6]. Chính vì thế mà các Kitô hữu đầu tiên đã gọi phép rửa là sự chiếu sáng, khởi đi từ Ep 5,14: “Bởi vậy, có lời chép rằng: Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi”. Mặc dù đoạn này có giá trị đạo đức trong bối cảnh của bức thư, nhưng rõ ràng là một ám chỉ về phép rửa[7]. Ngay cả trình thuật TM Gioan về việc chữa lành người mù bẩm sinh, cũng được hiểu theo nghĩa này: Chúa Kitô đã đến mang ánh sáng cho trần gian, qua nước rửa tội, chiếu sáng những ai nằm trong bóng tối/sự chết. Như vậy, con người được tái sinh và thanh tẩy, sẵn sàng gặp Thiên Chúa và bước vào cuộc hôn nhân với Ngài; đồng thời Giáo Hội/Người Mẹ/Hiền Thê, đã tham dự vào mầu nhiệm hôn phối của mình với Chúa Kitô trong Chúa Thánh Thần.
3. Áo cưới
Sự thanh tẩy bằng nước và việc mặc một chiếc áo mới thực ra không phải mục đích tự thân. Việc thanh tẩy trong phép rửa có việc mặc áo trắng như để cử hành lễ cưới với Chúa. Thật vậy, Chrômatiô Aquileia đã nói: “ân sủng của Bí tích Thánh tẩy là chiếc áo cưới”[8], thích hợp để nói về hôn lễ với Chúa. Vì thế, sau khi khoác lên mình chiếc áo trắng, chúng ta được giới thiệu đến dự tiệc cưới với Đấng đã thanh tẩy chúng ta. Thực ra, chỉ những ai mặc áo cưới mới có thể tham dự tiệc cưới (Mt 22,2-14) và chiếc áo cưới là ân sủng của phép rửa, nó toả sáng không phải vì độ trắng của bông sợi mà vì ánh sáng của đức tin, vì được mặc lấy Chúa Kitô và vì áo Người trắng tinh như tuyết[9]. Tuy nhiên, chỉ những ai không làm vấy bẩn áo ấy mới có thể cùng đi với chàng rể và chỉ những “ai thắng sẽ được mặc áo trắng” (Kh 3,5). Do đó, chiếc áo trắng mặc trong lễ rửa tội là chiếc áo cần thiết cho tiệc cưới cánh chung: “Phúc thay kẻ canh thức và giữ áo mình, kẻo phải đi đứng trần truồng và bị người ta nhìn thấy sự loã lồ của mình” (Kh 16,15).
Không phải vô tình mà Thánh Phaolô đã nói: “Chúng ta rên siết là vì những ước mong được thấy ngôi nhà thiên quốc của chúng ta phủ lên chiếc lều kia, miễn là chúng ta có mặc áo, chứ không phải trần trụi” (2 Cr 5,2-3). Đây là lý do tại sao chiếc áo này không phải là một chiếc áo bình thường, nó phải rực rỡ như xiêm y của cô dâu trong Sách Khải Huyền, theo đó “nàng đã được mặc áo vải gai sáng chói và tinh tuyền” (Kh 19,8); nó phải thơm tho như chiếc áo của cô dâu trong Sách Diễm Ca: “Áo em toả hương thơm ngào ngạt tựa hương núi Li Băng” (Dc 4,11); vì cả áo của chú rể cũng “quế trầm một dược, hương toả long bào” (Tv 45,9). Thánh Gioan Kim Khẩu nói rằng mặc y phục này cũng chính là mặc lấy Chúa Kitô như chiếc áo choàng, như được kết hợp với Người trong cuộc hôn nhân[10]. Thánh Phaolô nói: “nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô. Quả thế, bất cứ ai trong anh em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,26-27).
Thánh Grêgôriô Nyssa nói rằng chiếc áo này biểu thị cho thần tính bởi vì “sự thanh khiết đích thực là thần tính”[11]. Vì thế, một số giáo phụ khẳng định trong phép rửa, chiếc áo nhuộm màu khổ nạn Chúa Kitô. Tiếp nối tư tưởng này, Chrômatiô Aquileia so sánh giữa chiếc áo màu tía và màu trắng và cho rằng: “ngay cả xác thịt của chúng ta về bản chất cũng vô giá trị, nhưng nó trở nên quý giá nhờ sự thay đổi do ân sủng mang lại, giống như màu tía, cần được dìm ba lần trong màu đỏ thắm thiêng liêng, nghĩa là trong mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi”[12].
4. Việc tắm rửa
Áo cưới là món quà xác nhận và hoàn tất quá trình thanh tẩy diễn ra dưới nước, nó cho thấy tình trạng mới mà người được rửa tội tìm thấy trong đó. Điều này làm sáng tỏ tính chất mới mẻ của việc tắm rửa thanh tẩy để chuẩn bị cho lễ cưới mang đặc tính hôn nhân. Hơn nữa, cần phải nhìn dưới ánh sáng sự kiện Chúa Kitô đã thanh tẩy Giáo Hội để hiệp nhất với Giáo Hội như Hiền Thê xứng đáng của Người. Ở nhiều dân tộc khác nhau, việc cử hành hôn phối bao gồm nghi thức tắm rửa. Theo phong tục của người Hy Lạp, nước tắm cho “vị hôn thê” không phải bất kỳ loại nước nào, nhưng là nước sông sạch sẽ hay nước suối thánh thiêng. Việc tắm rửa này, không chỉ là việc thanh tẩy đơn thuần mà còn là một nghi thức mang tính chất sinh sản: nước hỗ trợ quá trình chuyển đổi người phục nữ: từ một trinh nữ sang người mẹ.
Việc tắm rửa mang đặc tính hôn nhân này gợi lại câu chuyện ngụ ngôn rất đặc biệt mà Êdêkiel thuật lại, theo đó, chính Đức Chúa đã tắm rửa cho tân nương tương lai của mình (Ed 16). Có lẽ Phaolô dựa trên trình thuật này để diễn tả tình yêu Chúa Kitô dành cho Hội Thánh của Người: Đức Kitô đã thanh tẩy Hiền Thê của Người như Đức Chúa đã làm như vậy đối với dân Israel. Người đã rửa sạch, thánh hoá và xây dựng Giáo Hội “bằng (bể) nước và lời hằng sống” (Ep 5,26)[13]. Cử chỉ này liên quan đến toàn thể Giáo Hội: Người đã rửa sạch Giáo Hội trong “Phép rửa của sự chết”[14].
Chúa Kitô đã đảm nhận và thực hiện nghi thức tắm rửa mang tính hôn nhân cho Hiền Thê của mình; tuy nhiên, Người không thanh tẩy bằng một loại nước đơn thuần, mà qua sự kiện “trỗi dậy từ cõi chết” (1 Cr 15,20) Người đem lại cho Hiền Thê của mình “xinh đẹp lộng lẫy, không tỳ ố, không vết nhăn hoặc bất cứ một khuyết điểm nào, nhưng thánh thiện và tinh tuyền” (Ep 5,27). Người thanh tẩy để mặc cho Giáo Hội sự huy hoàng bằng chiếc áo vinh quang, như cách diễn tả của Thánh Gioan Kim Khẩu về những gì Đức Chúa làm cho tân nương tìm thấy trong sa mạc (Ed 16): “Khi Đức Chúa tìm thấy cô ấy sắp trở thành hôn thê của mình, lúc đó cô trần trụi và xấu xí, Ngài đã khoác cho cô một chiếc áo choàng đẹp đẽ, lộng lẫy và sáng tươi mà không lời nào hay tâm trí nào có thể diễn tả được”[15]. Giờ đây, Tân Nương là Giêrusalem mới, có thể vui mừng theo như lời tiên tri Isaia:
“Tôi mừng rỡ muôn phần nhờ Đức Chúa,
nhờ Thiên Chúa tôi thờ, tôi hớn hở biết bao!
Vì Người mặc cho tôi hồng ân cứu độ,
choàng cho tôi đức chính trực công minh,
như chú rể chỉnh tề khăn áo,
tựa cô dâu lộng lẫy điểm trang” (Is 61,10).
Bể tái sinh và chiếc áo cưới là những hồng ân mà Chúa Kitô đã uỷ thác cho Giáo Hội là Hiền Thê của Người, để những ai tham dự vào đó đều được liên kết với Thiên Chúa. Chúa Kitô đã dùng nước để biến nó thành sức mạnh vô hình, thực tại và biểu tượng của phép rửa trong sự chết và sự phục sinh của Người[16]. Hơn nữa, người được rửa tội còn được mang tên mới trong tương quan với cuộc sáng tạo mới: “Người ta sẽ gọi ngươi bằng tên mới, chính là tên miệng Chúa đặt cho” (Is 62,2).
(Trích trong ‘Bí tích Thánh tẩy’ đang chờ xuất bản)
--------------------------
[1] Điđymô Alexanđria, De Trinitate, II, 14: PG 39, 671.
[2] «Indivisa, et ineffabilis Trinitas cum ab aeterno humani generis imbecillitatem, fragilitatemque praenosceret; dum ex nihilo humidam substantiam produxit, remedium hominibus, ac sanationem per aquas obtinendam praeparavit. Ideo Spiritum sanctum, cum ferebatur super aquas, jam ex eo tempore illas sanctificasse constat, ac vivificam eis vim, fecunditatemque tribuisse» Điđymô Alexanđria, De Trinitate, II, 14: PG 39, 692-693.
[3] Irênê, Adversus haereses III, 17, 2: PG 7, 930.
[4] Syrillô Giêrusalem, Catechesis XVI, de Spiritu Sancto, 1, 11-12: PG 33, 931-934.
[5] Basiliô CẢ, Liber de Spiritu sancto, 15, 35-36: PG 32, 130-131.
[6] Pseudo Dionysius, De Coelesti Hierarchia, XV, 2.
[7] Cfr. R. Penna, Lettera agli Efesini. Introduzione, versione, commento, EDB, Bologna 1988, 220.
[8] Chrômatiô Aquileia, Sermo 29, 3.
[9] Chrômatiô Aquileia, Sermo 10, 4.
[10] Cfr. Gioan Kim KhẨu, Le catechesi battesimali IV, 2.
[11] Grêgôriô Nyssa, La grande catechesi, XXXVI, 2.
[12] Chrômatiô Aquileia, Sermo XIX, 41-44.
[13] Bí tích Rửa tội như “bể tái sinh” (Tt 3,5).
[14] Cfr. É. Cothenet, «L’Eglise, Epouse du Christ (Ef 5; Ap 19 et 21)» in Exégèse et liturgie, Cerf, Paris 1988, 238-261.
[15] Gioan Kim KhẨu, Le catechesi battesimali IV, 2.
[16] Cfr. G. Mazzanti, I sacramenti simbolo e teologia. 2. Eucaristia, Battesimo e Confermazione, EDB, Bologna 2000, 221-230.
Giuse Phạm Quốc Điêm
Chi tiết
- Ngày: 23/10/2024
- Tác giả: Linh mục Anmai CSsR