Đừng ngại rao giảng Tin Mừng
Nội dung
Một trong những thách đố khi là một người Ki-tô hữu là việc ra đi rao giảng và làm muôn dân trở thành môn đệ của Đức Giê-su như Người đã truyền. Chúng ta biết rằng mình phải chia sẻ Tin Mừng và làm chứng về sự thay đổi mà Tin Mừng đã mang lại cho chúng ta. Chúng ta biết rằng Tin Mừng chính là việc chúng ta đi vào một mối tương quan với Thiên Chúa có khả năng làm biến đổi đời sống chúng ta. Chúng ta biết rằng thời đại chúng ta đang sống bị phân cực thành những người Ki-tô hữu và những người phản Ki-tô, và cần cấp thiết cảnh báo cho mọi người biết sự nguy hiểm nếu không bước theo Đức Ki-tô. Tuy nhiên, khi chúng ta đã chấp nhận tất cả những điều đó, liệu nó có làm cho sứ mạng của chúng ta dễ dàng hơn chút nào không?
Kinh nghiệm của tôi về việc cố gắng truyền giáo cho mọi người đã gặt hái được những thành công khác nhau. Tôi nhớ rằng một vài thế kỷ trước, khi tôi đang được đào tạo để trở thành lập trình viên COBOL. Đó là vào bữa trưa, khi tôi đang ở một mình trong phòng đào tạo với người huấn luyện. Tôi kể với ông ta rằng Chúa vẫn luôn làm những phép lạ ngay cả ngày hôm nay. Cuộc trò chuyện tiếp tục diễn ra như sau. Ông ấy nói: “Vậy tôi có một chấn thương lâu năm ở đầu gối do đá bóng và bạn đang nói rằng Chúa Giêsu sẽ chữa lành nó qua việc đặt tay? Được rồi. Hãy làm đi.” Tôi trả lời: “Ờ… Được thôi.” Tôi dè dặt đặt tay lên đầu gối ông ấy và cầu nguyện một cách cuồng nhiệt… rằng sẽ không có ai khác sẽ bước vào phòng vào lúc đó. Không cần phải nói, phép lạ mà tôi dự đoán đã không xảy ra (và, để rõ ràng, từ đó tôi đã giảm bớt cách tiếp cận hơi cuồng tín này của mình!).
Tuy nhiên, vì sự việc đó, mọi người bắt đầu đồn đại rằng tôi là loại người cuồng tín. Ngay sau đó, sự việc đã đến tai người quản lý bộ phận, người gần đây đã đi Medjugorje (Đức Mẹ Mễ Du) và có được kinh nghiệm thiêng liêng mời gọi ông ấy thay đổi cách sống. Ông ấy giới thiệu bản thân và tôi bắt đầu chia sẻ với ông ấy về kinh nghiệm của chính mình. Ông ấy rất quan tâm. Một vài năm sau, ông rời khỏi môi trường công nghệ sôi động, gia nhập Dòng thánh Âu-tinh và giờ đây là cha xứ của một giáo xứ ở Anh.
Đối với tôi, đây là một bài học thú vị về việc truyền giáo thực sự như thế nào. Người ta đã nói rằng một người cần có bảy cuộc gặp gỡ truyền giáo khác nhau trước khi họ trở thành Ki-tô hữu. Trong trường hợp trên, tôi có thể đã là cuộc gặp gỡ thứ sáu hoặc thứ bảy trong cuộc đời của người quản lý đó. Tất nhiên, điều này khiến tôi khiêm tốn nhưng cũng giúp tôi thấy nhẹ nhõm.
Khi chúng ta nói về Chúa Giêsu với người khác, toàn bộ gánh nặng của việc hoán cải ai đó không đặt lên vai chúng ta. Chúng ta có thể là người thứ nhất, thứ ba, thứ năm, hoặc thứ bảy, nhưng quan trọng hơn, chính Chúa Thánh Thần là Đấng thay đổi lòng người và Ngài đã làm việc trong họ để dẫn họ đến sự hoán cải. Chúng ta chỉ có đặc ân được cộng tác với Ngài. Ngay cả khi người chúng ta đang nói chuyện có vẻ đối kháng, vẫn luôn có điều gì đó khiến họ quan tâm. Ai biết được? Họ có thể tiếp tục chia sẻ câu chuyện có vẻ phi lý của bạn với người khác, và người đó lại trở nên hứng thú.
Chính Chúa Thánh Thần là Đấng thay đổi lòng người và Ngài đã làm việc trong họ để dẫn họ đến sự hoán cải.
Yếu tố then chốt là cần có đủ can đảm để bước đi trong đức tin và nhận mình là Kitô hữu. Và nếu chúng ta thấy rằng mình vẫn chưa có đủ dũng cảm để bắt đầu làm chứng cho đức tin của mình, chúng ta có thể cầu nguyện và xin Thiên Chúa lấy đi sự hèn nhát của mình. Chúng ta không cần phải đưa ra những tuyên bố phi thường như tôi đã làm một cách hơi liều lĩnh. Tất cả những gì chúng ta cần làm là thể hiện, bằng lời nói và việc làm, rằng chúng ta đã tìm thấy nơi Thiên Chúa con đường thực sự dẫn đến hạnh phúc và viên mãn.
Sự thật là hầu hết mọi người, từ sâu thẳm bên trong, đều khao khát thông điệp Tin Mừng. Đừng giữ nó cho riêng mình. Hãy chia sẻ với người khác.
Nguồn: The magazine of the Catholic Diocese of Lansing
Tác giả: Sean O’Neil
Chuyển ngữ: Quốc Thành | CTV JESCOM – Truyền Thông Dòng Tên
Chi tiết
- Ngày: 12/10/2024
- Tác giả: Linh mục Anmai CSsR