TẠI SAO LẦN CHUỖI MÂN CÔI LẠI CẦN THIẾT NGAY LÚC NÀY?
Nội dung
TẠI SAO LẦN CHUỖI MÂN CÔI LẠI CẦN THIẾT NGAY LÚC NÀY?
Dễ dàng nhận thấy rằng người Công Giáo đã quá quen với chuỗi Mân Côi. Chúng ta thường mua các tràng chuỗi làm quà kỉ niệm, hoặc mang chúng theo bên mình, hoặc thậm chí là đeo chuỗi trên người – nhưng chúng ta quên đi sức mạnh to lớn của chuỗi Mân Côi mỗi khi chúng ta thực sự cầu nguyện bằng tràng chuỗi ấy. Điều đó thật đáng buồn, vì những lời cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi có thể mang lại câu trả lời cho rất nhiều vấn đề khó khăn trong thế kỷ XXI này.
Xã hội của chúng ta ngày nay phải đối mặt sự gia tăng của chủ nghĩa thế tục và đánh mất đức tin nơi các đô thị phồn hoa. Chúng ta chợt nhận ra mình đang đối đầu với một thế giới đắm chìm trong sự bành trướng của sự dữ và chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh và bạo lực. Chúng ta gặp nhiều rắc rối bởi những đổ vỡ trong đời sống gia đình, cùng vô số những ồn ào chia trí và cả việc thiếu vắng những nỗ lực sống thánh.
Nhưng chuỗi Mân Côi có thể giúp chúng ta. Và chúng ta cũng biết điều này, vì chính Đức Maria đã nói điều này cách đây 100 năm tại làng Fatima, Bồ Đào Nha, khi Mẹ hiện ra sáu lần với ba trẻ chăn cừu từ tháng Năm đến tháng Mười năm 1917, mỗi tháng một lần. Mẹ nhắc đi nhắc lại rằng: “Hãy lần chuỗi Mân Côi mỗi ngày để có được hòa bình trên khắp thế giới và kết thúc chiến tranh.”
Chúng ta cũng biết những giá trị tuyệt vời của chuỗi Mân Côi, vì nó đã minh chứng sức mạnh của nó hết lần này đến lần khác xuyên suốt lịch sử nơi đời sống của các tín hữu nam nữ. Chắc chắn điều này có được không phải bởi vì chuỗi Mân Côi là thần chú phép thuật nhưng bởi vì chuỗi Mân Côi mang chúng ta đến với Chúa Giêsu. Theo như lời của Đức Hồng y Francis E. George – Tổng Giám mục Tổng giáo phận Chicago, vào dịp bế mạc năm Mân Côi 2013 – thì chuỗi Mân Côi “mang chúng ta đến với trái tim của Tin Mừng”.
Vượt thắng sự ồn ào
Trong lối sống hiện đại điển hình, chúng ta rất dễ bị chia trí và bị lấn át bởi tất cả mọi ồn ào xung quanh. Công nghệ đang liên tục đòi hỏi sự chú ý của chúng ta. Ngay cả khi đang ngồi trước những màn hình lớn thì chúng ta vẫn nhìn vào những màn hình điện thoại nhỏ hơn. Chúng ta bị lôi cuốn bởi những cám dỗ của các công cụ truyền thông xã hội và sử dụng tin nhắn như một hình thức giao tiếp chính yếu. Chúng ta đã hình thành một não trạng “luôn luôn bận rộn” hoặc “luôn luôn rảnh rỗi”, và ồn ào không còn biên giới đối với chúng ta. Trong một báo cáo của Nielson công bố vào tháng 6 năm 2016 cho biết trung bình người Mỹ sử dụng hơn 10 tiếng mỗi ngày để chỉ nhìn vào các loại màn hình (Tivi, máy tính, điện thoại,…). Chúng ta dễ nói với bản thân rằng mình đang làm việc chăm chỉ và việc tiêu thụ một lượng lớn thời gian cho các thiết bị công nghệ là cần thiết, nhưng thực tế thì tất cả những ồn ào đó đang hủy hoại mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa.
Mặc dù vấn đề này trở nên đặc biệt trong vài thập kỷ gần đây, nhưng đây không phải chỉ là vấn đề của thế kỉ XXI. Năm 1973, Đức Hồng y Albino Luciani – lúc đó là Tổng Giám mục Tổng giáo phận Venice, sau này trở thành Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô I – đã có một bài giảng về “sự khủng hoảng trong cầu nguyện” trên khắp thế giới, trong đó một phần nguyên nhân là do “những ồn ào đã xâm chiếm cuộc sống của chúng ta”.
Nếu Đức Thánh Cha nghĩ rằng cuộc sống năm 1973 đầy ồn ào, vậy thì ngài sẽ nghĩ gì về cuộc sống hiện tại ?
Chúng ta cũng đối diện với vô số những ồn ào nội tâm. Chúng ta bị chia trí trong cầu nguyện bởi những cản trở bên trong, điều thường được biểu hiện dưới hình thức của kiêu ngạo và tự cho mình là trung tâm. Trong tất cả những lúc khó khăn ấy, chúng ta có thể nhờ đến chuỗi Mân Côi. Những suy ngắm tuyệt vời của lời kinh Mân Côi có thể giúp chúng ta tập trung và vượt thắng những ồn ào bên ngoài. Đồng thời, bằng việc cầu nguyện với lời kinh đơn sơ này một cách liên lỉ, tín thác và khiêm nhường, chúng ta có thể phá vỡ được những rào cản bên trong chúng ta.
Bài giảng của Đức Hồng y Luciani được viết lại trong cuốn “Tại sao chuỗi mân côi lại cần thiết ngay lúc này?” trình bày một sự bảo trợ tuyệt hảo và mạnh mẽ của chuỗi Mân Côi – điều mà phù hợp với hiện tại như nó đã từng phù hợp vào năm 1973.
Tận hiến sâu xa hơn cho Giáo Hội
Tổng Giám mục Fulton J. Sheen, một trong những “người khổng lồ” tri thức, tinh thần và thậm chí là truyền thông của thế kỉ XX, cũng đã tận hiến thẳm sâu chính mình cho Đức Mẹ, và ngài đã viết tặng Mẹ một cuốn sách có tựa đề “Tình yêu đầu của nhân loại, Mẹ Maria, Mẹ Thiên Chúa”
Nhiều người trong chúng ta có lẽ giống với cha Patrick Peyton, người được biết đến như là “linh mục của chuỗi Mân Côi”. Ngài là người đã tạo ra cụm từ “gia đình cùng cầu nguyện, cùng chung sống”.
Nhưng hồi ấy, cha Peyton không chỉ tạo ra cụm từ ấy; từ lúc nhỏ, ngài được giáo dục và đào tạo bởi các giá trị to lớn của chuỗi Mân Côi.
Cha Peyton đã quá quen với việc cầu nguyện cùng gia đình bằng chuỗi Mân Côi mỗi tối, và khi cha rời xa gia đình lần đầu tiên để đi làm và sống chung với một gia đình Công Giáo khác, thì cha đã rất sốc và đau buồn khi mọi người trong nhà ấy không cầu nguyện trước khi đi ngủ.
Ngài viết rằng: “Trong khi giả vờ ngủ, tôi đã cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi của mình và tôi cảm nhận được nỗi đau khổ của người con xa nhớ quê hương, nỗi đắng cay khi sống giữa những người mà lối sống của họ khác biệt với tôi, quan niệm về các giá trị sống của họ không đúng với tất cả những rèn luyện và trải nghiệm của tôi, điều mà tôi được dạy là bình thường.”
Đây rõ ràng là một trải nghiệm quan trọng của cha Peyton – cha nhận ra rằng cha không thể xem thường đức tin đã được lãnh nhận nơi gia đình. Đó cũng là lý do tại sao khi bi kịch gieo xuống cuộc đời mình, đang lúc chuẩn bị lãnh nhận chức thánh, cha Peyton vẫn có thể hướng về Đức Maria. Nhờ vào việc tận hiến cho Mẹ, cha Peyton đã được chữa lành một cách thần kỳ khỏi chứng bệnh suy nhược. Và đáp trả lại, cha đã cống hiến đời mình để lan truyền việc tận hiến cho Đức Maria. Ngài đã nói rằng: “Công trạng và vinh quang của mỗi việc làm mà tôi thực hiện đều sẽ thuộc về Mẹ và chỉ mình Mẹ”.
Cha Peyton tiếp tục thành lập phong trào Gia đình Mân Côi, sử dụng phát thanh vô tuyến, phim ảnh, các biển hiệu bên ngoài và hơn 260 nhóm họp trên khắp 6 châu lục để khuyến khích hàng triệu người cầu nguyện cùng gia đình Mân Côi.
Đoạn trích mô tả giai đoạn này trong cuộc đời của cha Peyton, trong cuốn “tại sao chuỗi mân côi lại cần thiết ngay lúc này?”, được trích từ tiểu sử và ký sự của cha Peyton khi ngài bị bệnh tật đe dọa và hồi phục cách phi thường – cũng như sự tận hiến cho Đức Maria và chuỗi Mân Côi, điều mà không bao giờ bỏ rơi ngài.
Phát triển mối tương quan môn đệ Chúa Kitô
Tôi nghĩ thật đúng khi nói rằng mỗi người trong chúng ta, dù ở đâu đó trên đường đời, thì cũng đã từng tình cờ cảm nhận được lời nguyện cầu hay đức tin của ai đó mà chúng ta cực kì ngưỡng mộ và thậm chí có thể là đố kỵ. Dường như việc chứng kiến này là một món quà, và nó nhắc nhở mỗi người chúng ta rằng chúng ta cũng được mời gọi để xây dựng mối tương quan mật thiết và thân tình với Chúa Giêsu.
Để làm điều đó, chúng ta phải gặp gỡ Ngài, “gặp gỡ Chúa Kitô” – một cụm từ đã trở nên phổ biến trong triều đại của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và điều này là rất thiết yếu – nghĩa là cần phải tìm hiểu Chúa Kitô một cách sâu sắc, trọn vẹn và không nghi ngờ, cùng dọn trống tâm hồn mình để tâm hồn của chúng ta có thể được đổ tràn đầy Thánh Thần Chúa.
Có nhiều cách để gặp gỡ Đức Kitô trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta như: nhờ cầu nguyện, các bí tích và dĩ nhiên, nơi Thánh Thể. Nhưng một bước tiến nhỏ trên con đường gặp gỡ Đức Giêsu là hình thành mối thân tình với Mẹ của Ngài trước. Vì sau cùng thì Mẹ là người hiểu rõ Đức Giêsu nhất và chính Mẹ đã cưu mang Người trong lòng mình. Đức Maria đã luôn dõi theo Con của Mẹ, chăm sóc và dạy dỗ Người. Mẹ đã trân quý từng khoảnh khắc khi ở bên Chúa Giêsu và luôn suy niệm chúng trong lòng, như Tin Mừng Luca thuật lại. Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đáng mến của chúng ta đã viết trong Tông thư Rosarium Virginis Mariae về chuỗi Mân Côi rằng, việc tận hiến cho Đức Mẹ là một trong những phương cách cầu nguyện truyền thống của Kitô giáo, hướng tới việc chiêm ngắm dung mạo Đức Kitô. Khi chúng ta cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi, chúng ta suy ngắm những khoảnh khắc khác nhau trong cuộc đời Đức Giêsu thông qua cách nhìn của Thánh Mẫu Người. Việc chiêm ngắm này dẫn chúng ta đến với một cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa, điều mà dẫn đưa chúng ta vào con đường của người môn đệ Chúa Kitô.
Sự thiếu vắng một cách đáng kinh ngạc mối tương quan môn đệ Chúa Kitô trong thế giới ngày nay phần lớn là do rất khó để từ bỏ chính mình mà vác thập giá mình và bước theo Chúa, dù rằng chúng ta được dạy là phải làm như vậy. Tuy nhiên, là những môn đệ của Chúa Kitô, chúng ta được mời gọi bỏ đi cái tôi, sự ích kỷ, kiêu ngạo và thay vào đó là ưu tiên dành cho tha nhân. Đó là một lối sống khác biệt với thế gian, thế nhưng Đức Maria và chuỗi Mân Côi có thế giúp chúng ta thực hiện được điều đó.
Mang hòa bình cho thế giới
Trong thư của Thánh Phaolô gửi giáo đoàn Philipphê, một trong những bài Kinh Thánh yêu thích của tôi, ngài khuyên các tín hữu trong mỗi ngày sống: “Đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu” (Pl 4,6-7)
Gần cuối năm 2014, Đức cha Doeme đã có một thị kiến, ngài trông thấy Đức Giêsu hiện ra và trao cho ngài một thanh gươm. Nhưng khi ngày cầm lấy thanh gươm ấy thì nó liền biến thành một tràng chuỗi Mân Côi. Đức cha cho biết: “Rõ ràng với chuỗi Mân Côi, chúng ta có thể loại trừ được sự dữ”. Mặc dù đây là một lời chứng đặc biệt cho sức mạnh của chuỗi Mân Côi trong việc chiến đấu chống sự dữ, nhưng đó không phải là duy nhất.
Nhiều câu chuyện khác và nhiều vị thánh đã phát họa lại những sự bảo trợ mà chuỗi Mân Côi mang lại, từ trận chiến Lepanto – cứu Giáo Hội Công Giáo Tây Phương thoát khỏi sự xâm lăng của quân Ottoman, cho đến thánh Piô Năm Dấu – người gọi chuỗi Mân Côi là “vũ khí chống lại sự dữ trong thế giới ngày nay”.
Trong một tài liệu liên quan được viết vào tháng 9 năm 1951, Đấng đáng kính Giáo Hoàng Pius XII đã xem chuỗi Mân Côi là phương dược giúp cho thế giới lúc bấy giờ giải trừ những sự dữ.
Chắc chắn không ít khó khăn khi chúng ta nhận thấy mình đang ở trong những hoàn cảnh khác nhau như hiện nay, với việc chiến tranh liên miên ở Trung Đông, chủ nghĩa khủng bố ở quê hương và trên thế giới, và việc bắt bớ các Kitô hữu khắp nơi.
Những lời của Đức Giáo Hoàng Pius XII về sự dữ cách đây 70 năm nhưng lại phù hợp với hoàn cảnh hiện nay, chuỗi Mân Côi tiếp tục là vũ khí giúp chúng ta chiến đấu chống sự dữ.
Chiến đấu chống chủ nghĩa thế tục
Một nghiên cứu mới đây về sứ mạng tông đồ được thực hiện bởi Trung Tâm Nghiên cứu Ứng dụng tại Đại học Georgetown, Washington D.C, chỉ ra rằng 13 là độ tuổi tiêu biểu mà vào độ tuổi đó người ta sẽ đánh mất niềm tin của mình. Khi được hỏi rằng bạn có từng xem xét việc quay trở lại Giáo Hội hay không, thì con số xấu xa đó lại tiếp tục xuất hiện, với chỉ 13% người trẻ được hỏi có câu trả lời là “có”.
Cả hai dữ liệu thống kê nói trên đang gây ra lo lắng cho chúng ta, nhưng chúng không may lại trình bày một bức tranh chính xác về vị trí của chúng ta hiện nay trong khía cạnh loan truyền niềm tin nơi xã hội của chúng ta. Chúng ta đang thất bại. Xã hội hiện tại đang phải đối mặt với sự bành trướng mạnh mẽ của chủ nghĩa thế tục. Trong một diễn văn dành cho các Giám mục Hoa Kỳ vào tháng 1 năm 2012, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã cảnh báo về sự ngập tràn của chủ nghĩa thế tục trong xã hội nước Mỹ, ngài nói: “Thật cấp thiết, toàn thể Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ cần nhận ra những đe dọa nghiêm trọng đối với những chứng tá đời sống đạo đức nơi Giáo Hội, đó là chủ nghĩa thế tục đang gia tăng mạnh mẽ trong các hoạt động chính trị lẫn văn hóa”
Nhưng Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI không phải là vị Giáo Hoàng đầu tiên lên tiếng chống lại chủ nghĩa thế tục. Đức Leo XIII, trị vì từ năm 1878 đến năm 1903, đã từng bị tấn công bởi các chính sách chính trị và những rắc rối của chủ nghĩa nhân văn thế tục trong suốt thời gian kế vị Thánh Phêrô. Trong một vài phần của 11 thông điệp về chuỗi Mân Côi (Đức Leo XIII được biết đến với biệt hiệu “vị Giáo Hoàng của chuỗi Mân Côi”) – một trong số đó được liệt kê trong cuốn “Tại sao chuỗi mân côi lại cần thiết ngay lúc này?” – Đức Giáo Hoàng Leo XIII đã nói về những nguy hiểm của một thế giới thiếu vắng niềm tin. Những lời đó của ngài mạnh mẽ và phù hợp với cả hiện tại, giống như nó đã từng phù hợp lúc bấy giờ. Đức Leo XIII tin tưởng mạnh mẽ vào sức mạnh của chuỗi Mân Côi trong việc chiến đấu với những rắc rối đang gia tăng – và ngài đã đúng. Cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi có thể giúp thế giới tái khám phá niềm tin của mình.
Giúp chúng ta nên thánh
Mỗi người trong chúng ta được mời gọi nên thánh, nhưng như chúng ta biết, cuộc sống đó không hề đơn giản. Nó đòi hỏi những hy sinh, dâng hiến, đức hạnh và trên hết đó là mối tương quan thân mật với Chúa Kitô, cùng một quyết tâm nghe theo thánh ý Ngài, dù bất kể có chuyện gì. Mặc dù điều đó không dễ dàng, nhưng nên thánh là điều mà mỗi người trong chúng ta được mời gọi.
Lời mời gọi chung này được diễn tả trong Hiến chế Tín lý về Giáo Hội của Công Đồng Vaticanô II – điều mà nhắc nhớ chúng ta rằng chúng ta được mời gọi “hãy nên hoàn thiện như Cha của anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.” Khi mong muốn thực hiện được điều đó, còn gì tốt hơn khi chiêm ngắm các thánh – những người đã làm được điều đó. “Các thánh và các chân phước trên trời nhắc nhở chúng ta, những kẻ lữ hành trần thế, rằng lời cầu nguyện, trên hết, là lương thực cho mỗi ngày sống để chúng ta không bao giờ lạc mất hướng nhìn về đời sống vĩnh hằng.” Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói: “Đối với nhiều người, chuỗi Mân Côi […] là phương cách để họ trò chuyện với Thiên Chúa mỗi ngày. Chuỗi Mân Côi dẫn chúng ta vào một sự mật thiết sâu sắc hơn nữa với Chúa Kitô và với Đức Trinh Nữ Maria.”
Rất nhiều vị thánh đã tận hiến mình cho chuỗi Mân Côi như: thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII, thánh Têrêsa Calcutta, thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu, thánh Zelie Martin, chân phước John Henry Newman, thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và thánh Louis de Montfort. Nhờ những mẫu gương của các ngài, chúng ta tìm thấy được cảm hứng cho chính mình trong việc cầu nguyện bằng chuỗi Mân Côi nhiều hơn, để tiến gần hơn tới việc nên thánh nhờ Đức Maria và Con của Mẹ.
Grentchen R. Crowe
Anthony Lai dịch từ simplycatholic.com
Chi tiết