THIÊN CHÚA YÊU THÍCH SỰ BÉ NHỎ
Nội dung

THIÊN CHÚA YÊU THÍCH SỰ BÉ NHỎ

Sự bé nhỏ không phải là yếu kém hay bất lực, mà là sự nhận ra rằng tất cả những gì chúng ta “có”, chúng ta “là”, đều phụ thuộc vào Thiên Chúa. 

Mở đầu tháng 10, Giáo hội mừng kính thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Trong khi nhiều người tìm kiếm những thành tựu lớn lao để phô trương sức mạnh, thánh nhân lại chọn con đường “bé nhỏ”, con đường của sự khiêm nhường, phó thác và yêu mến đơn sơ để làm đẹp lòng Thiên Chúa.

Yêu thích và chọn sự “bé nhỏ” không dễ vì trong con người thường có sự dằng co giữa “lớn lao” và “bé nhỏ”. Thật vậy, khát vọng to lớn của con người là mong muốn làm chủ thiên nhiên vạn vật. Để thực hiện điều này, con người không ngừng tận dụng trí khôn Chúa ban để cải tạo thiên nhiên, tạo nên những tiến bộ vượt bậc trong khoa học kỹ thuật và đưa nhân loại vươn lên tầm cao mới. Qua đó, con người khẳng định vị thế độc tôn trong vũ trụ.

Tuy nhiên, trong khi tưởng chừng làm được tất cả, con người lại nhận ra sự yếu đuối và mong manh trước Đấng Tạo Hóa và trước vũ trụ bao la. Sự bé nhỏ của con người có phải là vô nghĩa chăng ? Làm sao để đón nhận sự bé nhỏ của mình và làm cho nó có giá trị trước mặt Chúa ?

Lướt qua giáo huấn của Cựu Ước và Tân Ước, chúng ta khám khá ra rằng Thiên Chúa thường chọn sự “bé nhỏ” để thực hiện những kế hoạch vĩ đại của Ngài. Môsê từng là một người không có tài ăn nói, trái lại, còn là một người nói lắp (Xh 4,10). Tuy vậy, Thiên Chúa đã chọn ông để đối diện với vua Pharaô và đưa dân Ngài thoát khỏi cảnh nô lệ. Qua đó, chúng ta hiểu rằng sức mạnh và quyền năng thật sự không đến từ khả năng của con người mà từ chính Thiên Chúa.

Trước khi trở thành vị vua vĩ đại của Israel, Đavít chỉ là một cậu bé chăn chiên tầm thường. Khi Thiên Chúa sai Samuel đến nhà Jesse để xức dầu cho vị vua tương lai, Samuel đã ngạc nhiên vì Thiên Chúa không chọn những anh trai mạnh mẽ và nổi bật của Đavít, mà lại chọn Đavít - người bé nhỏ nhất trong anh em. Tiêu chuẩn chọn lựa của Chúa là Ngài “không nhìn theo kiểu con người, vì con người chỉ nhìn bề ngoài, còn Đức Chúa nhìn thấu tâm hồn” (1 Sm 16,7). Điều này cho thấy Thiên Chúa yêu thương và chọn lựa những người khiêm nhường, bé nhỏ về thế lực, nhưng lớn lao trong đức tin.

Về phần tiên tri Isaia, ông đã kinh nghiệm về một Thiên Chúa “ngự tại nơi cao thẳm và thánh thiện, nhưng ... cũng ngự tại nơi tâm hồn người khiêm nhường và thống hối, để hồi sinh tinh thần những kẻ thấp hèn” (Is 57,15). Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng nhưng còn là Đấng gần gũi với những tâm hồn khiêm nhường và bé nhỏ.

Bước sang Tân Ước, chúng ta thấy Chúa Giêsu thường dạy các môn đệ và dân chúng về sự bé nhỏ và khiêm nhường, coi đó là con đường dẫn đến Nước Trời : “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3). Tâm hồn nghèo khó ở đây không phải chỉ về sự nghèo khổ vật chất, mà còn là sự khiêm nhường, nhận ra sự phụ thuộc hoàn toàn vào Thiên Chúa. Những người bé nhỏ về tâm hồn chính là những người biết rằng họ cần Thiên Chúa trong cuộc sống và đặt niềm tin tuyệt đối vào Ngài. “Thật, Thầy bảo thật anh em: nếu anh em không quay lại mà nên như trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18,3). Trẻ nhỏ là biểu tượng của sự khiêm nhường, đơn sơ và phó thác.

Đức Maria chính là hình mẫu tuyệt vời về sự bé nhỏ và khiêm nhường. Khi được sứ thần Gabriel truyền tin rằng Mẹ sẽ trở thành Mẹ của Đấng Cứu Thế, Đức Maria đã đáp lại với lòng khiêm nhường và phó thác: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38). Đức Maria nhận biết sự bé nhỏ của mình và hoàn toàn để Thiên Chúa thực hiện ý định của Ngài trong cuộc đời Mẹ.

Đối với nhiều nhà tư tưởng lớn, sự bé nhỏ của con người không phải là một trở ngại, mà là cơ hội để khám phá sự hữu hạn của mình nhưng vẫn thấy những ánh sáng vĩ đại của bản thân. Chẳng hạn, Blaise Pascal, nhà toán học, nhà triết học và thần học người Pháp, trong tác phẩm “Pensées”, đã viết nhiều về sự bé nhỏ và cao quý của con người. Con người tuy chỉ là một “cây sậy” yếu mềm, nhưng lại là “cây sậy biết suy tư”. Phận người hữu hạn trong vũ trụ, nhưng khả năng suy tư khiến họ nên vĩ đại.

Tóm lại, sự bé nhỏ, sự khiêm nhường là con đường mà Thiên Chúa yêu thích. Sự bé nhỏ không phải là yếu kém hay bất lực, mà là sự nhận ra rằng tất cả những gì chúng ta “có”, chúng ta “là”, đều phụ thuộc vào Thiên Chúa. Chính qua sự bé nhỏ của con người mà Thiên Chúa thể hiện quyền năng và vinh quang của Ngài. Đối với thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, không phải làm những điều lớn lao để được yêu mến Chúa, mà chính những hành động bé nhỏ nhưng đầy tình yêu mới là điều đẹp lòng Ngài.

“Tôi muốn tìm thấy một cái thang để lên tới Đức Giêsu, vì tôi quá nhỏ bé không lên nổi các bậc trọn lành. Lạy Chúa Giêsu, thang chính là cánh tay Ngài. Con không cần phải lớn lên, ngược lại, con phải nhỏ mãi” (Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu)

Lm Giuse Nguyễn Xuân Phúc

Chi tiết