Bệnh sĩ
Nội dung
Bệnh sĩ
Đức GH Phaolo VI: “Con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Bớt lý thuyết, ban bệ và chức danh, tự khắc Giáo hội sẽ năng động và hiệp hành thực tế.
Trào lưu Văn Học Hiện Thực Phê Phán (1930 – 1945) có rất nhiều nhà văn cùng hàng loạt tác phẩm văn chương, phản ánh và phê phán nhiều tệ nạn xã hội. Một trong số đó là bệnh sĩ – sống ảo của mấy nhà hủ nho.
Con cái đói trơ xương, vợ khốn khổ lo chạy gạo từng bữa… trong khi chồng, cha áo dài khăn đống, tay phe phẩy chiếc quạt ngồi rung đùi “nhấm rượu thưởng trà, bàn câu tìm chữ”. Vỗ đùi cái đét tự sướng mỗi khi ra được chữ hay. Vợ con vẫn ảo cha – chồng mình bậc đạo đức sáng ngời, đỉnh cao trí tuệ.
Một thực tế là bệnh sĩ đã ăn vào máu thịt người Việt, cả đạo lẫn đời. Chức danh, văn bằng, tiếng khen… người ngầm kẻ lộ, đâu đâu cũng có.
Bệnh sĩ trong Giáo hội khó thấy, bởi nó phủ trên mình ánh hào quang tốt lành thánh thiện, rất ư khiêm tốn. Có vẻ bệnh này không gây ảnh hưởng hay hại gì ai, dẫu rằng thực tế nó làm trì trệ nặng nề sứ mạng truyền giáo.
“Bệnh sĩ tư tưởng” cản trở sự dấn thân của Giáo hội với thế giới và con người. Thầy quá nhiều mà thợ lành nghề thì ít. Họp hành, thuyết trình, chuyên đề, tài liệu… ôi thôi hoành tráng. Giải thích khái niệm, phân tích câu từ, chẻ tư ý niệm đến phát ngộp.
Giáo Hội Hiệp Hành – Cắt bớt hành trang lý thuyết, vơi đi vướng bận của cơ cấu, buông bỏ dính bén thế trần: “để sống, để ở với con người như Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Ki-tô”, có vẻ vẫn chỉ đang trong giai đoạn “phân tích khái niệm”!
Đức GH Phaolo VI: “Con người hôm nay cần chứng nhân hơn thầy dạy”. Bớt lý thuyết, ban bệ và chức danh, tự khắc Giáo hội sẽ năng động và hiệp hành thực tế.
Lm Giuse Nguyễn Đức Thịnh
Chi tiết
- Ngày: 22/06/2024
- Tác giả: Lm. Anmai