Hai mặt của đạo đức giả
Nội dung
Như Chúa Giêsu đã nói, thật dễ để thấy cái rác trong mắt người, còn cái xà trong mắt mình thì không thấy.
Sự tinh vi của đạo đức giả! Dù chúng ta nhìn thấy thật rõ lỗi lầm của người khác, nhưng không dễ để nhận ra sự bất nhất quán của mình. Chúng ta cố tình mù quáng, hay chỉ là chúng ta không nhìn thấy? Đây là vấn đề đạo đức hay vấn đề tầm nhìn? Tôi xin đưa ra vài ví dụ để chúng ta xem xét.
Trong những chuyến du hành của thuyền trưởng James Cook, nhà thánh hiểm thế kỷ 18, ông đã ở vài năm trên quần đảo Polynesia. Ông học thổ ngữ và kết bạn với thổ dân. Một hôm, họ đưa ông đi xem lễ hiến tế người. Bộ lạc này vẫn theo tín ngưỡng vật linh và đôi khi hiến tế người làm của lễ dâng lên các thần. Chúng ta có thể hiểu được vì sao ông Cook, một người Anh tinh tế, lại bị choáng váng. Ông viết trong nhật ký, ông đã rất căm phẫn với tộc trưởng: “Thật kinh khủng! Các ông là người sơ khai. Ở Anh mà các ông làm vậy là sẽ bị treo cổ!”
Trong phản ứng của ông có một điều mỉa mai mà các nhà nhân học không thể bỏ qua. Là khi chúng ta giết người nhân danh Thiên Chúa, thì hiến tế người cũng như án tử hình. Cách nào thì chúng ta cũng hiến tế một sinh mạng và lấy danh Thiên Chúa mà biện minh cho nó.
Ví dụ thứ hai là trong những bài viết của Bill Plotkin, người từng nghiên cứu các nghi thức khai mở mà các bộ lạc cận đại dùng để khai mở các cô cậu đến tuổi dậy thì. Như chúng ta biết, tuổi dậy thì có thể là thời gian nguy hiểm cho một người trẻ. Dậy thì đánh mạnh vào cơ thể lẫn tâm lý của người trẻ. Tuy nhiên, phải nhớ rằng lực bất ổn mạnh mẽ này đã được Thiên Chúa và tự nhiên tạo ra với một mục đích rõ ràng, là để thôi thúc chúng ta rời nhà, thúc đẩy chúng ta tìm một mái ấm cho riêng mình, kết thúc thời thơ ấu và bước vào tuổi trưởng thành. Dễ hiểu khi việc này cần đến những sinh lực mạnh mẽ để có thể thực hiện.
Nhưng những sinh lực này có thể khó kiềm chế và khó khai mở theo hướng trưởng thành. Thật vậy, hầu hết các nền văn hóa cận đại đều có các nghi thức khai mở giúp định hướng cho quá trình đó. Ngày nay, hầu hết các văn hóa (chứ không chỉ riêng chúng ta) ít trân trọng những nghi thức khai mở rõ ràng này. Điều mà Plotkin phát hiện trong nghiên cứu của ông về các nghi thức khai mở cận đại, là tất cả chúng đều rất thử thách và đòi hỏi, về mặt thể lý, cảm xúc và đôi khi người trẻ phải mất mạng trong quá trình đó.
Nhìn vào chuyện này, Plotkin bình luận, những nhạy cảm hiện đại của chúng ta sẽ cảm thấy mình bị xúc phạm bởi cái có vẻ như là sự tàn bạo sơ khai này. Chúng ta dễ dàng thấy căm phẫn về mặt luân lý và thấy những việc này là lạc hậu và tàn ác. Tuy nhiên, ông cho thấy, thật sự các bộ lạc này mất rất ít người trẻ trong những nghi thức chuyển tiếp từ tuổi dậy thì sang trưởng thành đó, trong khi chúng ta, những nền văn hóa hiện đại vi tế, lại mất hàng ngàn người trẻ mỗi năm, khi họ đang cố tự khai mở mình bằng cách dùng ma túy, rượu chè, tình dục, xe hơi, băng đảng và những hành vi mạo hiểm.
Như Chúa Giêsu đã nói, thật dễ để thấy cái rác trong mắt người, còn cái xà trong mắt mình thì không thấy.
Tôi nói mọi chuyện này với lòng cảm thông hơn là phán xét, vì đạo đức giả không phải chỉ có một loại. Có đạo đức giả kiểu chủ tâm mù quáng, và có đạo đức giả với sự mù quáng ngây thơ. Thánh Tôma Aquinô từng phân biệt hai loại vô tri này. Với ngài, có sự vô tri đáng tội và có sự vô tri bất bại, nghĩa là đôi khi chúng ta không nhìn thấy vì chúng ta không muốn thấy, và đôi khi chúng ta không thấy bởi vì chúng ta không thể thấy.
Trong sự vô tri đáng tội, chúng ta biết rõ. Chỉ là chúng ta không chịu nhìn vào chuyện gì đó vì chúng ta không muốn thấy sự thật. Khả năng không nhìn không thấy này căn cứ vào lý luận và nỗi sợ, một sự từ chối có chủ tâm, chúng ta sợ sẽ thấy điều mình không muốn thấy, thấy ra sự thật bất tiện cho mình. Trong sự vô tri đáng tội, chúng ta không thấy được sự tương đồng giữa hiến tế người và án tử hình, bởi vì chúng ta đã trực cảm mối liên kết đó và chúng ta không muốn thấy nó, nên đã từ chối không nhìn.
Còn trong sự vô tri bất bại thì chúng ta không biết rõ. Những thiếu sót của chúng ta có liên quan đến những giới hạn của nhân tính, của xuất thân và trải nghiệm. Chúng ta không sợ nhìn vào hiện thực. Chúng ta nhìn nhưng đơn giản là không thấy. Như thuyền trưởng Cook, với hết lòng thật tâm, chúng ta đơn giản là không thấy được sự tương đồng giữa hiến tế người và án tử hình, và không như Bill Plotkin, chúng ta có thể dễ dàng phán xét nghi thức khai mở cận đại là tàn ác và kinh khủng, kể cả khi hàng ngàn người trẻ của chúng ta đang chết một cách vô lý kinh khủng khi họ cố gắng tìm ra cây cầu nối giữa dậy thì và trưởng thành.
Tất cả chúng ta, bảo thủ hay tự do, đều có những điểm mù về cách mình thấy và tiếp cận những vấn đề công bằng xã hội, dù là biến đổi khí hậu, nghèo đói, phá thai, nhập cư, tị nạn, kỳ thị chủng tộc, bình đẳng nữ giới hay vấn đề giới tính. Đứng trước những vấn đề phức tạp này, chúng ta sẵn sàng nhìn thẳng vào chúng, hay chúng ta thật sự không sẵn sàng xem xét chúng, vì chúng ta đã trực cảm được mình sẽ thấy những gì? Vậy sự mù quáng và giả hình của chúng ta là đáng tội hay bất bại?
Ronald Rolheiser,
J.B. Thái Hòa dịch
Chi tiết
- Ngày: 06/10/2023
- Tác giả: Lm. Anmai