Sự cần thiết học hỏi giáo lý
Nội dung
Sự cần thiết học hỏi giáo lý
Đến giờ học tuần sau, cô giáo gọi đúng tên tôi đứng lên trình bày. Khá nhiều bạn trong lớp đã biết tôi theo đạo Công giáo nên họ nghĩ việc này đâu có gì khó khăn. Bao con mắt đổ dồn về phía tôi và mong chờ một câu trả lời “hẳn hoi”. Quá bất ngờ, tôi ngó qua cuốn giáo trình rồi đứng lên ú ớ vài ba câu. Giảng viên mắng tôi một trận vì thái độ không tích cực trong học tập. Còn tôi thì vừa xấu hổ với các bạn trong lớp, vừa cảm thấy có lỗi với niềm tin mà mình đang thực hành. Tôi cũng đang theo Chúa đấy nhưng lại bối rối khi người ta hỏi về Ngài và giáo lý của Ngài. Thế nên mới thấy, rất nhiều khi người ta muốn biết về Chúa và giáo huấn của Ngài nhưng con cái Chúa đôi khi lại bị “câm” (vì không biết hoặc biết không đầy đủ). Đó không chỉ là một thiệt thòi cho đương sự mà còn là một sự thiệt hại cho đạo.
Thật vậy, chính những thiếu sót trong đức tin và luân lý của người tín hữu rất nhiều lúc đã gây ảnh hưởng không tốt đến đạo. Khi bàn về nguồn gốc phát sinh chủ nghĩa vô thần, Công đồng Vaticanô II đã mạnh mẽ nhắc nhở: “Có thể các tín hữu phải chịu phần trách nhiệm không nhỏ trong việc làm nảy sinh chủ thuyết vô thần, hoặc bởi xao lãng việc giáo dục đức tin, hoặc vì trình bày sai lạc về giáo lý, hoặc do những thiếu sót trong đời sống tôn giáo, luân lý và xã hội, có thể nói lúc đó họ che giấu hơn là bày tỏ bộ mặt đích thực của Thiên Chúa và tôn giáo”[1].
Tôi nghĩ, câu chuyện buồn thời sinh viên của tôi có lẽ cũng không phải là hiếm. Đức Tổng Giám mục Giuse Vũ Văn Thiên nhận xét: “Đối với số đông người tín hữu Công giáo, việc dạy và học giáo lý không được quan tâm. Nhiều người tự cho việc đi lễ mỗi tuần một lần là đủ ‘bổn phận’ của người có đạo. Hậu quả của lối sống đạo thiếu giáo lý là một đức tin sơ sài, chỉ chú trọng đến bề nổi và những sinh hoạt kiểu hội hè, nặng tính thế tục. Cũng vậy, một số người có thói quen lượng giá đời sống đức tin của một cộng đoàn qua những bộ đồng phục hoặc những tổ chức bên ngoài mà ít nhấn mạnh đến đời sống nội tâm và tình bác ái. Họ tin Chúa, nhưng chưa hiểu rõ Chúa là ai đối với họ”[2].
Linh mục Giuse Vũ Đức An cũng có những nhận định tương tự: “Người ta dùng trí khôn của mình để học hỏi về đủ thứ trong cuộc sống, để làm ăn, để kiếm tiền, để làm giàu, để vui chơi giải trí, để tìm biết về đủ thứ thần tượng... Nhưng nếu được kêu gọi để học giáo lý thì viện đủ lý do để từ chối. Nhiều bạn trẻ có thời gian để lướt Facebook, để xem TikTok, để giao lưu trên mạng xã hội... nhưng không có thời gian để học hỏi về Chúa, về Giáo hội. Có nhiều cha xứ đã có sáng kiến kết hợp giữa việc học hỏi giáo lý với việc tham dự Thánh lễ Chúa Nhật, chẳng hạn như dành 15-30 phút trước Thánh lễ để dạy giáo lý cho cộng đoàn, cho giới trẻ... nhưng nhiều người cũng không muốn tham gia, để đến sát giờ lễ mới đến. Nói tóm lại nhiều tín hữu, đặc biệt là các bạn trẻ còn chưa ý thức được tầm quan trọng của giáo lý trong đời sống đức tin nên ngại học, ngại tìm hiểu”[3].
Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế là, rất nhiều bạn trẻ và thậm chí ngay cả các bậc phụ huynh vẫn còn quan niệm việc học giáo lý (kể cả học giáo lý hôn nhân và gia đình) chỉ là để lãnh nhận bí tích. Vì quan niệm như vậy nên rất dễ dẫn đến thái độ học tập kiểu hình thức, sơ sài, chống đối. Nhiều người cho rằng học giáo lý quá mất thời giờ, cho nên luôn miệng kêu ca phàn nàn về những yêu cầu của các vị chủ chăn. Xin thưa, học giáo lý không phải là học thuộc lòng một mớ kiến thức để trả bài, để đủ điều kiện lãnh nhận các bí tích nhưng đúng ra, học giáo lý chính là học cách sống đạo và loan truyền niềm vui sống đạo.
Quả thực, việc dạy và học giáo lý có tầm quan trọng đặc biệt đối với sự tăng trưởng trong đời sống đức tin của người tín hữu. Tài liệu Hướng dẫn tổng quát việc dạy giáo lý của Bộ Giáo sĩ (1997) đề ra sáu nhiệm vụ cơ bản của việc dạy giáo lý như sau: giúp hiểu biết đức tin, giáo dục phụng vụ, huấn luyện luân lý, dạy cầu nguyện, giáo dục đời sống cộng đoàn, và khai tâm cho việc truyền giáo. Bộ Giáo luật 1983 nhấn mạnh: “Để có thể sống theo giáo lý Kitô giáo, tự rao giảng và biện hộ cho giáo lý ấy nếu cần, và để có thể góp phần mình vào việc hoạt động tông đồ, các giáo dân có nghĩa vụ và quyền học hỏi giáo lý phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mỗi người” (điều 229 §1). Như thế, việc học hỏi giáo lý là quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan đến toàn bộ cuộc sống người Kitô hữu, hay một cách nào đó có thể nói, liên hệ tới tất cả các chiều dài rộng cao sâu của đời sống tâm linh.
Thời đại kỹ thuật số ngày nay đang chứng kiến một sự bùng nổ về thông tin. Lượng kiến thức mà chúng ta tiếp cận ngày càng dồi dào phong phú nhưng cũng ngày càng trở nên phức tạp. Cách riêng, thông tin trên mạng xã hội đang lẫn lộn đủ thứ thật-giả, tốt-xấu, xây dựng-chống phá... Nhiều nhóm tự xưng là Công giáo nhưng dùng sự hiện diện của mình trên mạng xã hội để gây chia rẽ. Internet đang vô tình tiếp tay cho sự phổ biến các giáo thuyết sai lạc và những chủ trương sai lầm nhằm chống phá Giáo hội. Lúc ấy, sự vững vàng về giáo lý sẽ giúp chúng ta có khả năng phân định để không bị lôi kéo đi theo các lạc giáo mà suy giảm lòng mến Chúa và Giáo hội. Việc trình bày ý hướng, giáo huấn, tư tưởng, suy gẫm thiêng liêng... trên phương tiện truyền thông xã hội cần phải trung thành với truyền thống Kitô giáo. Hơn nữa, tất cả những gì chúng ta làm, trong lời nói và hành động, đều phải mang dấu ấn chứng nhân[6] vốn được củng cố nhờ sự hiểu biết đầy đủ và đúng đắn về giáo lý.
Trách nhiệm học hỏi giáo lý thuộc về mọi thành dân Chúa, trong đó có Bạn và tôi. Cố gắng hãy giữ vững những gì đã học được và đã tin chắc (x. 2Tm 3,14) để có thể trổ sinh hoa trái trong cuộc sống. Sách vở liên quan đến giáo lý không thiếu, quan trọng là Bạn có sẵn sàng “cầm lên và đọc” hay không thôi? Những lớp giáo lý dành cho người trẻ đang đợi Bạn đến ghi danh và tích cực tìm hiểu.
Một cách đơn sơ giản dị nhất, tôi muốn mời Bạn cùng đọc lại những câu giáo lý dạng hỏi thưa trong bài mở đầu cuốn Giáo lý cấp I: Đến bàn Tiệc thánh trong Bộ Giáo lý Hồng ân để thấy tầm quan trọng của việc học hỏi giáo lý[6].
H. Em học giáo lý để làm gì?
T. Em học giáo lý để biết Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em.
H. Em biết như thế làm chi?
T. Em biết như thế để sống mến Chúa, yêu người, cho ngày sau được hưởng phúc đời đời.
T/B. Bạn có gì thắc mắc, muốn chia sẻ hay cần trao đổi thêm, xin liên hệ với Nhịp cầu Bạn trẻ qua:
+ Email: [email protected]
+ Facebook: Nhịp Cầu Bạn Trẻ
[1] CÔNG ĐỒNG VATICANÔ II, Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong thế giới hôm nay - Gaudium et Spes (07/12/1965), số 19.
[2] VŨ VĂN THIÊN, Tôi biết tôi đã tin vào ai, theo WHĐ (28/04/2017): https://www.hdgmvietnam.com/chi-tiet/toi-biet-toi-da-tin-vao-ai-29514
[3] VŨ ĐỨC AN, Tầm quan trọng của Giáo lý trong đời sống đức tin, Bài thuyết trình tại cuộc hội thảo tiền Công nghị về Giáo lý của Tổng Giáo phận Hà Nội ngày 25/03/2022; x. WHĐ (26/03/2022): https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/tam-quan-trong-cua-giao-ly-trong-doi-song-duc-tin-44752
[4] x. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Dạy Giáo lý trong thời đại chúng ta - Catechesi Tradendae (16/10/1980), số 18; x. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo, số 4-5.
[5] x. BỘ TRUYỀN THÔNG, Hướng đến sự hiện diện tròn đầy: Suy tư mục vụ về việc tham gia Mạng xã hội (29/05/2023), số 55 và 77.
[6] TOÀ GIÁM MỤC XUÂN LỘC, Hồng ân huấn giáo: Đến bàn Tiệc thánh (Giáo lý cấp I: Rước lễ lần đầu), Nxb Tôn giáo, Hà Nội, 2010, tr. 5
Nhịp cầu Bạn trẻ
Chi tiết
- Ngày: 25/07/2023
- Tác giả: Lm. Anmai