ĐỪNG SỢ!
Nội dung
ĐỪNG SỢ!
Cuộc sống xung quanh chúng ta có biết bao nỗi sợ. Từ trong nhà ra ngoài phố, chúng ta có thể gặp nguy hiểm bất kỳ lúc nào. Ngoài những nỗi lo cơm áo gạo tiền, con người còn phải lo sợ trước sự bon chen, mưu mô, thủ đoạn của người đời. Trước những lo sợ bủa vây tứ phía, người ta đối phó bằng nhiều cách khác nhau: có những người buông xuôi phó mặc cho dòng đời trôi dạt, hoặc thỏa hiệp với sự dữ, làm điều bất chính. Có những người can đảm vững tâm, vượt thắng mọi sợ hãi, thanh thoát giữa đời. Người tín hữu chúng ta được Chúa Giêsu trấn an khích lệ: “Đừng sợ!”.
Ông Bà ta thường nói: “Cây ngay không sợ chết đứng”. Điều này có nghĩa là chúng ta cứ sống theo sự thật, vì sự thật sẽ giải thoát và minh oan cho chúng ta. Một cuộc sống gian dối, bao che sẽ đến lúc phơi bày ra ánh sáng. Ngôn sứ Giêrêmia là một người công chính, nhưng ông bị bách hại, đe dọa và vu khống đủ điều. Những kẻ thù ghét ông đã gọi ông là “Lão tứ phía kinh hoàng”. Tuy vậy, ông vẫn một lòng cậy trông vào Chúa. Ông tin rằng, Chúa sẽ phù trợ ông. Ngài cũng sẽ minh oan cho ông, vì ông sống ngay thẳng. Lời cầu nguyện của ngôn sứ Giêrêmia trong cơn bách hại. Đó cũng là lời khuyên những ai sống công chính mà bị ghen ghét, hãy cậy trông vào Chúa và hãy sống ngay lành trong bất kỳ hoàn cảnh nào. “Đức Chúa hằng ở bên con, như một trang chiến sĩ oai hùng…”. Thiên Chúa là Đấng phán xét công minh. Ngài thấu hiểu lòng dạ con người. Ngài thương xót và cứu vớt những ai sống ngay lành thánh thiện. Những ai cậy trông Chúa, Ngài chẳng bỏ rơi bao giờ.
Chúa Giêsu tiếp nối giáo huấn của Cựu ước. Người khuyên chúng ta đừng sợ những người chỉ giết được thân xác mà không giết được tâm hồn. Chúa nhắc chúng ta, “hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hỏa ngục”. Đấng ấy chính là Thiên Chúa. Tuy vậy, sự “sợ hãi” này không giống như sợ hãi trước sự đe dọa khủng bố hoặc bách hại. Sự sợ hãi mà chúng ta dành cho Chúa đi kèm với sự “kính mến”, nên chúng ta còn gọi đó là sự “kính sợ”. Sự kính sợ này không làm cho chúng ta xa cách Chúa, trái lại, giúp chúng ta vững chí cậy tin. Vì vậy, liền sau đó, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy nhận ra sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, đồng thời phó thác trọn vẹn cuộc sống của chúng ta nơi Ngài, để Ngài dẫn dắt và che chở chúng ta trên mọi nẻo đường của cuộc sống. Hai hình ảnh được Chúa Giêsu nêu để chứng minh sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa, đó là con chim sẻ và sợi tóc trên đầu. Những vật xem ra là tầm thường và vô giá trị, mà cũng được Chúa quan tâm. Con người chúng ta đáng giá bội phần, vì mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa, có ý chí, tự do và trách nhiệm về những hành vi cử chỉ của mình.
Sự kính sợ Chúa còn dẫn chúng ta đến việc mạnh dạn tuyên xưng đức tin nơi Ngài. Người tín hữu là người tuyên xưng đức tin trong mọi lãnh vực, mọi hoàn cảnh của cuộc sống. Việc mạnh mẽ can đảm tuyên xưng đức tin như một điều kiện “nhân – quả” cho hạnh phúc đời sau. Bởi lẽ, nếu chúng ta tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu, thì chính Người sẽ “bảo lãnh” cho chúng ta trước tòa Chúa Cha. Thánh Phaolô quảng diễn điều này khi so sánh Đức Giêsu với ông Ađam. Do ông Ađam mà sự chết thống trị. Nhờ Đức Kitô mà thế gian được sống. Đức Kitô là nguồn ân sủng dồi dào của Thiên Chúa. Những ai đón nhận Người, thì được ngụp lặn trong nguồn ân sủng phong phú đó. Nhờ đó, họ không còn sợ hãi, nhưng vững lòng cậy tin.
Giữa bao nỗi sợ của cuộc sống hằng ngày, người tín hữu sẽ tìm được nơi ẩn náu nhờ sự phó thác cậy trông vào Chúa. Nhờ ơn nâng đỡ của Ngài, chúng ta không còn sợ hãi. Nhờ phúc lành của Chúa, những lo lắng ưu sầu của cuộc sống sẽ biến thành niềm vui và hy vọng. Thực tế đã chứng minh cho chúng ta, người tin tưởng vào Chúa luôn lạc quan, vì họ xác tín rằng Chúa luôn đồng hành với họ trên mọi nẻo đường. Khi khích lệ chúng ta: Đừng sợ! Chúa cũng sai chúng ta lên đường để kể lại những điều lạ lùng Chúa đã và đang làm cho mỗi chúng ta. Như thế, chúng ta sẽ góp phần giảm thiểu những nỗi sợ hãi đang ám ảnh nhiều người trong cuộc đời.
Sống ngay lành và thánh thiện; vững vàng phó thác và cậy trông nơi Chúa quan phòng, đó chính là thông điệp mà Lời Chúa muốn gửi đến chúng ta.
Chi tiết
- Ngày: 25/06/2023
- Tác giả: Lm. Anmai