Nội dung

 

1 2 number gold isolated 600w 229485289 jpgChúa luôn đòi chúng ta ưu tiên Số 1 cho Chúa: phải dâng cho Chúa lễ vật tinh tuyền nhất, nguyên vẹn nhất, tốt lành nhất, và phải yêu mến Chúa hết lòng, hết sức, trên hết mọi sự. Ấy thế mà, khi chọn cho mình, Chúa lại thích chọn “Số 2” hơn là “Số 1”. Thật ra, những lời ca tụng, những lễ vật chúng ta dâng cho Chúa có tốt đẹp đến mấy, thì cũng có thêm gì cho Chúa đâu, nhưng, đó là lòng hiếu thảo và biết ơn của chúng ta đối với Chúa, và Chúa đón nhận tấm lòng thành của ta, sinh ơn ích cho chính chúng ta.

Trong Cựu Ước: giữa Cain và Aben, Chúa thích chọn Aben; giữa Ítmaen và Ixaác, Chúa thích chọn Ixaác; giữa Êsau và Giacóp, Chúa thích chọn Giacóp; giữa Saun và Đavít, Chúa thích chọn Đavít… Trong Tân Ước: giữa Gioan, người môn đệ được Chúa thương mến và Phêrô, người chối Chúa 3 lần, Chúa lại thích chọn Phêrô, để ông tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa Hằng Sống”, và trên đức tin đá tảng của Phêrô, Chúa đã xây dựng Hội Thánh, và đã trao cho ông chìa khóa Nước Trời, chứ không phải cho Gioan. Cũng tương tự như thế, giữa cô Maria, người được Chúa khen ngợi là “đã chọn phần tốt nhất”, và cô Mácta, người bị Chúa trách nhẹ là “băn khoăn lo lắng nhiều việc quá!”, Chúa lại thích chọn Mácta: là người phụ nữ đầu tiên và duy nhất được vinh dự tuyên xưng: “Thầy là Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian” …

Thật vậy, quyết định của Chúa, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được (x. Rm 11,33), như trời cao hơn đất bao nhiêu, thì đường lối của Chúa, và tư tưởng của Chúa cũng vượt trên đường lối và tư tưởng của loài người chúng ta như thế (x. Is 55,9). Chúa thích thì Chúa chọn, Chúa thích chọn Ítraen là dân riêng của Chúa, đó là tự do của Chúa. Chúa thích chọn chúng ta để chúng ta được hưởng ơn cứu độ của Chúa, đó cũng là do tình yêu nhưng không của Chúa.

Tất cả đều do quyết định của Chúa, đều xuất phát từ tình yêu thương vô bờ bến của Người. Tại sao Chúa lại chọn cách thức khiêm nhường, tự hủy, để biểu tả tình yêu của Người? Điều này là một mầu nhiệm, Chúa chỉ mặc khải cho những ai bé mọn và khao khát muốn bắt chước Chúa trao tặng tình yêu đó cho tất cả mọi người.

Đức Giêsu ngồi trên lưng lừa để vào thành thánh Giêrusalem. “Ngựa” được dùng để chiến đấu ngoài sa trường, biểu tượng cho sự mạnh mẽ, oai hùng, còn “lừa” được dùng để chỉ sự khiêm nhường, ôn nhu. Đức Giêsu đích thực là vị Vua Hòa Bình, mang bình an đến cho nhân loại. Người đến không phải để luận phạt, nhưng là: để yêu thương; không phải để lên án, nhưng là: để giải thoát; không phải để biểu dương quyền lực của khí giới, nhưng là: để chiến thắng bằng sức mạnh của tình yêu. Nào chúng ta hãy vui mừng hoan hỷ: vì Đức Vua đang đến với chúng ta: Người là Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên một con “lừa con”, vẫn còn theo mẹ.

Đức Giêsu không cưỡi “lừa mẹ” đã có ách, mà lại: dùng “lừa con” chưa ai cưỡi. “Lừa con chưa ai cưỡi” mang ý nghĩa thiêng liêng đặc biệt: “Lừa mẹ” là dân Dothái đã từng mang ách Lề Luật, còn “lừa con” là dân ngoại, trong đó có chúng ta, chưa từng phải mang ách Lề Luật. Ách Lề Luật thì nặng nề và đau khổ, còn ách Giêsu thì êm ái và nhẹ nhàng, bởi vì, chính Người đã chịu bị sỉ nhục, bị nhạo cười, để chúng ta biết nhẫn nhục chịu đựng người khác; Người đã bị lột trần trụi và chịu đóng đinh chân tay vào thập giá, để chúng ta biết đóng đinh tính xác thịt mình vào Thánh Giá Người; Người đã dang tay trên thập giá, để chúng ta biết giơ tay cầu xin những điều tốt lành, và mở tay làm phúc cho hết mọi người, kể cả, cho những người thù ghét, bách hại chúng ta.

Noi gương Đức Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, chúng ta hãy lấy hết lòng khiêm nhường, trí khiêm hạ và hoàn toàn khoét rỗng chính mình, để dọn đường: đón Đức Giêsu đi vào tận sâu thẳm tâm hồn chúng ta. Chúng ta hãy cởi bỏ những chiếc áo, đính đầy những quyến luyến lệch lạc của thú vui trần thế, để mặc lấy Đức Kitô, Đấng đã chấp nhận bị lột trần trụi trên thập giá, để che đậy sự tủi hổ của chúng ta.

 Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB

Chi tiết