Hai khuôn mặt, hai tấm lòng
Nội dung
HAI KHUÔN MẶT, HAI TẤM LÒNG
Máccô 12:38-44
Hôm nọ, một thanh niên đến cộng đoàn của mẹ Tê-rê-xa thành Calcutta và nói với mẹ: “Có một gia đình người Ấn với ba đứa con không có gì ăn đã khá lâu”. Mẹ với ngay túi gạo dành nấu bữa tối, đi với người thanh niên tới gia đình này. Tới nơi, mẹ thấy ngay bóng dáng của thần chết hiện rõ trên khuôn mặt những đứa trẻ. Thân hình chúng chỉ còn da bọc xương. Tuy bị cơn đói hành hạ, bà chủ nhà vẫn lấy túi gạo mẹ Tê-rê-xa đem biếu chia làm hai phần, rồi lấy một phần đem đi. Lúc bà trở về, mẹ hỏi: “Bà vừa đi đâu và đã làm gì?” Bà đáp: “Họ cũng rất đói”. Mẹ hỏi: “Họ là ai?” - “Đó là một gia đình Hồi giáo cùng với 8 đứa con đang sống bên kia đường”. Mẹ Tê-rê-xa vô cùng xúc động trước nghĩa cử hy sinh ấy. Nhưng ngay lúc đó, mẹ cũng se lòng vì mới cách mấy hôm, trước mặt nhiều người, một thầy Bà-la-môn giàu có đã hứa là sẽ cho mẹ một số tiền để giúp đỡ kẻ nghèo khổ. Nhưng sau đó, khi mẹ sai người đến lấy, vị tu sĩ đã lờ đi.
Câu chuyện trên đây trình bày cho chúng ta hai khuôn mặt, hai tấm lòng trái ngược nhau hẳn. Nhưng thê thảm hơn, chính là sự ngược đời trong bản thân và hành động của mỗi một trong hai con người ấy. Đó cũng là điều ta nhận thấy trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay.
Khuôn Mặt Vị Kinh Sư “Giàu Có”
“Kinh sư” là các chuyên gia nghiên cứu và giảng Kinh Thánh cách chính thức. Sau khi học hỏi lâu dài, vào khoảng 40 tuổi, họ được công nhận vai trò và trở thành những cố vấn chính thức trong các quyết định pháp lý. Cả Đức Giê-su lẫn các tông đồ đều đã chẳng nhận được sự huấn luyện thông thái như vậy. Nhưng ngay từ đầu, giới kinh sư đã không ngừng chống lại Đức Giê-su. Chỉ riêng trong Mác-cô, các cuộc tranh chấp cũng đã nhiều lắm (x. Mc 2,6; 3,22; 7,1; 11,18). Hôm nay, Người đưa ra một lời cảnh giác nghiêm trọng. Đây là phen lên tiếng công khai sau hết của Người trước khi chịu thương khó, vài tuần trước khi bị xử án bởi Thượng Hội Đồng trong đó họ chủ tọa. Phần Mát-thêu thì đã gom lại cả một diễn từ của Đức Giê-su về cùng chủ đề: “Khốn cho các ngươi, hỡi giới kinh sư!” (Mt 23). Kiến thức không đương nhiên tạo ra nhân đức... kể cả kiến thức tôn giáo !
Đức Giê-su cảnh giác điều gì về họ? “Họ ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng, thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng...”. Có lắm Ki-tô hữu phẫn nộ trước việc Giáo Hội hiện thời cố gắng tước bỏ khỏi mình mọi vẻ huy hoàng lộng lẫy. Tuy nhiên phải công nhận rằng nỗ lực chưa xong ấy hoàn toàn tương ứng với một đòi hỏi của Đức Giê-su. Thời nào cũng thế. Giáo Hội luôn gặp nguy cơ rơi vào cám dỗ kinh khủng của uy thế đặc quyền, xa mã xênh xang, áo thụng xúng xính, tước vị danh dự. “Thói biệt phái” (pharisaisme, hay thói vụ hình thức) bị Đức Giê-su kết án như thế là thói sử dụng những “dấu chỉ bên ngoài” để lôi kéo lòng kính trọng của kẻ khác, và hưởng nhiều quyền ngoại lệ. Ngày nay có một thói biệt phái mới cũng dối trá như vậy, tức khoe mình bằng cách tỏ ra “ta đây đúng thời thượng”, chọn lựa “những lập trường tiến bộ nhất”, cho dẫu chúng trống rỗng!
Nhưng không những chỉ có thế, Đức Giê-su còn quở trách các kinh sư “hám của” lẫn “giả hình”: Hẳn họ đòi “thù lao” quá đáng đối với những ai đến xin ý kiến, một thái độ càng trầm trọng hơn đối với hạng được xem như đạo đức, cầu nguyện lâu giờ. Ai muốn công bố các đòi hỏi của Lời Thiên Chúa cũng phải rất đòi hỏi đối với chính mình. Khi các Ki-tô hữu, nhất là hàng giáo sĩ, gây nên những bất công xã hội, lem nhem trong chuyện tiền bạc, thì quả là nghiêm trọng. Thiên Chúa lắng nghe tiếng kêu của những ai bất hạnh khó nghèo. Người “xử công minh cho kẻ bị áp bức, nâng đỡ hạng cô nhi quả phụ” (Tv 145,7.9). Ai cho rằng mình đứng về phía Thiên Chúa qua lời cầu nguyện, thì phải đặc biệt liêm khiết và công bình.
Khuôn Mặt Bà Góa Phụ Nghèo Khổ
Tương phản với khuôn mặt vị kinh sư giàu có (giàu về kiến thức, địa vị, tiền của) nhưng nghèo nhân đức là bà góa phụ nghèo khổ nhưng giàu lòng quảng đại. Câu chuyện về bà được “nhà làm phim” Mác-cô dựng lại rất thiện nghệ. Ta hãy thưởng thức thiên phóng sự chính xác của ông.
Đức Giê-su đã chọn một vị trí quan sát tốt: ngồi trên các bậc thềm Đền thờ, trước các hòm quyên tiền... và nhìn đám đông khách hành hương diễu hành trước mặt. Vào thời Người (cũng như hôm nay), có nhiều giai cấp xã hội với những thu nhập không đồng đều. Các nghiệp chủ, thương nhân, kinh sư, thượng tế thời ấy đều giàu có và sở hữu những lâu đài thực sự, với tất cả tiện nghi và xa hoa tại Giê-ru-sa-lem: nhiều phòng ốc, bể bơi, vườn cảnh, hàng cột cẩm thạch... trong khu vực giới vị vọng. Còn những kẻ nghèo thì sống qua ngày, và cư ngụ “xóm dưới” của thủ đô.
Này đây ca-mê-ra của nhà làm phim cho một cận cảnh: “Một góa phụ”: “Người đàn bà nghèo khổ này tiến đến. Khuôn mặt thật khiêm tốn giữa bao người. Không danh vị, không vang tiếng nơi nơi. Một góa phụ chẳng ai hay biết...”. Một phụ nữ trong cái thế giới bị nam nhân làm chủ. Một bà góa trong cái thế giới chỉ công nhận quyền của đàn ông. Một người đàn bà nghèo, không có lợi tức. Cái nhìn của Đức Giê-su dừng lại trên bà.
“Bà bỏ vào thùng hai đồng tiền kẽm”. Tương phản biết bao với những “số tiền lớn” của mấy người khác! Nhưng hai đồng tiền kẽm, lọt thỏm trong lòng bàn tay bà, được Đức Giê-su chiêm ngưỡng và Người đã đưa ra một tính toán kỳ lạ: “Bà đã cho nhiều hơn ai hết”. Đức Giê-su lật nhào tôn ti trật tự của xã hội chúng ta. Người khinh thường các phân loại của chúng ta, các “giai cấp” của chúng ta, với những bậc sắp xếp kỹ lưỡng, mà leo lên được là coi như thăng tiến. Sang giàu, được tôn kính, ở đỉnh thang xã hội, “xúng xính trong bộ áo thụng”, “ngồi chỗ nhất trong đám tiệc”... tất cả những cái đó chẳng khiến Đức Giê-su quan tâm! Phần chúng ta thì sao? Phản ứng thế nào trước “Tin Mừng” này? Phải chăng nó quấy rầy, làm chúng ta khó chịu? Phải chăng ta vẫn bình chân như vại, chỉ nhún vai chút xíu? Phải chăng không có những người bị ta khinh bỉ vì chủng tộc, vì nghề nghiệp, vì môi trường xã hội, vì thân phận nghèo túng? Và Đức Giê-su cắt nghĩa lý do: “Vì mọi người đều lấy của dư bỏ vào, còn bà ấy lấy túng thiếu mà bỏ vào” (bản dịch Nguyễn Thế Thuấn). Ta không thể lòe mắt, tung hỏa mù trước mặt Thiên Chúa! Người thấy tận đáy con tim. Bà góa đã cho hơn hết, vì bà đã đặt vào tất cả. Để biết giá trị của một món quà, chớ nên nhìn cái được ban tặng, nhưng là cái còn lại cho kẻ tặng ban! Thiên Chúa nhìn như thế đấy: Người thấy cái còn lại trong két sắt hay trong tài khoản ngân hàng.
Thiết tưởng nên suy niệm mấy chữ được Đức Giê-su dùng. Những ý niệm đơn giản. “Túng thiếu”: đó là tình trạng của kẻ không có những cái cần để sống... “Cái cần thiết”: là cái tương ứng với một cuộc sống bình thường... “Cái dư thừa”: là tất cả những gì người ta có vượt quá sự cần thiết... Dĩ nhiên, đây không phải là những giá trị số học cố định. “Cái cần thiết” dừng ở nơi đâu? Nơi đâu khởi sự “cái dư thừa”? Nhưng với tất cả sự uyển chuyển, chúng ta bó buộc phải công nhận rằng có quá nhiều khác biệt giữa các điều kiện sống của con người trong cùng một xứ sở, và nhất là từ nước này sang nước khác. Với những gì được ném trong các thùng rác ở New York (Hoa Kỳ), người ta có thể nuôi sống một thành phố tương đương trong thế giới thứ ba! Các sự phí phạm của chúng ta đang vang lên thấu trời và tát vào mặt những ai nghèo khổ. Đức Giê-su đã dám nói rằng một số kẻ thời Người có “dư dật”... còn hôm nay, Người sẽ nói thế nào đây?
Người sẽ lên tiếng mạnh mẽ và lật ngược mọi giá trị, vì Người không thấy cùng những sự việc như chúng ta: “Con Người lúc ấy đứng ngắm nhìn. Và thấy tấm lòng cho tất cả. Trên kẻ nghèo, mắt Chúa giáng hạ. Họ là nỗi hân hoan của Người !” Đức Giêsu đã ca ngợi bà góa nghèo khổ có hai đồng tiền đó. Trong thực tế, Người nghĩ gì về lòng quảng đại của ta? Phải chăng ta “cho” thật? Bao nhiêu? Thế nào? Ngày nay, có lẽ chúng ta nói rằng bà ấy có đủ lý do chính đáng để giữ tiền mình lại mà để những người khác “cho”. Nhưng Thánh Vinh-sơn Phao-lô từng nói: “May cho những kẻ nghèo là có những kẻ nghèo, họ biết cho thật”. Sự chia sẻ nào thật hơn sự chia sẻ của người mẹ Ấn Độ đã thấy trên kia?
Với những nhận định vừa nói, ngay chính lúc sắp bước vào cuộc Khổ nạn, Đức Giê-su đã cho chúng ta biết ý nghĩa cái chết đang đến gần của Người: bà góa này là “thánh tượng” của Thiên Chúa, Đấng cho “tất cả”, tất cả những gì Người có để sống! “Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó để làm cho chúng ta trở nên sang giàu”, thánh Phao-lô đã dám nói vậy (2Cr 8,9). Tình yêu không tính toán! Thiên Chúa là tình yêu: Người đã chẳng tính toán, Người đã cho tất cả ! Sỡ dĩ Giáo Hội sơ khai đã giữ lại giai thoại xem ra không quan trọng này, xảy ra ngay trước cuộc Khổ nạn, đó là vì Giáo Hội tự nhủ: vâng, Đức Giê-su đã nhận ra mình trong người phụ nữ “cho tất cả” đó... PVL
Chi tiết
- Ngày: 11/11/2021
- Tác giả: Lm. Anmai