Lợn – heo & những câu chuyện đời
Nội dung
Heo người Bắc gọi là lợn mà lợn thì người Bắc gọi là heo.
Heo hay lợn gì đi chăng nữa cũng là nỗi ám ảnh của nhiều người ...
Sáng sớm, vừa sau điểm tâm, mẹ của con bé trong làng ra nhờ Cha Sở ký giấy để xin học bổng. Con bé đi học nhưng gia cảnh khốn khó nên phải chắt chiu cũng như dựa vào nguồn học bổng.
Trong thời gian chờ ký cũng như nán lại muốn chia sẻ về cuộc đời. Sau khi chần chừ thì người phụ nữ nói : "Xin Cha thêm lời cầu nguyện cho con vì con đang như người mất hồn. Đàn heo vừa mang về nuôi đang bị dịch bệnh. Mấy ngày nay các cha đừng ăn thịt heo nhé ! Người ta bán có 5 chục ngàn một ký thôi !".
Dừng một lát, chị nói thêm : "Vốn mua heo đâu phải của con, Nhà Nước cho mượn đó ! 30 triệu. Con mua 8 con nhưng chết 1 con còn 7 con bỏ ăn rồi ... Đợt vừa rồi con nuôi được lời 10 triệu nên nuôi tiếp !".
Tò mò hỏi thêm
- Nuôi như vậy mất mấy tháng ?"
- Dạ hơn 3 tháng ! Tiền cám tiền thuốc bán đi thì còn dư 10 triệu !
Nghe chị nói xong chỉ biết ngậm ngùi. Tất cả công sức và tâm tình cho bầy heo để sau 3 tháng thu được 10 triệu thì cũng chả là bỏ công để lấy lời đó sao ? Tính ra 3 triệu 1 tháng cứ có to lớn gì đâu.
Mà nuôi heo đâu phải dễ. Nếu như dễ thì nhà nào cũng đã nuôi rồi. Khi "rước" đàn heo về cũng chính là lúc mà người ta đặt tiền vào canh bạc bởi họ phải đối diện với cám cảnh hên xui. Hên nêu như sau hơn 3 tháng đủ ký mà heo không dịch bệnh và ngược lại.
Điều nghi ngại nhất đó chính là chuyện dịch bệnh. Nuôi heo, bấy lâu nay đã là nỗi ám ảnh không chỉ của riêng ai hay của riêng một vùng nào.
Cách đây cũng không lâu, gia đình của một cha anh ở Bảo Lộc cũng đã rơi vào cảnh cầm cố sổ đỏ cho ngân hàng cũng bởi tại ... nuôi heo. Bi đát là gia đình ở Bảo Lộc nuôi không chỉ bầy nho nhỏ năm ba con như những hộ cá thể mà nuôi cả ngàn con. Chính vì vậy, khi dịch bệnh thì gia đình đành ngậm ngùi chua xót vì bao nhiêu tiền của đều theo con heo chôn xuống ruộng.
Chị em dâu của Cha anh nói : "Cha biết không ? Anh chồng con sợ để sổ đỏ ở nhà không bảo đảm nên ảnh để cho ngân hàng cấyt giữ !"
Câu nói xem ra là đùa nhưng bao phần chua xót. Người dân lam lũ cực nhọc nhưng cuối cùng là dành cho phần đóng lãi. May chăng được chớ thì có chút chút gì đó để nuôi thân. Có những người còn có sổ đỏ để "cắm" chứ có nhiều người cũng chả còn gì để cắm vì sổ đỏ đã nằm ở ngân hàng bao năm tháng.
Hình bóng người phụ nữ tiều tụy đối đầu với nạn dịch heo quay bước nhưng nỗi nhọc nhằn và cay đắng của phận đời còn đâu đó quanh đây.
Giữa cuộc sống vốn đã nghèo nay lại khó hơn vì dịch bệnh Covid lại chồng thêm dịch lợn nữa thì chỉ có mà chết. Tương lai của những hộ nghèo lại cứ mãi nghèo vì cái nghèo nó cứ như muốn ôm chầm những mảnh đời cơ cực.
Nhiều lần nhiều lúc như nát cái đầu để nghĩ ra lối thoát cho những người nghèo nhưng làm sao thoát được ? Mỗi địp đến nhà họ thăm thì nhìn lên nhìn xuống nhìn trước nhìn sau thì gia đình họ chả có gì để mất.
Nghèo ơi ! Sao nghèo lại cứ mãi miên man ôm chầm lấy những người nghèo như vậy ? Nên chăng ngươi buông những mảnh đời cơ cực một thời gian để họ ngẩng mặt nhìn đời chứ !
Dịch ơi ! Dịch mau đi để cho cuộc sống của những người nghèo mau ổn chứ mi ở lại mãi làm chi?
Hình ảnh của những người nghèo, của những bầy heo dịch và của những đám ruộng khô căn thấy đời sao chua xót quá ! Lại những băn khoăn giấc chẳng lành khi nhìn đến những phận đời cơ khổ.
Chi tiết
- Ngày: 28/09/2020
- Tác giả: Linh mục Anmai CSsR