Làm chủ bản thân, không chỉ sống cho riêng mình
“Chúng ta không thể chỉ sống cho bản thân. Có hàng ngàn sợi dây buộc ta với đồng loại.” Herman Melville
Giáo hội luôn thừa nhận: “Người trẻ làm phong phú Giáo hội và thế giới bằng nhiều cách”
“Trước hết bằng việc nên thánh: “Hương thơm thánh thiện tỏa ra từ đời sống lành thánh của biết bao người trẻ có thể băng bó các vết thương của Giáo hội và của thế giới, và đưa chúng ta trở lại với tình yêu viên mãn mà chúng ta đã được kêu gọi từ thuở đời đời” (Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 50).
“Đồng thời, các bạn trẻ cũng thể hiện sự thánh thiện qua việc sống đức ái trong gia đình và trong xã hội. Nhiều người trẻ tham gia tích cực vào các hoạt động giáo xứ hoặc dấn thân vào các hoạt động bác ái xã hội.”
“Các phong trào vì môi trường ngày càng phổ biến mà thành phần đông đảo là người trẻ. Tất cả làm nên sức sống trẻ trung của Giáo hội, đồng thời là sự dấn thân cụ thể để Phúc âm hóa xã hội và thế giới, mở rộng Triều đại của Thiên Chúa” (x. Tông huấn Chúa Kitô đang sống, số 168).
Mạnh Tử đã cho chúng ta lời nhận định về triết lý nhân sinh của mình như sau: “Trọn hết cái tâm của mình thì biết cái tính của mình. Biết được cái tính của mình thì biết đến Trời vậy. Giữ được cái tâm của mình, nuôi được tính của mình là để phụng sự Trời vậy.”
Nếu “cái Tâm” của chúng ta không được hun đúc tu luyện và làm trong sáng, nhạy bén theo thời gian, thì con người chúng ta dần trở nên tối tăm, khô cằn, què quặt. Thật ra, giữ được cái tâm, nuôi được cái tính là chuyện không dễ dàng chút nào giữa cảnh đời muôn mặt đổi thay nhất là giữa các thế lực của “bóng tối” là dục vọng nằm sâu bên trong mỗi người. “Cái tâm” của chúng ta có thể trở nên tồi tệ hơn nếu chúng ta không có nhận thức đúng đắn về mình.
Truyện cổ Ấn Độ kể rằng có một chú chuột nhắt bị trầm uất thê thảm vì lúc nào cũng phập phồng lo sợ các chú mèo. Một pháp sư thấy vậy nên thương tình biến nó thành mèo. Thế nhưng chú mèo đó lại sợ chó.
Pháp sư lại hóa phép cho nó thành chó. Sau khi đã thành chó, nó đâm ra sợ con báo. Thế là pháp sư phải biến nó thành một con báo.
Bấy giờ nó lại sợ đám thợ săn. Tới như vậy rồi thì vị pháp sư cũng đành bó tay. Ông suy nghĩ và biến nó trở lại thành chú chuột nhắt như trước kia, và nói: “Tao có biến mày thành giống gì đi nữa thì cũng vô ích thôi, bởi vì cái tâm của mày vẫn là cái tâm con chuột”.
Cuộc sống của chúng ta cũng không khác gì. Thay đổi hình thức hay tính cách bên ngoài cũng chẳng đi đến đâu. Điều quan trọng là trở nên chính mình như mình đã được sinh ra với “tính bản thiện”.
Giữ vững và phát sáng cái chân tâm của mình giữa cuộc sống “ba chìm bảy nổi” này đó mới là làm nên chính mình. Biết tận dụng mọi cảnh đời mà chúng ta đã, đang và sẽ trải qua như những chất liệu để xây dựng bản thân mình, để trở nên chính mình. Đó mới là con đường chúng ta phải đi, cái đích chúng ta nhắm đến!
Không phải những thay đổi bên ngoài làm cho chúng ta đạt tới phẩm chất làm người mà là những thay đổi bên trong từ chính thâm tâm của mình, một cái tâm được khơi trong gạn đục để trở nên sáng và nên cao quý giữa cuộc đời tục lụy này. Để làm được như thế, mỗi ngày chúng ta cần đối diện với chính mình. Điều này đòi hỏi chúng ta biết nhận định về bản thân và làm sáng tỏ cái tâm thiện của mình, cái tâm nhạy bén với nỗi đau của đồng loại và với cả muông thú, cỏ cây nữa, và dám sống là chính mình với một tâm hồn đơn sơ, hồn nhiên trong sáng và an bình.
Có lẽ trong con người, điều quý giá nhất chính là Lòng nhân. Lòng nhân ái là sự thể hiện của “tính bản thiện” nơi mỗi người. Lòng nhân chính là gốc rễ của các hành vi khác. Hãy để những gì chúng ta làm đều phát xuất từ lòng trắc ẩn, từ lòng yêu thương người khác, từ cái tâm. Cái tâm trong mỗi người cần được nuôi dưỡng, phát huy, giữ cho sáng, và cần phải được xem lại thường xuyên để giữ độ nhạy bén, trong sáng trước cám dỗ và bụi bặm của bên ngoài xã hội. Những thế lực đen tối, xu hướng quay về những điều dễ dãi, lòng tham và dục vọng… đang chực sẵn trong lòng mỗi người.
Kinh nghiệm sau đây nói lên bài học về lòng nhân ái tuyệt diệu của sư thầy Sri Yukteswar. Có lẽ dư âm của nó khó phai trong cuộc đời của nhà sư trẻ Mukunda. Một gương sống cụ thể, tốt lành của thầy đã lay động lòng người môn đệ còn hơn nhiều năm đèn sách, tu luyện. Chính người môn đệ ấy đã ghi lại như sau:
Chỉ những ai biết cống hiến chân tình và vị tha, biết từ bỏ và cho đi mới trải nghiệm niềm vui sâu xa của cuộc sống và sự sung mãn thật sự. (Theo Lưu Dung)
“Xã hội này thật có nhiều điều, nhiều nơi để cống hiến. Ngoài những vật hữu hình, chúng ta còn cung cấp cho mọi người sự cỗ vũ, khích lệ tinh thần khiến cho thế giới này đâu đâu cũng tràn đầy niềm vui.”
Hiện nay, đời sống vật chất ở thành thị hay thôn quê, ít nhiều đều được cải thiện, nhưng đời sống tinh thần lắm khi lại bị tụt hậu. Bao nhiêu người nhận xét về sự băng hoại trong thực tế về mặt đạo đức và giá trị tinh thần. Một tác giả vô danh đã đề nghị chúng ta “nên suy nghĩ lại” vì:
– Chúng ta ngày càng có nhiều cao ốc hơn, và nhiều xa lộ rộng hơn, nhưng lòng khoan dung lại thấp đi và tinh thần hẹp hòi hơn…
– Chúng ta nói năng nhiều hơn, nhưng yêu mến ít và lòng thù ghét quá nhiều…
– Chúng ta có của cải tăng nhiều lần, nhưng giá trị mình giảm lại…
– Chúng ta có thu nhập cao hơn, nhưng luân lý đạo đức kém đi…
– Chúng ta đã lên mặt trăng và trở về trái đất, nhưng lại cảm thấy khó khăn khi băng qua đường để thăm người hàng xóm…
Niềm vui thanh nhã và sâu lắng chính là những lúc quên mình và sống cho người khác. Chúng ta rất cần giúp nhau mở lòng, mở hầu bao, mở cửa nhà mình để chia sẻ, và để làm sao cho :
– “Hương thơm trong nhà nho nhỏ của mình lan toả đến nhà bên cạnh và đến nhiều người càng tốt;
– Niềm vui chật hẹp của mình lan rộng tới mọi ngỏ ngách của xã hội;
– Lò lửa trong nhà chúng ta sưởi ấm mọi trái tim lạnh giá;
– Ngọn đèn trước thềm nhà chiếu sáng đường đi cho người về khuya…”
Sống cho người khác lại làm cho cuộc sống chúng ta trở nên sung mãn hơn, nhẹ nhàng hơn, ý nghĩa và phong phú hơn.
“Chính lúc hiến thân là lúc nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…” Francis Assisi
Chúng ta cần chia, cần cho, cần cống hiến những gì mình có, và rồi chúng ta sẽ nhận lại niềm vui tinh thần. Người ta thường nói rằng: Khi xức nước hoa cho người khác, chúng ta cũng được thơm lây. Thật ra, đây không phải là điều chúng ta tìm kiếm, không phải vì lợi lộc cho chính mình, nhưng thực tế đã cho thấy, người đầu tiên nhận hoa trái của sự tốt lành, quảng đại chính lại là bản thân người đã cho đi vì thường khi: “Từ nụ cười của người khác, ta nhìn thấy nụ cười của chính ta.” (Lưu Dung)
Trong Đạo Đức Kinh, Thầy Khổng Tử đã nhắc nhở chúng ta: “Sở dĩ trời đất trường cửu được là vì chúng không sống cho riêng mình, mà sống cho vạn vật nên mới trường cửu.” Các thánh hiền xưa cũng đã răn dạy chúng ta luôn để ý đến cái ích lợi cho người khác. Cụ Nguyễn Công Trứ đã thao thức và căn dặn hậu thế:
“Làm quan cốt để giúp đời, phải đâu riêng hưởng một đời ấm no.”
Những người sống cho người khác đều đáng kính, và nhất là đáng tin. Sách Luận Ngữ đã nhắc nhở : “Người nào coi trọng sự hy sinh cho thiên hạ, thì có thể giao thiên hạ cho người đó được. Người nào đem thân mình vui vẻ phục vụ thiên hạ, thì có thể gởi thiên hạ cho người đó được.”
Tinh thần vì người khác, vì ích chung luôn được các tôn giáo chú trọng. Trong bất cứ xã hội nào, các nhà hiền triết và thánh hiền cũng như hàng lê thứ đều giáo dục thế hệ trẻ biết sống và thực thi tinh thần “mình vì mọi người”. Tuy thế, dường như trong xã hội ngày nay, điểm son của tính vị tha và hướng tha bị phai mờ vì chủ trương lợi nhuận của kinh tế thị trường. Cá nhân chủ nghĩa đã và đang ảnh hưởng lên cách sống, cách ứng xử của nhiều người, nhất là giới trẻ. Ước mong những người lớn tìm cách chuyển tải và duy trì những giá trị truyền thống cao cả này cho thế hệ mai sau.
Tuổi trẻ chưa có bạc vàng hay của cải gì, nhưng có tấm lòng. Lòng tốt luôn có phản hồi, vì những gì đã gieo, chúng ta sẽ gặt lại. Hoa quả đầu tiên là sự kính trọng, niềm vui sâu xa và an bình nội tâm của kẻ không chỉ sống cho riêng mình. Nhân gian thường nói:
“Người ta kính trọng bạn
không phải vì những gì bạn đã nhận được,
sự kính trọng là phần thưởng
dành cho những gì bạn đã cho đi.”
Dòng đời luôn chảy theo hướng: Cho là nhận – và nhận là để cho đi như:
“Tất cả dòng sông rồi sẽ đi về biển, từ biển bao la sẽ rót vào những dòng sông mênh mông tràn đầy, mạch luân lưu không ngơi nghỉ ấy là cuộc sống.” Hương Bình
Chính khi chúng ta tạo cho người khác cơ hội thì đừng cho rằng đó chỉ là đem lại lợi ích cho người khác, mà kỳ thực cũng là đem lại một cơ hội cho bản thân ta. Về phương diện này, Anthony de Mello có kể câu chuyện rằng:
“Một nông gia trồng bắp có thói quen đem giống bắp tốt nhất của mình biếu không cho bà con lối xóm, nhưng năm nào ông cũng giựt giải nhất ở hội chợ nông sản của toàn tiểu bang.
Khi có người hỏi nguyên do, ông giải thích, “Thật ra cũng vì lợi ích của mình thôi. Gió thường thổi phấn hoa bay tứ tán từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Vì vậy, nếu hàng xóm trồng giống xấu, thì hiện tượng thụ phấn hỗn hợp sẽ làm giảm phẩm chất thứ bắp của tôi. Do đó, tôi cũng phải liệu cho họ trồng giống bắp hảo hạng như tôi”.
Những gì chúng ta tặng cho tha nhân là tặng cho chính mình vậy! Thường thì không mấy ai nghĩ đến những gì sẽ xảy ra khi mình chia sẻ, hay làm gì cho người khác. Chúng ta làm theo sự mách bảo của con tim, theo những gì mình cảm thấy cần làm, vì nhu cầu của người anh em đồng loại. Nhưng chuyện đời thường cho chúng ta thấy: những gì mình gieo vãi, mình sẽ gặt được, và được gấp bội. Chính lúc không chờ, nhiều chuyện bất ngờ có lợi cho chúng ta xảy đến.
Những người có lòng cảm thương, con tim nhạy bén trước nỗi đau của người khác thường có những phản xạ rất chính xác. Trực giác sẽ mách bảo cho chúng ta những gì cần làm. Chúng ta cần tỉnh thức và lắng nghe tiếng lòng mình. Đó là những lời mách bảo đầy tình và ý nghĩa. Xin đừng bỏ qua. Câu chuyện sau đây sẽ chứng minh điều này.
“Chị tôi dành dụm vốn liếng định mua một mảnh đất ở ngoại thành. Hẹn được với người ta mang tiền đến đặt cọc, chị vội vã gọi taxi. Dọc đường, chị bắt gặp một đoàn nam phụ lão ấu hớt hơ hớt hải bồng một cô bé bị trâu húc vẫy xe xin đi nhờ lên Hà Nội cấp cứu. Chị tôi lập tức bảo anh lái xe quay xe, đưa cô bé con, người mẹ, và cả chị thẳng về Hà Nội. Mẹ cô bé tê liệt vì sợ hãi, chỉ biết ôm con khóc ròng. Một mình chị lo toan cho cô bé vào phòng cấp cứu, nhập viện, thậm chí đóng luôn cả tiền viện phí khi biết người mẹ không có nổi 100 nghìn trong túi. Khi chắc chắn là cô bé an toàn, chị mới trở về nhà, không bao giờ nhắc đến chuyến xe ấy tốn kém bao nhiêu, tiền viện phí thế nào, hay buồn vì mảnh đất ưng ý kia không kịp đặt cọc đã qua tay người khác. Và cứ đến Tết, nhà chị lại có thêm những người khách từ quê ra.”
Sự bình an, những quyết định đơn giản mà quyết liệt, đó là dấu hiệu của những người có trái tim to trong lồng ngực nhỏ, những người luôn ý thức những gì nhận được là để sẻ chia!
Có khi nào trên đường đời tấp nập,
Ta vô tình đi lướt qua nhau,
Bước lơ đảng chẳng ngờ đang để mất,
Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu!
(Vô Tình – Bùi Minh quốc)
Có lẽ “Một tâm hồn đang đợi đã từ lâu” để được giúp đỡ là chú bé Lula sau đây. Ai ngờ được cái duyên giữa chú bé đánh giày Lula và ông chủ tiệm giặt ủi thuở nào đã làm nên một sự kiện đáng nhớ cho cuộc đời Lula và đất nước Ba Tây được khởi đầu với 2 đồng bạc chia đôi.
“Chú bé Lula, sinh ra vào tháng 10 năm 1945, tại một gia đình nông dân ở Ba-Tây (Brazil). Vì nhà nghèo, nên từ lúc mới 4 tuổi, thằng nhỏ đã phải đi bán đậu phộng ngoài đường, nhưng vẫn quần áo tả tơi, và thiếu ăn. Khi được lên tiểu học, lúc đó đã dọn lên thủ đô Rio de Janeiro, sau buổi học chú bé thường hay cùng với 2 người bạn cùng lứa đi đánh giầy ở đầu đường, hôm nào không có khách, thì coi như là nhịn đói.
Năm 12 tuổi, vào 1 buổi xế chiều, có 1 người khách là chủ 1 tiệm giặt ủi và nhuộm áo quần đến chiếu cố. Ba đứa trẻ chạy lại chào hàng. Ông chủ tiệm nhìn vào 3 cặp mắt van xin khẩn khoản đó, không biết quyết định chọn đứa nào. Cuối cùng ông ta nói: “Đứa nào cần tiền nhất, thì tôi cho nó đánh giầy, và sẽ trả công 2 đồng”.
Công đánh 1 đôi giầy chỉ có 20 xu, 2 đồng đúng là 1 món tiền rất lớn. 3 cặp mắt đều sáng lên. Một đứa nhỏ nói: “Từ sáng đến giờ cháu chưa được ăn gì cả, nếu không kiếm được tiền hôm nay, cháu sẽ chết đói!“ Đứa khác nói: “Nhà cháu đã hết thức ăn từ 3 ngày nay, mẹ cháu lại đang bệnh, cháu phải mua thức ăn cho cả nhà tối nay, nếu không thì lại bị ăn đòn.”
Cậu Lula nhìn vào 2 đồng bạc trong tay ông chủ tiệm, nghĩ ngợi một lúc, rồi nói : “Nếu cháu được ông cho kiếm 2 đồng này, thì cháu sẽ chia cho 2 đứa đó mỗi đứa 1 đồng!”
Câu nói của Lula làm ông chủ tiệm và 2 đứa nhỏ kia rất là ngạc nhiên.
Cậu giải thích thêm: “Tụi nó là bạn thân nhất của cháu, đã nhịn đói hết 1 ngày rồi, còn cháu thì hồi trưa còn ăn được ít đậu phộng, nên có sức đánh giầy hơn chúng nó. Ông cứ để cháu đánh đi, chắc chắn ông sẽ hài lòng”
Cảm động trước câu nói của thằng nhỏ, ông chủ tiệm đã trả cho hắn 2 đồng bạc, sau khi được hắn đánh bóng đôi giầy. Và thằng nhỏ Lula giữ đúng lời, đã đưa ngay cho 2 đứa bạn mỗi đứa 1 đồng.
Vài ngày sau, ông chủ tiệm đã tìm đến thằng nhỏ Lula, nhận chú bé cứ sau buổi tan học là đến học nghề ở tiệm giặt nhuộm của ông ta, và bao cả bữa cơm tối. Tiền lương lúc học nghề tuy là rất thấp, nhưng so với đánh giầy thì khá hơn rất nhiều.
Thằng bé hiểu rằng: Chính vì mình đã đưa tay giúp đỡ những người khốn đốn, nên Trời mới đem đến cho mình cơ hội làm thay đổi cuộc đời.
Từ đó, miễn là có khả năng, chú bé Lula không ngần ngại giúp đỡ những người sống khốn khổ hơn mình.
Sau Lula nghỉ học đi làm thợ trong một nhà máy. Để bênh vực cho quyền lợi của những người thợ, cậu ta tham gia vào công đoàn. Năm 45 tuổi, Lula lập ra đảng Lao Công.
Năm 2002, trong cuộc ứng cử tổng thống, khẩu hiệu của Lula là: Ba bữa cơm no cho tất cả những người trong quốc gia này. Và ông đắc cử làm Tổng Thống xứ Brazil. Năm 2006 ông đắc cử nhiệm kỳ 2, cho 4 năm tới. Trong 8 năm tại chức, ông ta đã thực hiện đúng lời mình đã hứa: 93% trẻ em và 83% người lớn ở nước này được no ấm. Ông đã thực hành đúng tâm niệm: giúp đời!!
Và nước Ba-tây dưới sự lãnh đạo của ông đã không còn là “con khủng long nhai cỏ” mà đã trở nên “Con mãnh sư Mỹ Châu” và xây nên nền kinh tế đứng thứ 10 trên thế giới. Luiz Inácio Lula da Silva đó là tên của vị tổng thống vừa giải nhiệm vào 31.12.2010.”
Sống cho người khác không phải chỉ là giúp đỡ vật chất, chăm sóc tận tình khi cần nhưng có khi chỉ là lắng nghe chân thành, hay dành một chút thì giờ cho ai đó. Thậm chí một nụ cười cũng làm thay đổi nhiều chuyện như câu chuyện thật đơn giản và ý vị sau đây:
“Có một cô gái cười với một người xa lạ rầu rĩ. Nụ cười làm cho anh ta cảm thấy phấn chấn hơn. Anh nhớ đến sự tử tế của một người bạn cũ và viết cho người ấy một lá thư cảm ơn.
Người bạn này vui sướng vì nhận được thư của người bạn cũ lâu ngày không gặp đến nỗi, sau bữa trưa anh boa một món tiền lớn cho chị hầu bàn.
Chị hầu bàn ngạc nhiên vì món tiền boa quá lớn, đã quyết định mang tất cả đi mua xổ số và trúng số. Ngày hôm sau chị đi nhận giải và cho một người ăn mày trên phố một ít tiền lẻ.
Người ăn mày rất biết ơn vì đã hai ngày nay anh ta chẳng được ăn gì. Sau bữa tối anh ta trở về căn phòng tối tăm của mình. Trên đường về, anh ta thấy một chú chó con đang rét run cầm cập, anh mang nó về để sưởi ấm cho nó.
Chú chó rất vui mừng vì được cứu khỏi cơn bão tuyết sắp đến gần. Ðêm ấy, trong khi mọi người đang ngủ say thì ngôi nhà bốc cháy, chú chó con sủa róng riết. Chú sủa cho đến khi đánh thức tất cả mọi người trong nhà dậy và cứu tất cả mọi người thoát chết.
Một trong những chú bé được cứu thoát đêm ấy sau này trở thành bác sĩ tìm ra một loại vắc-xin chữa khỏi một căn bệnh vô cùng nguy hiểm cho loài người. Tất cả là nhờ một nụ cười.”
Cuộc sống của chúng ta ngày nay quá vội vàng, tất bật, ngắn ngủi. Tình người thường mong manh, dễ vỡ. Giữa vòng xoáy cuộc sống bon chen, ồn ào này, nhiều lúc chúng ta quên đi người bên cạnh, có khi cả người thân yêu nhất. Có lẽ thỉnh thoảng chúng ta cần dừng lại để yêu thương hay để cảm nhận sự yêu thương; ngừng lại để soi lòng, để nhìn lại xem có phải chúng ta đã quá vô cảm, quá lạnh lùng; dừng lại để xem từ bao lâu rồi chúng ta đã không còn rung cảm, nhói đau vì vết thương của một ai đó, bao lâu rồi chúng ta chỉ biết yêu mình! Bao nhiêu lần chúng ta đã không sẵn sàng đưa tay cho người đang chìm nắm lấy hoặc lờ đi trước nhu cầu của một ai trong lúc chúng ta có thể giúp họ? Thật vậy, “Tình yêu và lòng tốt không hề bị lãng phí. Chúng luôn tạo nên một ý nghĩa nào đó. Chúng ban phước cho người nhận được, và chúng cũng ban phước cho bạn, người trao tặng.” Barbara De Angelis
Nếu nói đến những câu chuyện đầy tình, ấm lòng, hay những hành vi vô tâm vô cảm của con người thì vô số kể. Chúng ta chỉ cùng nhau nhìn lại như một cách hâm nóng trái tim mình, để đừng quên rằng “Khi tôi nằm xuống, tôi chỉ đem theo những gì tôi đã cho đi” thôi!
“Không sống cho riêng mình” hay sống cho người khác đã được nhà thơ Tố Hữu thi vị hóa bằng những lối ví von duyên dáng như sau:
“Nếu là con chim, chiếc lá,
thì con chim phải hót, chiếc lá phải xanh.
Lẽ nào vay mà không có trả,
sống là cho, đâu chỉ nhận cho riêng mình?
Khi một người sống hết mình vì người khác, thì cũng đồng nghĩa với việc người đó đã đi qua chính bản thân mình. Đây là một trong những dấu hiệu chắc chắn của người trưởng thành rồi vậy!