Chuyện ở bể bơi
Chuyện ở bể bơi
Một nam sinh học lớp 11 cầu cứu tôi vì bị “làm phiền” ở bể bơi. Cháu bị mấy chị lớp trên quây lại trò chuyện và khen có thân hình đẹp, khen đến đâu các chị sờ nắn đến đấy rồi cười khiến cháu nổi “da gà” khắp người và toàn thân đỏ dừ như con cua luộc.
Một cháu khác học lớp 9 thì ngại ngùng tiết lộ: ngay trong phòng thay đồ, các anh lớn hay giỡn giỡn đụng chạm chỗ nhạy cảm của nhau hoặc sờ “trym” các bé trai. Có lần, chính cháu bị một anh dí “đèn pin” vào mông, cháu quay lại phản ứng thì anh ta ngó lơ, cháu nhanh trí lách người qua một bên nhưng suốt buổi anh ta cứ lượn lờ bơi bên cạnh và tranh thủ “quờ quạng” dưới làn nước.
Có em mới vào cấp 2 bơi xong, lên tắm để thay đồ thì có chú đòi vào tắm chung, nghĩ cùng giới không sao và bể bơi đông đúc nên cháu đồng ý, chẳng ngờ chú ấy kỳ lưng giúp và xoa vào vùng “đồ bơi” khiến cháu phải tông cửa chạy.
Cậu bé học lớp 7 thì kể rằng nhiều lần bị chụp ảnh, theo dõi ở phòng thay đồ, thậm chí có anh trần như nhộng đứng rất lâu dưới vòi sen, cố tình quay ra ngoài cho nhìn thấy “nguyên con”.
Có nhóm thanh niên choai choai thì đi “giáp vòng” các hồ bơi để chụp trộm người khác, quay lén người tắm, sau đó về khoe “hàng”!
Còn nhiều, nhiều chuyện vậy nữa.
Tôi không ngạc nhiên khi nghe các cháu tâm sự. Nhắc đến quấy rối tình dục, mọi người thường nghĩ ngay nạn nhân là nữ, nhưng thực tế người bị quấy rối có thể bất kể là nam hay nữ, “thẳng” hay “cong”, trẻ con hay người già. Ða số nam sinh bị quấy rối mà không biết (thậm chí còn tưởng là trêu đùa, khen ngợi), hoặc biết mà không dám nói vì nói ra có khi không giải quyết được gì, lại còn bị gièm pha, giễu cợt, trả đũa. Ðiều tra mới đây tại TP Nha Trang cho thấy tỷ lệ nam sinh bị quấy rối là 19,33%, cao hơn so với nữ sinh (16,86%).
Quấy rối tình dục nam là khi có người (có thể là nữ, người đồng tính nam hoặc kẻ biến thái tình dục) cố ý dùng cơ thể tiếp cận một em trai hoặc đàn ông như sờ ngực, bẹo má, bóp mông, thở vào lỗ tai, dụ dỗ bằng ngôn từ gợi dục, “tra tấn” bằng điện thoại hoặc ăn mặc hở hang, cho xem tranh ảnh khiêu dâm, có ánh mắt, hành vi mang ẩn ý về tình dục. “Người bị hại” không được yên ổn, cuộc sống mất tự do và luôn phải đề phòng, thấy mình bị xem thường, bị tổn thương lòng tự trọng.
Trên thế giới, khoảng 79% nạn nhân bị quấy rối là nữ, 21% là nam, 12% sợ bị trả thù nếu chống lại.
Theo kết quả khảo sát của kênh radio 5 đài BBC, ở Anh, 50% phụ nữ và 20% đàn ông bị quấy rối tình dục bằng các hình thức khác nhau, từ việc bị buông lời khiếm nhã cho tới bị sờ mó ở công sở và trường học, 63% phụ nữ bị quấy rối cho biết họ không trình báo, 79% nam giới giữ im lặng.
Chính vì quan niệm con trai “chẳng mất gì”, chỉ có “được” nên một số người nữ còn coi chuyện bỡn cợt người khác phái là ban cho một ân huệ! (vài chàng phục vụ ở quán ăn, quầy bar bị khách nữ sàm sỡ, bóp đùi, câu cổ, khoác vai, nhưng người xung quanh chỉ cười hoặc không can thiệp gì)
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, các thiếu niên bị “hái trái xanh”, “chín ép” từ độ tuổi mới lớn tới ngoài 20 tuổi có thể mắc các chứng rối loạn, stress, trầm cảm, mất ngủ, thậm chí là tự tử.
Tôi đã khuyên các cháu: bơi là một môn thể thao rất tốt cho sự phát triển sức khỏe tinh thần và thể chất cho mọi độ tuổi, nhưng phải nhớ vài quy tắc giữ mình:
lCác bạn học sinh dễ trở thành “mồi ngon” cho những kẻ xấu, vì ít kinh nghiệm xử lý tình huống, sau đó ngượng ngùng, sợ hãi không dám nói với ai. Nên đi cùng bạn, người nhà đến hồ bơi. Cảnh giác với những đối tượng hay lảng vảng quanh khu vực mình đang bơi, “dòm ngó”, cố tình bắt chuyện, buông lời trêu chọc…
lKẻ quấy rối hay hoạt động ở những góc vắng vẻ hoặc nơi rất đông người để khó bị phát hiện. Vì thế nên bơi theo nhóm, vừa hỗ trợ nhau nếu xảy ra nguy hiểm vừa khiến những kẻ quấy rối không dám lại gần.
lKhông đến bể bơi với trang phục “lỏng lẻo” quá mức. Không để người khác đụng vào người mình, nhất là vùng riêng tư và ngược lại.
lKhông đến hồ bơi có phòng thay đồ lộ liễu, trống trải, không cửa che, vách ngăn các phòng sơ sài.
lKhi lâm nạn, đừng im lặng cũng đừng tỏ ra xấu hổ hay sợ hãi. Hãy la lớn và tìm mọi cách thoát ra. Sau đó nhanh chóng báo cho quản lý hồ bơi, huấn luyện viên tại đó.
lKể lại với người thân trong gia đình, báo cơ quan chức năng có thẩm quyền để trị kẻ quấy rối nhằm giữ an toàn cho bản thân và người khác.
Ths-Bs LAN HẢI