“TRỞ VỀ”
8.3Thứ Sáu trong tuần thứ Ba Mùa Chay
Hs 14:2-10; Tv 81:6-8,8-9,10-11,14,17; Mc 12:28-34
“TRỞ VỀ”
Tin Mừng hôm nay trình thuật câu chuyện đối thoại giữa Đức Giêsu và một Kinh Sư. Khởi đi bằng một câu hỏi của ông này về việc: điều nào là quan trọng trong toàn bộ luật. Thấy vậy, Đức Giêsu đã tóm cho ông toàn bộ nội dung và mục đích của luật trong câu: “Hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng hết sức hết trí khôn”; và: “Phải yêu người thân cận như chính mình”.
Yêu mến Thiên Chúa hết lòng là làm sao? Thưa! Là thờ lạy, quy phục, là giữ và thực thi Lời Chúa, sẵn sàng từ bỏ mọi sự để tin và theo Chúa, dù có phải khổ đau, hoạn nạn, thử thách và cuối cùng sẵn sàng chết cho Thiên Chúa là Đấng chúng ta tôn thờ, yêu mến.
Còn yêu người như chính mình thì như thế nào? Thưa! Là yêu hết mọi người, không phân biệt bạn hay thù, thánh thiện hay tội lỗi, giàu hay nghèo, quý tộc hay thường dân, người già hay trẻ nhỏ, phụ nữ hay đàn ông, màu da hay chủng tộc…
Yêu như thế là chúng ta đi vào tình yêu của chính Thiên Chúa, bởi vì bản chất của Thiên Chúa là tình yêu mà tình yêu của Ngài là hướng tha, là thực tế, không trừu tượng.
Muốn yêu được như thế, chúng ta phải chấp nhận cho đi, thiệt thòi, chịu liên lụy và đôi khi đành mất chính mình.
Chúa không bao giờ chấp nhận chúng ta cho đi theo kiểu: “Hòn đất ném đi, hòn trì ném lại”; hay “bỏ con tép, bắt con tôm”; hoặc “ông bỏ nắm xôi, bà thò nậm rượu…”.
Hãy trở về với Đức Chúa (Hs 14,2-3). Đây là lời mời gọi tha thiết dành cho nhà Is-ra-el. Is-ra-el được mời gọi “trở về”. Vậy, “trở về” nghĩa là gì?
“Trở về” ở đây không dừng lại ở ý nghĩa thể lý, nghĩa là một ai đó đi xa nhà và nay người ấy trở về; một ai đó đi lạc đường và nay trở về. “Trở về” còn mang một ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc. Đó là sự trở về của nội tâm, của trái tim. Dưới lăng kính của ngôn sứ Hô-sê, “trở về” là dứt bỏ tội lỗi và đặc biệt là dứt bỏ việc sùng bái ngẫu tượng. “Trờ về” nghĩa là tìm sự lành chứ không phải sự dữ, phải chê ghét sự dữ và yêu mến sự lành. Nói cách khác, “trở về” là chỉnh đốn hạnh kiểm và thực thi nghiêm chỉnh sự công chính. Đối với Hô-sê, những việc hoán cải giả tạo bên ngoài không thể mang lại kết quả nào. Thế nên, “trở về” đích thực là “trở về” của con tim được cảm hứng bởi tình yêu và sự nhận biết Thiên Chúa. Chỉ có sự “trở về” như thế mới có thể được Thiên Chúa dủ lòng thương xót. Có như thế, Thiên Chúa mới ban lại ân huệ của Ngài và sẽ nguôi giận.
Hôm nay, lời mời gọi “trở về” lại vang lên nơi tâm hồn chúng ta. Đây là lời mời gọi khẩn thiết dành cho chúng ta, đặc biệt trong mùa Chay này. Tại sao chúng ta cần “trở về”? Chúng ta trở về vì chúng ta sống xa Chúa; chúng ta đã nhiều lần bước vào con đường tội lỗi và nay chúng ta từ bỏ con đường ấy để trở về. Và trên hết, Chúng ta trở về vì Thiên Chúa là tình yêu. Chính nơi Người, chúng ta tìm được lòng thương cảm.
Trở về với Chúa là trở về với gia đình Giáo hội. Nơi đây chúng ta luôn tìm thấy con đường sự sống theo ơn gọi của Thiên Chúa. Sự sống triển nở trong tình yêu. Bởi lẽ, Đạo của chúng ta là đạo yêu thương: “mến Chúa trên hết mọi sự và yêu người thân cận như chính mình” (x. Mc 30-31). Giáo hội là ngôi nhà yêu thương. Do vậy, “trở về” không phải là trở về một không gian khép kín với bốn bức tường. Đúng hơn, hành trình “trở về” là hành trình tái khám phá tình yêu thương và cũng là hành trình loan báo tình Chúa yêu ta. “Trở về” là loan báo tin vui, Tin mừng yêu thương. Ước gì nhờ cuộc “trở về” tận căn của chúng ta, Tin mừng yêu thương có thể chạm đến những trái tim trai đá nguội lạnh. “Hãy trở về với Đức Chúa, mang theo lời cầu nguyện. Hãy thưa với Người: ‘Xin thư tha mọi gian ác, xin vui nhận lời ngợi khen chúng con dâng lên Ngài làm lễ vật thay thế bò tơ’” (Hs 14,3).
Mến một chúa duy nhất, có nghĩa là không được tôn thờ và gắn bó với bất cứ thụ tạo nào ngoài Thiên Chúa, vì chỉ có mình Thiên Chúa là đáng tôn thờ mà thôi. Vậy những ai tôn thờ và gắn bó với một thụ tạo nào khác, kể cả bản thân mình ngoài Thiên Chúa, thì đó là con đường sai lầm, không dẫn vào Nước Trời.
Con đường của tình yêu theo Tin Mừng không phải là con đường tam giác, nhưng là con đường hiệp nhất.Nó đem tha nhân và chính mình vào trong một mối tình duy nhất, bất diệt, vô biện và phổ quát của Thiên Chúa.
Hãy yêu thương tha nhân: Tha nhân theo giáo huấn hôm nay, không chỉ là người láng giềng hay người bạn thân, không chỉ là công dân cùng một tổ quốc, người đồng chí cùng một đoàn thể hay một con người dễ mến. Nhưng chính là tất cả mọi người.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu vạch ra cho ta con đường vào Nước Trời: đó là mến Chúa và yêu người. Và đó cũng là điều gồm tóm Mười điều răn của Chúa.