TIỀN HAY CHÚA
25 14 X Thứ Ba Tuần VIII Thường Niên.
(Tr) Thánh Bê-đa khả kính, linh mục, tiến sĩ Hội Thánh.
(Tr) Thánh Grêgôriô VII, Giáo hoàng.
(Tr) Thánh Maria Ma-đa-lê-na Pa-zi, Trinh nữ.
Thánh Phê-rô Đoàn Văn Vân, Thầy giảng (U1857), Tử đạo.
Hc 35,1-15; Mc 10,28-31.
TIỀN HAY CHÚA
Trang Tin Mừng hôm nay là một trong những câu chuyện gây nhiều ấn tượng trong toàn bộ Tin Mừng. Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã có lần lấy bài Tin Mừng này làm đề tài, để chia sẻ với các người trẻ trên thế giới về lý tưởng sống của một người theo Chúa.
Rõ ràng Tin Mừng hôm nay đặt người thanh niên này cũng như chúng ta vào tư thế phải chọn lựa: Theo Chúa hay là theo của cải.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu hứa sẽ trọng thưởng cho những ai từ bỏ mọi sự mà đi theo Chúa. Phần thưởng cao quý ấy không phải vật chất hay những gì có thể nắm giữ nhưng là được chung phần đau khổ và vinh quang cùng với Chúa. Sau khi nghe Chúa Giêsu nói về sức cám dỗ của tiền bạc khiến người ta không thể vào Nước Trời, các môn đệ cảm thấy chạnh lòng vì đã bỏ gia đình vợ con để đi theo Chúa mà không biết cuộc sống tương lai sẽ ra sao, bao nhiêu công sức đổ ra sẽ nhận được gì? Các ông tỏ ra là người biết tính toán lo xa, nhưng các ông chỉ nhìn thấy những điều hữu hạn, còn Chúa Giêsu hướng đến những giá trị thiêng liêng bền vững.
Cái nhìn của loài người luôn khác xa với cái nhìn của Thiên Chúa. Loài người có cái nhìn nhỏ hẹp, còn Thiên Chúa luôn có cái nhìn quảng đại bao dung. Thiên Chúa luôn tạo cho con người nhiều cơ hội tốt, mở ra nhiều lối đi để dẫn đưa họ tới nguồn hạnh phúc đích thực.
Phần thưởng của Thiên Chúa không gì có thể so sánh được. Nhưng để đạt được phần thưởng ấy đòi hỏi các môn đệ phải có thái độ khiêm tốn. Những ai đứng hàng đầu sẽ phải xuống hàng chót, và những ai đứng chót sẽ được nâng lên.
Trong đời sống thiêng liêng, chúng ta cũng thường bỏ qua những điều chính yếu nhưng lại nắm giữ những cái lặt vặt phụ thuộc. Chúng ta thường tính toán với Chúa khi đi tham dự thánh lễ, khi làm việc lành phúc đức. Chúng ta giữ đạo vì thói quen hơn là vì lòng yêu mến. Chúng ta làm việc từ thiện, phục vụ người nghèo để khoe khoang đánh bóng tên mình hơn là để chia sẻ tình yêu thương.
Trước đó, Chúa Giêsu đã khẳng định với các môn đệ rằng: “Những người có của thì khó vào Nước Thiên Chúa biết bao…Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Thiên Chúa” (Mc 10, 23.25). Điều này để nhấn mạnh thêm rằng “khó” không có nghĩa là “không thể” nhưng có nghĩa là phải cố gắng nhiều, có khi phải trả giá bằng những hy sinh. Thiên Chúa là Đấng đầy quyền năng, Người có thể tạo dựng mọi sự từ hư không. Vì yêu thương nên Người cho chúng ta tự do chọn lựa, Người không ép buộc nhưng ban ân sủng để chúng ta khôn ngoan sáng suốt nhận ra kế hoạch yêu thương của Người.
Có nhiều vật cản khiến chúng ta không vào được Nước Trời. Vật cản đó có thể là thói tham lam muốn có nhiều tiền, thói ươn hèn lười biếng, nhát đảm kém tin không dám trao phó cuộc đời mình cho Thiên Chúa dẫn dắt. Vật cản đó có thể là tội lỗi, những đam mê xác thịt kéo ghì chúng ta xuống. Có rất nhiều lý do khiến chúng ta từ chối viên ngọc Nước Trời. Biết bao cám dỗ khiến chúng ta không dám đánh đổi vận mạng của mình để có sự sống đời đời. Chúng ta thường có thái độ “bỏ hình bắt bóng”, tìm kiếm thứ hạnh phúc mau qua chóng tàn mà quên đi hạnh phúc vững bền.
Có một người đàn ông đi hành đạo. Đường đi phải qua một con sông lớn nhưng ông không có bất kỳ phương tiện nào. Sau một hồi suy nghĩ, ông quyết định đi nhặt các cành cây rồi kết lại thành một chiếc bè đơn giản. Để chiếc bè nổi trên mặt nước, ông dùng hai bàn tay làm mái chèo. Cuối cùng ông cũng qua được bờ bên kia.
Nhưng vừa bước chân lên bờ, ông băn khoăn nhìn chiếc bè và tự hỏi: – Mình đã vất vả mới làm được chiếc bè này, bỏ đi thì tiếc quá, hay là mình kéo chiếc bè theo?
Chiếc bè chỉ là phương tiện giúp người ta qua sông an toàn chứ không phải cái để nắm giữ. Nếu cứ nuối tiếc nắm giữ chiếc bè, người đàn ông trên sẽ không thể tiếp tục hành trình.
Chúa Giêsu cho chúng ta một nguyên tắc căn bản đó là: bỏ nhưng không mất, cho đi là nhận lại, muốn có sự sống thì phải chết đi cho thói tham lam ích kỷ, phải từ bỏ ý riêng của mình để chọn thi hành theo ý Chúa. Trên bước đường theo Chúa, chúng ta phải có thái độ dứt khoát, không ước mơ hão huyền nhưng phải gắn với quyết tâm và việc làm cụ thể. Một khi đã chọn Chúa thì không làm nô lệ cho tiền bạc hay bất cứ vật thể con người nào.
Trong đời sống đức tin, Chúa Giêsu muốn chúng ta trao vận mệnh tương lai của mình để cho Chúa dẫn dắt. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về sự từ bỏ và vâng phục khi thi hành ý muốn của Chúa Cha. Trong giây phút quyết liệt trên thập giá, Chúa Giêsu đã trao hiến và đổ đến giọt máu cuối cùng để tác sinh nhân loại trong sự sống mới. Sự vâng phục và trao hiến ấy chạm đến tận cùng bản thể của một Vị Thiên Chúa đầy lòng xót thương để dẫn đưa con người vào nguồn sống đích thực.
Nhiều lần chúng ta cũng tự hỏi như thánh Phêrô: – Tôi theo Chúa, sống đạo để được gì? Trong khi thế gian lừa lọc dối trá, tôi sống nghiêm túc thật thà ngay thẳng, chấp nhận thiệt thòi bất công để được gì? Tôi sống yêu thương bác ái để được gì trong khi những người khác chỉ ích kỷ lo cho bản thân mình.
Thật là một nghịch lý khi chúng ta giữ cặn kẽ các điều luật của Chúa mà lại sống thiếu bác ái với tha nhân. Chúng ta bằng lòng với việc giữ tỉ mỉ các điều luật ngoại trừ luật bác ái. Chúng ta sẵn sàng gân cổ bênh vực công lý nhưng lại bỏ qua những nhu cầu cần thiết của tha nhân.
Cuộc sống xã hội hôm nay còn nhiều người nghèo khổ, nhiều gia đình rơi vào cảnh bế tắc, chúng ta được mời gọi ra khỏi tháp ngà của sự yên ổn và ích kỷ để đến với tha nhân. Thiên Chúa không chỉ ở trong đền đài thành quách, nhưng Người đang bị kỳ thị chống đối nơi những vùng đất chìm trong chiến tranh khủng bố. Thiên Chúa không chỉ hiện diện nơi những đại lộ thẳng tắp tinh tươm sạch sẽ, nhưng Người đang co ro ẩn mình nơi góc phố với những người nghèo không nhà không cửa. Thiên Chúa không ở nơi lễ hội cờ hoa đình đám, nhưng Người âm thầm ẩn giấu nơi những con người khiêm tốn bé nhỏ nghèo hèn.
Câu chuyện ban đầu thật tốt đẹp. Anh ta đã chạy đến với Chúa, rồi quì dưới chân Chúa. Một chàng thanh niên giàu có, quí phái quì xuống trước mặt nhà tiên tri người Nazareth không một xu dính túi. Anh ta hỏi Chúa về những việc phải làm để có được sự sống đời đời.
Chúa đã nêu ra các điều răn vốn là nền tảng của một đời sống đạo đức, đáng kính trọng. Chàng thanh niên nọ đã không chút do dự đáp ngay rằng, mình đã giữ trọn tất cả từ thuở nhỏ.
Đối với cái nhìn của một con người thì được như thế quả đã là quá tốt rồi. Thế nhưng, đối với Chúa thì chưa đủ. Ngài muốn anh dấn thân một cách trọn vẹn hơn, bằng một đời sống biết chia sẻ những gì mình có cho những người nghèo khó. Nhưng người thanh niên đã không dám chấp nhận và rồi anh đã bỏ đi.
Và chính trong bối cảnh này mà Chúa đã nói: “Người giàu có khó vào Thiên Đàng biết bao. Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Chúa” (Mc 10,23).
Vâng! Của cải vật chất như một con dao hai lưỡi. Cái nguy hiểm đầu tiên là nó làm cho con người muốn gắn chặt tấm lòng của mình vào đời tạm này, mà quên đi cuộc sống mai sau.
Và nếu mối bận tâm chính yếu của con người chỉ là việc chiếm hữu của cải vật chất càng nhiều càng tốt, thì sớm muộn gì nó cũng khiến người ta nhìn mọi sự trên đời này bằng khuynh hướng lượng giá. Họ sẽ căn cứ vào sự giàu có sang trọng để đánh giá một con người, hơn là căn cứ vào những giá trị tốt đẹp để đánh giá con người đó.
Nếu mối bận tâm chính yếu của một người là của cải vật chất, thì người ấy sẽ chỉ biết có giá cả mà không biết đến giá trị. Người ấy chỉ biết nghĩ đến những gì người ta có thể mua bán bằng tiền bạc, chứ không biết rằng, có những giá trị ở đời người ta không thể nào mua bán bằng tiền bạc được.
Ước gì mỗi kitô hữu chúng ta biết đến với Chúa và với tha nhân bằng cả con tim yêu mến, cảm nhận niềm vui sâu xa trong tâm hồn khi thi hành luật Chúa và quảng đại hiến dâng đời mình để phục vụ tha nhân. Thiên Chúa luôn dành cho chúng ta một phần thưởng cân xứng lớn hơn những gì ta cầu xin. Phần thưởng đó không phải vật chất bên ngoài nhưng là sự gắn kết gần gũi với Thiên Chúa trong niềm vui và nỗi buồn, trong khổ đau và hạnh phúc, trong thập giá và vinh quang.